Nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng thời tiết dị thường này là do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng cần tính đến bài toán về quy hoạch đô thị, bổ sung các tiêu chuẩn cụ thể về thoát nước để tránh tình trạng tương tự lặp lại trong tương lai.
Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Giáo sư Vũ Trọng Hồng về trận mưa lịch sử vừa qua tại Đà Nẵng.
Trận mưa lớn thứ hai từng được ghi nhận tại Việt Nam
Phóng viên: Thưa Giáo sư, Giáo sư đánh giá thế nào về trận mưa ngày 14/10 vừa qua tại thành phố Đà Nẵng?
Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Đây là một trận mưa rất đặc biệt. Đà Nẵng trong lịch sử cũng chưa từng đối mặt với trận mưa nào lớn đến thế. Theo thông báo chính thức, chỉ trong vòng 2 tiếng, thành phố đã hứng chịu lượng nước lên tới 270mm và sau nửa ngày, con số này đã lên tới 500mm.
Ở Việt Nam, trận mưa lớn nhất từng xảy ra được ghi nhận là tại đèo Bạch Mã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế với lượng nước ghi nhận được là 700mm. Như vậy, có thể nói đây là hiện tượng thời tiết bất thường, khiến thành phố ven sông Hàn phải hứng chịu lượng nước kỷ lục.
Mưa lớn tại Đà Nẵng tối 14/10 là trận mưa lớn thứ hai từng được ghi nhận. (Ảnh: Tùng Lâm) |
Phóng viên: Vậy nguyên nhân nào dẫn tới trận mưa dị thường như vậy, thưa Giáo sư?
Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Thông thường, các thành phố ven biển khi mưa đều sẽ rất lớn. Nguyên nhân bởi lượng hơi nước bốc lên từ mặt biển nhiều khi gặp luồng không khí lạnh dội xuống sẽ dẫn tới mưa.
Trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, khả năng mưa sẽ ngày càng tăng vì lượng khí C02 phát thải ngày càng nhiều khiến cho nước biển dâng, mặt biển rộng ra. Ngoài ra, lượng C02 này cũng làm gia tăng nhiệt độ, biến đổi các luồng không khí, gây tích tụ mây dẫn tới hiện tượng thời tiết bất thường như mưa cục bộ không dự đoán được trước.
Với trận mưa lớn như vậy thì ngay cả thành phố Hà Nội, nơi được đầu tư hệ thống thoát nước khá bài bản cũng sẽ ngập nặng chứ không nói gì tới Đà Nẵng. Cụ thể, hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội có thể đáp ứng được lượng mưa hơn 100mm trong 2 tiếng.
Lượng mưa đo được sau 6 giờ lên tới hơn 500mm. (Ảnh: Tùng Lâm) |
Đà Nẵng là thành phố ven biển nên nhiều người nghĩ cứ mưa lớn thì nước sẽ ào ra đại dương. Nhưng thực tế, Đà Nẵng chỉ có một mặt giáp biển nên không thể dựa hoàn toàn vào dòng chảy tự nhiên. Hiện Đà Nẵng mới chỉ tập trung đầu tư hệ thống thoát nước thải dân sinh qua Sông Hàn chứ chưa có hệ thống hồ điều hòa và hệ thống cống, rãnh thoát nước mưa như ở Hà Nội.
Do đó, tôi cho rằng, không chỉ Đà Nẵng mà tất cả các thành phố lớn đều cần phải nghiêm túc nghiên cứu, tính toán đến phương án tiêu nước mưa hiệu quả hơn.
Cần sớm có tiêu chuẩn thoát nước đô thị trong quy hoạch, xây dựng
Phóng viên: Giáo sư có thể phân tích thêm về tác động của quá trình đô thị hóa như một nguyên nhân dẫn tới việc Đà Nẵng bị ngập nặng trong cơn mưa ngày 14/10 vừa qua?
Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Trước hết, cần nhìn nhận rõ, Đà Nẵng là thành phố ven biển và vấn đề đô thị hóa tại đây không quá nặng nề như Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình đô thị hóa ở các thành phố của Việt Nam đều có chung nhược điểm là không làm đủ hệ thống ao hồ điều tiết nước mưa. Với các mảng xanh (công viên, vườn hoa) trong đô thị thay vì được mở rộng thì nay bị bê tông hóa cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngập lụt. Cụ thể là do nước mưa không còn chỗ thấm xuống lòng đất.
Ở Phú Quốc và Đà Lạt cũng từng xảy ra hiện tượng ngập úng sau mưa, nhưng đó là do nhân tai khi người ta lấp hết chỗ trống, xây các công trình, nhà vườn. Đà Nẵng đến nay vẫn tuân thủ cẩn thận nhưng vẫn gặp ngập lụt sâu. Nguyên nhân chính dẫn đến Đà Nẵng ngập lụt ngày 14/10, như tôi đã phân tích ở trên là do hiện tượng thời tiết dị thường gây mưa lớn, dẫn tới nước không thoát kịp ra sông, ra biển. Với lượng mưa lên đến 270mm trong 2 tiếng thì không có hệ thống thoát nước nào đáp ứng được.
Tuy nhiên, vấn đề thoát nước cần có tầm nhìn trăm năm. Có thể chưa đến 100 năm sau, thành phố này lại đối mặt với một trận mưa cục bộ và dị thường như ngày 14/10 vừa qua. Do đó, đã đến lúc Đà nẵng cần phải tính đến các phương án lâu dài hơn.
Một phương tiện hỏng hóc do nước dâng cao. (Ảnh: Tùng Lâm) |
Phóng viên: Vậy, để giảm thiểu nguy cơ trong tương lai, Đà Nẵng nói riêng và các đô thị lớn tại Việt Nam cần phải có những giải pháp cụ thể nào thưa Giáo sư?
Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Theo nghiên cứu của Công trình Thủy văn thế giới, có 3 cách để tiêu nước mưa.
Đầu tiên, phải bảo đảm độ thấm của đất. Nếu không bảo đảm yếu tố này, nước sẽ chảy dồn về các điểm trũng. Thí dụ dễ nhận thấy nhất là tại Hà Nội, mỗi khi mưa lại xuất hiện nhiều điểm úng ngập cục bộ. Các chuyên gia đã tổng kết, 1ha rừng có thể tiêu được đến 4m3 nước. Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đường hè, các hàng cây đều bị bê tông hóa khiến cho khả năng thấm ngày càng giảm đi. Do đó, yêu cầu đầu tiên là các thành phố cần phải có chỗ thấm nước.
Tôi từng ở Đà Nẵng nhiều năm tại khu nghỉ dưỡng Hyatt do người Anh xây dựng. Để bảo đảm tính thấm, thoát, các đường bê tông của họ không bao giờ nối liền. Cứ khoảng 2-4m lại có một ô dài chừng 20cm được đổ đá để bảo đảm độ thấm. Các bãi trống cũng được trồng cỏ, tránh bỏ hoang hóa. Do đó, mặc dù nằm sát biển, đối mặt với những trận mưa lưu lượng lên tới hàng trăm milimet nhưng khu vực này cũng chưa từng úng ngập.
Người dân Đà Nẵng khắc phục hậu quả sau cơn mưa lịch sử. (Ảnh: Thanh Tâm) |
Thứ hai, muốn tiêu nước mưa hiệu quả phải có hệ thống hồ điều hòa. Đây là vấn đề mà hiện nay cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiêm túc suy nghĩ để thực hiện. Đà Nẵng thì không có hồ điều hòa nhiều do nằm sát biển. Nhưng sau trận mưa vừa qua, tôi nghĩ, thành phố sông Hàn cũng cần phải có những tính toán cụ thể về phương án này.
Thứ ba, các thành phố cần làm được hệ thống đường tiêu nước liên thông nối các khu vực với nhau để chuyển nước mỗi khi xuất hiện mưa lớn. Đây là bài toàn khó mà ngay cả Hà Nội cũng chưa thực hiện được. Hà Nội hiện có 4 vùng thì chỉ có vùng Tô Lịch bảo đảm được tiêu thoát nhờ sông Tô Lịch. Theo tôi, các thành phố cần chia vùng thoát nước, tính toán lượng mưa tiêu được, trên cơ sở đó ấy thành lập các đội ứng phó khẩn cấp.
Một vấn đề khác đặt ra trong quá trình đô thị hóa là sự gia tăng của các phương tiện giao thông. Thực tế, khi một lượng phương tiện lớn tập trung sẽ khiến nhiệt độ tại khu vực đó tăng cao, dễ dẫn tới mưa cục bộ lớn. Đà Nẵng cần phải tính dần tới các phương án phân luồng giao thông ngay từ lúc này.
Ngổn ngang sau mưa lớn. (Ảnh: Thanh Tâm) |
Phóng viên: Rõ ràng, trong bài toán quy hoạch, xây dựng hiện nay, rất cần phải bổ sung tiêu chuẩn về thoát nước đô thị phải không, thưa Giáo sư?
Giáo sư Vũ Trọng Hồng: Tôi cho rằng, trong tiêu chuẩn xây dựng đô thị Việt Nam rõ ràng đang thiếu tiêu chuẩn về thoát nước. Qua nghiên cứu, tôi mới thấy có tiêu chuẩn về trồng cây xanh như bao nhiêu héc ta đất thì phải bảo đảm bao nhiêu cây xanh. Tôi kiến nghị cần sớm có tiêu chuẩn về thoát nước đô thị, không chỉ là vấn đề đường ống, máy bơm, hồ điều hòa mà cần cụ thể, chi tiết với các yếu tố như bãi cỏ, khả năng thấm, thoát…
Bên cạnh đó, theo tôi, Việt Nam cũng cần phải đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực dự đoán mưa để giảm thiểu hậu quả.
Phóng viên: Xin cám ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này!
Theo liệu quan trắc từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, lượng mưa trong vòng 6 giờ (từ 15 giờ đến 21 giờ tối 14/10) đạt khoảng 567mm.
Mưa lớn đã khiến cho thành phố sông Hàn ngập sâu, nhiều tài sản và phương tiện giao thông bị hỏng hóc nghiêm trọng. Đặc biệt đau lòng, 4 người đã tử vong do đuối nước và gặp tai nạn giao thông trong mưa lũ.