Người dân chưa được hưởng lợi
Được sự chấp thuận của UBND tỉnh Cà Mau, đầu năm 2016, VQG Mũi Cà Mau triển khai phương án mở rộng nuôi sò huyết thực nghiệm (tạm gọi phương án) từ 30 ha lên 400 ha ở khu bãi bồi trong Khu bảo tồn biển thuộc VQG Mũi Cà Mau, giáp ranh các xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), Đất Mới, Lâm Hải (huyện Năm Căn) và xã Rạch Chèo, Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân). Mục đích nhằm tìm ra mô hình phát huy giá trị kinh tế mặt nước biển, cải thiện sinh kế cho dân cư, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho cộng đồng trong và ven VQG Mũi Cà Mau, hạn chế khai thác thủy sản trái phép…
Tuy nhiên, khi triển khai, VQG Mũi Cà Mau lại hợp đồng, bàn giao diện tích mặt biển khu vực bãi bồi cho 14 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là những người có tiềm lực kinh tế thuê mặt nước nuôi sò, chưa hướng đến cộng đồng dân nghèo. Các doanh nghiệp được giao nuôi sò, gồm: Công ty CP Thủy sản Hà Phát Cà Mau (100 ha), doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Lộc (100 ha), Trạm Bãi Bồi của VQG Mũi Cà Mau (50 ha), Hợp tác xã Minh Chiến 30 ha, và bảy cá nhân khác ở xã Nguyễn Việt Khái và Đất Mũi. Ngay cả khi diện tích mặt nước khu bãi bồi giao về UBND các xã Lâm Hải, Nguyễn Việt Khái, Rạch Chèo (mỗi nơi 10 ha) nhằm thành lập HTX, người dân vẫn chưa được tham gia nuôi hoặc thuê trông giữ bãi sò. Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Rạch Chèo Đào Văn Tính cho biết, phần diện tích đã nhận được, xã giao lại cho ông Huỳnh Chí Linh (cán bộ Văn phòng UBND xã) liên kết với đối tác để thả nuôi sò huyết. Tuy nhiên, ông Tính lại không nắm rõ cách thức sản xuất, phân chia lợi nhuận ra sao…?
Từ trước đến nay, khu bãi bồi là nơi hội tụ, sinh sản của nhiều loài tôm, cá và thủy sản. Nguồn lợi ấy được cộng đồng địa phương xem là nguồn nuôi sống gia đình từ bao đời nay. Bà Huỳnh Thị Ẩn, xóm dân cư Kinh Năm, ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo (huyện Phú Tân) bức xúc: Từ ngày VQG mở rộng diện tích nuôi sò huyết, đối tác của VQG khoanh vùng cắm cây dày đặc mặt biển, thu hẹp không gian kiếm sống của người dân... Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Trần Đoàn Hùng cũng cho biết: VQG Mũi Cà Mau lựa chọn những đối tác từ nơi khác đến để nuôi sò huyết, gây mâu thuẫn, vì người dân mất không gian, diện tích kiếm sống.
Theo phương án nuôi sò thực nghiệm, những đơn vị, cá nhân được giao diện tích bãi bồi phải đóng 5% lợi nhuận thu được cho VQG Mũi Cà Mau. Trong trường hợp mất mùa, thiên tai không thu hoạch được sò huyết thì đóng bốn triệu đồng/năm/ha.
Thực hiện chưa đúng phương án
Trở lại bãi bồi lần này, chúng tôi thấy diện tích bao ví nuôi sò dày đặc hơn trước, những cọc gỗ san sát nhau, có nơi kéo dài hàng cây số trên mặt biển. Ngay cả người có thâm niên chạy đò bao chở chúng tôi, phải vất vả lắm anh mới vào được khu vực các đối tác nuôi sò của VQG Mũi Cà Mau. “Họ bao ví, rào chắn dày kín như mạng nhện nhưng không có đèn báo hiệu nguy hiểm, ban đêm có thể bị vướng cọc, lật xuồng, chết người chứ không phải chuyện đùa” - Chủ đò bao Lâm Văn Thanh nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Rạch Chèo Dương Thanh Hải cho biết: “Hộ nuôi sò huyết ở đây còn bơm sình gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống của người dân tại địa phương”. Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái Lê Văn Bắc đã trình bày trong báo cáo, đề xuất, rằng những hộ nuôi sò huyết từ nơi khác xuống cư trú nhưng không đăng ký và không trình báo tạm trú trên địa bàn, thường xuyên xảy ra tình hình gây rối trật tự trong khu vực nuôi.
Trước phản ánh của người dân về những bất ổn xảy ra tại khu vực nuôi sò thực nghiệm của VQG Mũi Cà Mau, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Cà Mau đã thành lập tổ kiểm tra xác minh thực tế. Kết quả cho thấy, quá trình thực hiện phương án, chủ đầu tư (VQG Mũi Cà Mau) và nhiều đối tác chưa thực hiện tốt phương án ương, nuôi sò huyết ở khu bãi bồi. Cụ thể, cho đến nay, VQG chưa thực hiện quy hoạch chi tiết cho từng khu (khu nuôi sò thương phẩm, ương sò huyết giống, nuôi sò bố mẹ); nhiều đối tác liên kết với VQG Mũi Cà Mau cất chòi trên bãi sò nhưng không xin phép chính quyền, cũng như chưa xây dựng các phương án trong khu vực được giao để trình chủ đầu tư phê duyệt; chưa tổ chức báo cáo tài chính và chưa thực hiện đóng thuế theo quy định; chưa giải quyết tốt sinh kế cho dân nghèo ven biển tại địa phương khi phần lớn lao động là người ngoài tỉnh…
Từ kết quả kiểm tra thực tế, Sở NN và PTNT tỉnh Cà Mau đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo VQG Mũi Cà Mau tổ chức triển khai đúng nội dung phương án được phê duyệt; đánh giá tình hình thực hiện nuôi sò huyết qua một năm (triển khai nuôi, hiệu quả kinh tế, môi trường, tăng trưởng…), từ đó đánh giá lại hiệu quả phương án và trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước. Mặt khác, VQG Mũi Cà Mau cần tiến hành tổ chức cắm mốc đúng theo hợp đồng ký kết, đồng thời phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra các đối tác thực hiện bảo đảm đúng hợp đồng đã ký và quản lý xây dựng chòi, rào chắn, đặt lú trên diện tích được giao…
Liên quan đến một số phản ánh của người dân trong việc nuôi sò huyết thực nghiệm ở khu bãi bồi, trong chuyến công tác tại xã Lâm Hải (huyện Năm Căn) vào cuối tháng 8-2017 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đề nghị cơ quan chức năng tỉnh tính toán lại việc nuôi sò huyết thực nghiệm, cần có sự đánh giá rõ ràng, không để ảnh hưởng đến người dân. Trong trường hợp xảy ra nhiều bất ổn, ông Lâm Văn Bi yêu cầu dừng triển khai phương án nuôi sò thực nghiệm.
Đồng chí Dương Thanh Bình, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhấn mạnh tại buổi làm việc ở xã Lâm Hải ngày 24-8-2017: “Cơ quan chức năng tỉnh rà soát, xác định lại thật kỹ và chính xác phương án của VQG Mũi Cà Mau là cho thuê mặt nước, mặt bãi để kinh doanh hay tổ chức nuôi thực nghiệm để sau đó nhân rộng cho người dân thực hiện. Nếu là phương án thực nghiệm, làm gì cũng phải chừa lối đi cho người dân chứ không thể bít hết lối đi. Còn nếu rà soát mà thấy VQG thực hiện không đúng phương án thì không nên triển khai nữa”.