Cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong thi đua, khen thưởng

NDO -

Tiếp tục Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận một số dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 28/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Đa số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật có sự đổi mới mạnh mẽ và căn bản, có nhiều nội dung để đưa phong trào thi đua thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và hạn chế tính hình thức trong thi đua.

Thảo luận về công tác khen thưởng khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) và một số đại biểu cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp tư nhân, khối này có sự đóng góp lớn trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, tri thức, nhà khoa học thực sự xứng đáng được khen thưởng vì thành tích đóng góp của mình. Tuy nhiên, một số quy định hiện hành về tiêu chuẩn khen thưởng cho doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước chưa cụ thể, khó áp dụng và điều chỉnh bằng văn bản dưới luật.

Cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong thi đua, khen thưởng -0
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Vũ Trọng Kim phát biểu thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Khắc phục những bất cập nêu trên, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học, các tổ chức kinh tế khác được khen thưởng Huân chương Lao động các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các Bộ, ban, ngành… Với những quy định mới, căn bản này, công tác khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân sẽ được tăng cường, góp phần động viên thúc đẩy ngày càng phát triển. Tuy nhiên, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền khen thưởng đối với doanh nghiệp, vì thế, đề nghị quy định ngay trong Luật này những nguyên tắc cơ bản về thẩm quyền trình khen thưởng, đặc biệt đối với doanh nghiệp tư nhân làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết sau này.

Cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong thi đua, khen thưởng -0

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) 

Nhiều đại biểu cho rằng, công tác thi đua khen thưởng trong khu vực ngoài nhà nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt với khen thưởng công nhân, nông dân, ngư dân, lực lượng nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo… Đây là lực lượng đóng góp, ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội, cần được tăng cường khen thưởng, khuyến khích động viên kịp thời.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (TP Hà Nội) cho biết, tuy đã có quy định về đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng cho người lao động trực tiếp, nhưng đối tượng chưa đầy đủ, việc quy định chưa cụ thể, tiêu chuẩn chung chung, vì vậy tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra. Do đó, dự thảo Luật lần này đã quan tâm nhiều hơn đến người lao động trực tiếp để tiếp tục thể chế hóa kịp thời chủ trương đường lối của Đảng; đồng thời các quy định pháp luật mới về khen thưởng người lao động trực tiếp sẽ đi vào thực tiễn cuộc sống, thực chất hơn, qua đó động viên, khích lệ kịp thời tinh thần, vật chất đối với cá nhân xuất sắc, tạo động lực cá nhân cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại giá trị cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, làm tốt công tác khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sẽ tạo ra sự lan tỏa trong xã hội, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển, tạo động lực cho sự phát triển chung của đất nước.

Cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong thi đua, khen thưởng -0
 Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trương Xuân Cừ phát biểu thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Về nội dung bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận. Đa số các ý kiến cơ bản tán thành về việc bổ sung hình thức khen thưởng và nhấn mạnh, điều này thể hiện sự ghi nhận, tri ân đối với lực lượng thanh niên xung phong góp công, góp sức trong thời kỳ kháng chiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, băn khoăn về thời gian, tiêu chuẩn được xét tặng Huy chương, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, cần quy định linh hoạt về thời gian, điều kiện tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang để ghi nhận được sự đóng góp vào thành tích của thanh niên xung phong trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Nếu quy định phải có thời hạn tại ngũ liên tục hai năm trở lên, thanh niên xung phong là liệt sĩ phải có thời gian tại ngũ một năm trở lên là chưa sát với thực tiễn.

Phân tích về điều này, đại biểu cho biết, có trường hợp thanh niên xung phong làm nhiệm vụ đặc biệt do chiến tranh ác liệt, bị thương nặng, chuyển về tuyến sau, thời gian tham gia lực lượng thanh niên xung phong mới chỉ mấy tháng, không đủ thời gian hai năm. Như vậy, thì những trường hợp này không thuộc diện tặng Huy chương như trong dự thảo Luật. Như thế là chưa phù hợp...

Bên cạnh đó, thanh niên xung phong tham gia kháng chiến có tính chất đặc biệt, thời gian tham gia trong lực lượng ngắn, nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nơi tuyến đầu, trực tiếp tham gia chiến dịch trên chiến trường chiến đấu dũng cảm, hy sinh bảo vệ Tổ quốc, vì thế cần quy định linh hoạt về thời gian, điều kiện tặng, truy tặng huy chương thanh niên xung phong vẻ vang để ghi nhận sự đóng góp và thành tích của thanh niên xung phong trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trao tặng Huy chương cho thanh niên xung phong có thời gian tham gia liên tục trong lực lượng thanh niên xung phong từ một năm trở lên. Trường hợp đặc biệt cũng cần xem xét, nếu như trường hợp có thời gian ngắn, nhưng thành tích đặc biệt cần ghi nhận, cũng nên có quy định riêng. Đồng thời, nhiều ý kiến cũng đề nghị, đối với thanh niên xung phong là liệt sĩ thì không nên quy định thời gian để truy tặng Huy chương. 

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ động phối hợp Ban soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan có có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị, hoàn thiện dự thảo Luật và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức theo quy định để dự án Luật khi trình Quốc hội bảo đảm chất lượng.