Ngày 20/9, Công ty Điện lực Kon Tum ra Văn bản số 3712/KTPC-KD+ĐĐ nêu lý do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 trong năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ trên diện rộng, khiến cho nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất phát lên hệ thống. Đây là tình huống nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh hệ thống điện quốc gia.
Nhằm bảo đảm cân bằng giữa nguồn điện và phụ tải sử dụng điện, bảo đảm an toàn hệ thống điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền trung, Công ty Điện lực Kon Tum buộc phải thực hiện giảm huy động công suất hệ thống, trong đó riêng nguồn ĐMTMN dự kiến 4 tháng cuối năm giảm khoảng 60% công suất của hệ thống.
Văn bản trên đưa hơn 1.400 doanh nghiệp, cá nhân với hơn 161 MWp tổng công suất ĐMTMN trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào danh sách cắt giảm công suất ngay trong ngày 20/9 trong khi rất nhiều người dân, doanh nghiệp không nhận được thông báo này.
Theo ông Nguyễn Diên Tư, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hòa Bình Kon Tum, thì việc cắt giảm công suất chưa hợp lý. Trong khi các tỉnh khác tại địa bàn Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông chỉ cắt giảm từ 30 đến 35% công suất, Gia Lai từ 40 đến 50% thì tại Kon Tum lại lên đến 60%. Thêm vào đó, để chia sẻ khó khăn vì đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng người dân và doanh nghiệp cũng đã bị cắt giảm từ 15 đến 20% công suất ĐMTMN.
Một trong những lý do mà người dân và các nhà đầu tư ĐMTMN rất bức xúc đó là tình trạng tùy tiện, không có sự bàn bạc, thống nhất giữa các bên trong vấn đề cắt điện của ngành điện lực. Ngành điện gửi thông báo và đơn phương tiến hành cắt giảm 60% sản lượng ĐMTMN ngay trong một ngày làm người dân và các nhà đầu tư bị động, ảnh hưởng đến sự vận hành, ổn định của hệ thống ĐMTMN người dân và doanh nghiệp. Việc đơn phương cắt giảm sản lượng điện là không đúng với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm hợp đồng kinh tế giữa các nhà đầu tư và Công ty Điện lực Kon Tum.
Ông Phạm Nguyễn Quốc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV công nghệ Smarthome cho biết: Phần lớn các nhà đầu tư ĐMTMN trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều vay vốn từ các ngân hàng thương mại, chiếm tỷ lệ từ 70-80% tổng mức đầu tư. Với suất đầu tư ĐMTMN công suất 1MW chi phí từ 15-20 tỷ đồng, lãi suất từ 9-12%/năm thì trung bình mỗi tháng nhà đầu tư phải chi trả ít nhất 180 triệu đồng tiền gốc cộng lãi cho ngân hàng. Giảm 60% công suất thì nhà đầu tư thu nhập chỉ khoảng 100 triệu đồng/MW/tháng, không đủ trả tiền lãi, chưa nói đến các chi phí như vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, nhân công, thuế giá trị gia tăng…
Lịch cắt giảm công suất huy động ĐMTMN luân phiên của Công ty Điện lực Kon Tum cũng khiến các nhà đầu tư bất bình. Theo lịch thì sẽ huy động công suất một ngày, ngày hôm sau sẽ cắt giảm huy động từ 8 đến 16 giờ hằng ngày. Việc này dẫn đến sự bất lợi và may rủi cho các nhà đầu tư khi lỡ đến ngày được huy động ĐMTMN thì trời lại âm u, mưa dầm; ngày bị cắt giảm công suất thì trời lại nắng to.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Giáp, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum, cho biết: Tổng công suất ĐMTMN trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay là hơn 161 MWp, trong khi công suất phụ tải cao điểm chỉ đạt 75MW, do đó nhu cầu huy động nguồn ĐMTMN giảm đi đáng kể. Để bảo đảm an toàn hệ thống điện trong điều kiện phụ tải sử dụng điện giảm thấp do dịch bệnh Covid-19, Điện lực Kon Tum thực hiện việc giảm huy động nguồn ĐMTMN theo kế hoạch huy động nguồn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền trung. Công suất nguồn của hệ thống đang dư thừa, đây là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh hệ thống điện quốc gia.
“Tùy thuộc vào tình hình tăng trưởng phụ tải sử dụng điện, Công ty Điện lực Kon Tum dự kiến giảm huy động ĐMTMN từ đây đến hết năm 2021 từ 30-60% tổng công suất lắp đặt của khách hàng. Căn cứ vào thông báo huy động ĐMTMN của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, chúng tôi triển khai thực hiện mức giảm huy động công suất theo kế hoạch hàng tuần. Thời gian đến, khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, kinh tế phục hồi và phụ tải tăng trưởng, khi được tính toán tăng công suất huy động thì PC Kon Tum sẽ tăng huy động nguồn ĐMTMN trở lại”, ông Đỗ Văn Giáp nhấn mạnh.
Theo các nhà đầu tư thì việc cắt giảm công suất như thế này dẫn đến việc các doanh nghiệp đầu tư ĐMTMN tại tỉnh Kon Tum sẽ phá sản hàng loạt. Các nhà đầu tư mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ khó khăn để bảo đảm sự tồn tại, vượt qua giai đoạn gian khó vì dịch bệnh của hệ thống ĐMTMN; có giải pháp kiến nghị và cơ chế hỗ trợ tương xứng cho những tổn thất vì buộc phải tiết giảm sản lượng điện để bảo đảm vận hành lưới điện an toàn.