Vốn nổi tiếng với vẻ đẹp của núi non, sông biển, ruộng đồng trù phú; nhưng do hạn chế về cơ sở hạ tầng và giao thông, cho nên thời gian qua lượng khách đến Phú Yên chưa nhiều. Khá bất ngờ là từ sau khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ khởi chiếu với bối cảnh chính chủ yếu quay tại đây thì lượng khách chuyển biến rất tích cực. Không chỉ nhiều đơn vị lữ hành tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đặt tên tua du lịch tới Phú Yên theo tên phim để gây chú ý, mà Phú Yên cũng có chủ trương tận dụng độ “hot” từ bộ phim để xây dựng kế hoạch quảng bá cho du lịch tỉnh nhà. Đại diện lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Phú Yên cho biết, nhiều công ty trong nước tỏ ý định muốn được hỗ trợ liên kết, xây dựng thêm các tua du lịch tới vùng đất này. Vừa qua, UBND và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) tỉnh cũng mời cả ê kíp đoàn phim về giao lưu; mong được hợp tác với đạo diễn Victor Vũ để tiếp tục khám phá, khai thác tiềm năng du lịch của địa phương.
Lâu nay, trên thế giới, ảnh hưởng của điện ảnh đối với du lịch đã được minh chứng. Tại Ấn Độ, sau khi bộ phim Triệu phú khu ổ chuột giành giải Oscar năm 2009, các khu ổ chuột ở Dharavi - bối cảnh phim - ngay lập tức trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Mỗi năm, Thái-lan đón vài trăm đoàn làm phim nước ngoài đến để thực hiện các cảnh quay; ngành du lịch nước này thường đạt khoảng 60 tỷ USD/năm, một phần nhờ tích cực quảng bá qua điện ảnh. Tại Hàn Quốc, khung cảnh lãng mạn của các đảo Jeju, Nami, công viên Lotte World, bến phà Abai... từng xuất hiện trong một số bộ phim nổi tiếng đặc biệt hấp dẫn du khách, nhất là giới trẻ châu Á. Còn ở Việt Nam, năm 1994, sau khi vịnh Hạ Long xuất hiện trong phim Đông Dương, du khách Pháp, Nhật Bản đã tìm đến nước ta; thậm chí Hãng hàng không Air France phải tăng thêm chuyến bay.
Nơi đâu ở Việt Nam cũng có cảnh đẹp, nhiều bộ phim đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế có những bối cảnh không thua kém gì trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nhưng đáng tiếc là bản thân các địa phương chưa biết tận dụng tốt cơ hội, “ăn theo” sự nổi tiếng của phim để quảng bá du lịch. Thực tế cho thấy, các địa danh của TP Hồ Chí Minh như Bến cảng Nhà Rồng, khu phố người Hoa, Nhà thờ Đức Bà… xuất hiện trong bộ phim Người tình của điện ảnh Pháp; Nhà hát TP Hồ Chí Minh, phố cổ Hội An, Hà Nội… từng được chọn làm bối cảnh chính trong phim Người Mỹ trầm lặng của điện ảnh Mỹ; song khi sang Việt Nam, đa số du khách phải tự mày mò tìm đến những nơi đó vì không có sự chỉ dẫn hay quảng bá thông tin từ ngành du lịch. Việc đưa ngôi nhà của Pao - bối cảnh quay bộ phim Chuyện của Pao, tác phẩm đoạt liền bốn giải thưởng Cánh diều vàng 2005 - vào các tua để thu hút du khách khám phá thêm một Hà Giang đẹp bí ẩn và hoang sơ là việc làm khá hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó, còn không ít những bộ phim chưa được khai thác, như các phim về khung cảnh miền tây hiền hòa, nên thơ là Mùa len trâu, Cánh đồng bất tận… Một vấn đề nữa đặt ra, là việc đầu tư bối cảnh còn gây lãng phí, nhất là với những phim lịch sử hoành tráng như Về đất Thăng Long, Huyền sử thiên đô, Thái sư Trần Thủ Độ…
Những năm gần đây, vấn đề quảng bá du lịch thông qua điện ảnh được chú trọng hơn. Tại một số liên hoan, tuần phim trong nước và quốc tế đã diễn ra các hội thảo, triển lãm về quảng bá du lịch. Cục Điện ảnh cũng được Bộ VHTT và DL giao nhiệm vụ làm một số phim tài liệu ngắn, clíp quảng bá du lịch… Cục trưởng Ngô Phương Lan cho rằng, cần có sự cộng tác tốt hơn từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm du lịch với điện ảnh; có những kế hoạch dài hơi, việc làm cụ thể hơn chứ không chỉ dừng lại ở ý kiến, đề xuất. Đại diện Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận, ngành du lịch đã bỏ lỡ nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước qua các dự án điện ảnh lớn. Thời gian tới, Tổng cục sẽ có chương trình làm việc với Cục Điện ảnh nhằm lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu của các điểm đến để giới thiệu ra thế giới; việc mời chào các nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam làm phim là một định hướng của ngành.
Đã đến lúc các nhà quản lý du lịch và điện ảnh cần phải thật sự “bắt tay” vì mục đích chung; cùng xem xét kỹ để có cơ chế, giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy sự phối hợp, góp phần hỗ trợ quảng bá hình ảnh đất nước và đạt hiệu quả tốt hơn cho hai ngành.