Bình luận

Cân bằng động

NDO - Từ Ukraine đến Dải Gaza, xung đột nối tiếp xung đột, chiến tranh trả đũa bằng chiến tranh. Trước những cuộc xung đột đó, các quốc gia đã lựa chọn vị thế khác nhau để bảo đảm lợi ích an ninh, kinh tế, chính trị của chính mình.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh chung của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Liên đoàn Arab (AL) ở Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh | REUTERS
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh chung của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Liên đoàn Arab (AL) ở Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh | REUTERS

Từ bỏ “vị thế cân bằng” giữa Nga và phương Tây

Ngày cuối cùng của tháng 11, Phần Lan đóng nốt của khẩu cuối cùng với Nga, hoàn tất việc đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ với quốc gia láng giềng cách đây mới chỉ hơn một năm vẫn còn có mối quan hệ hữu hảo thân thiện. Theo phía Phần Lan, việc đóng cửa biên giới trước hết diễn ra trong hai tuần lễ nhằm đối phó với làn sóng người tị nạn đến từ Nga tăng vọt. Lực lượng biên phòng Phần Lan cho biết, chỉ trong tháng 11 đã có khoảng 900 người từ Kenya, Marocco, Pakistan, Somalia, Syria và Yemen nhập cảnh vào Phần Lan từ Nga. Trong khi so với những tháng trước đó, số người xin tị nạn vào Phần Lan từ Nga chỉ là dưới một người/ngày (tức là chưa đến 30 người/tháng).

Giải thích cho quyết định của mình, phía Phần Lan cáo buộc Moscow cố tình đẩy người tị nạn sang Phần Lan để trả đũa việc Helsinki tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ. Đi xa hơn, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo còn khẳng định rằng, Phần Lan có thông tin tình báo về việc phía Nga hỗ trợ cho người xin tị nạn ở Phần Lan. Dĩ nhiên là Moscow hoàn toàn bác bỏ cáo buộc này.

Việc Phần Lan đóng cửa hoàn toàn biên giới trên bộ với Nga lẽ ra cũng không gây chú ý nhiều đối với dư luận thế giới nếu như không tính đến một yếu tố khác, kể từ đầu tháng 4 năm nay, Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO, tổ chức liên minh quân sự lớn nhất thế giới hiện nay.

Do vậy, đóng cửa biên giới giữa Phần Lan với Nga cũng có nghĩa là đóng cửa một phần biên giới của NATO với Nga.

Từ chỗ là một lĩnh vực liên quan đến quyền di trú và nhân đạo, vấn đề người tị nạn bỗng bị đẩy lên thành “điểm nóng” mang tính chính trị giữa Nga với Phần Lan, phía sau là NATO. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc Nga sử dụng vấn đề di cư như một công cụ để gây áp lực với Phần Lan, điều mà Moscow ngay lập tức phủ nhận. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga thậm chí còn cho rằng, quyết định đóng cửa một số trạm kiểm soát biên giới với Nga của phía Phần Lan là “mang tính khiêu khích”...

Cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine nhanh chóng đưa Phần Lan vào trung tâm những tranh cãi địa chính trị, khi quốc gia này bất ngờ từ bỏ vị thế cân bằng giữa Liên Xô (trước đây, Nga hiện nay) với phương Tây kéo dài suốt hơn tám thập kỷ qua, để gia nhập NATO.

Tư cách thành viên NATO của Phần Lan đã định vị lại địa lý khu vực Bắc Âu và Baltic, mang lại cho NATO một ưu thế mang tính sống còn trong việc kiềm chế không để Nga mở rộng không gian ảnh hưởng. Giờ đây, máy bay trinh sát của Mỹ đã có thể bay qua không phận Phần Lan, tiếp cận rất sát vùng trời của nước Nga, một điều mà chỉ ít tháng trước đây thôi, không ai có thể tưởng tượng được.

“Cân bằng động” của Ankara

Một thí dụ khác về ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine khiến cho một quốc gia trở thành tâm điểm trong đời sống chính trị quốc tế là Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này đã thực hiện thành công một chính sách cân bằng động giữa Nga, Mỹ và Ukraine, đạt được nhiều lợi ích với chi phí bỏ ra ít nhất.

Ankara đã đóng vai trò trung gian thành công để đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7/2022 nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine. Thỏa thuận này đã được gia hạn nhiều lần trước khi tan vỡ vào trung tuần tháng 7 vừa qua do Nga tố cáo phương Tây bày ra “trò chơi một phía”, chỉ thực hiện những điều khoản có lợi cho Ukraine trong khi phớt lờ những lợi ích của Nga trong xuất khẩu phân bón và sản phẩm nông nghiệp.

Đây là thỏa thuận duy nhất đạt được giữa Nga và Ukraine trong suốt gần hai năm chiến tranh ác liệt (dù Nga và Ukraine ký riêng rẽ với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ), cho thấy vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO, Ankara đã chống đối quyết liệt do lo ngại lực lượng vũ trang người Kurd (mà nhiều người trong số đó sống ở Thụy Điển) chống đối, đe dọa an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng cách liên tục gây sức ép, Thổ Nhĩ Kỳ buộc Stockholm phải nhượng bộ, củng cố luật chống khủng bố, dẫn độ sang Thổ Nhĩ Kỳ những người mà Ankara cho là khủng bố.

Ankara cũng đã thực hiện một chính sách cực kỳ khôn khéo trong đàm phán với Mỹ và EU để nâng cao vị thế, mang lại lợi ích cho đất nước.

Để có được sự nhượng bộ trong vấn đề kết nạp Thụy Điển, Ankara yêu cầu phải khởi động lại đàm phán để mở đường gia nhập EU cho Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã gặp rất nhiều trắc trở do bất đồng sâu sắc trong các vấn đề nhân quyền, pháp trị, chính sách kinh tế...

Sau khi không ngăn được Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 hiện đại của Nga, Washington đã ngay lập tức “đóng băng” việc chuyển giao máy bay F-35 theo một hợp đồng có từ trước cho Ankara. Đến khi nắm trong tay “con bài tẩy” về việc kết nạp Thụy Điển, Ankara đã không ngần ngại gì yêu cầu Mỹ phải bán cho Thổ Nhĩ Kỳ loại máy bay chiến đấu F-16 trong một hợp đồng trị giá lên đến 20 tỷ USD. Vì “đại cục” NATO, Mỹ đành đáp ứng yêu cầu của Ankara, cam kết cung cấp máy bay chiến đấu F-16, đúng như mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Những cuộc đàm phán này giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các đồng minh chung quanh việc Thụy Điển gia nhập NATO cho thấy vai trò quan trọng của Ankara trong việc xử lý các vấn đề an ninh của châu Âu. Vị trí địa lý có tính chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với chiến lược đàm phán khéo léo (cả trong cuộc xung đột Ukraine cũng như nhiều vấn đề quốc tế khác) đã giúp cho nước này khẳng định vị thế cường quốc tầm trung có nhiều ảnh hưởng ở châu Âu.

Ðộng thái của Riyadh

Một quốc gia khác cũng đã nổi lên trên vũ đài chính trị quốc tế từ cuộc xung đột ở Ukraine là Saudi Arabia.

Đầu tháng 8 vừa qua, Saudi Arabia đã đứng ra tổ chức hội nghị hòa bình Ukraine tại thành phố Jeddah, trong bối cảnh cuộc phản công của Ukraine bắt đầu từ ngày 4/6 vẫn chưa đạt được bất kỳ một kết quả đáng kể nào; cả Moscow và Kiev đều đang giằng co quyết liệt trên chiến trường trong một cuộc chiến tiêu hao.

Bàn về việc tái lập hòa bình giữa Ukraine và Nga nhưng ở hội nghị Jeddah, một bên trong cuộc xung đột là Nga lại không có mặt. Điều đó chẳng khác câu chuyện ngụ ngôn về một “hội đồng chuột bàn chuyện đeo chuông cổ mèo” nên dễ hiểu là ngay cả từ trước khi diễn ra hội nghị, người ta đã dự đoán được nó sẽ không đi đến đâu cả và thực tế diễn ra đúng như vậy: hội nghị không ra được tuyên bố chung.

Nhưng câu chuyện ở đây không nằm ở hội nghị mà phía Nga quy kết là “một âm mưu nhằm thành lập liên minh chống Nga”. Việc Riyadh đứng ra đăng cai tổ chức hội nghị cho thấy, Saudi Arabia đã cố gắng đẩy mạnh ảnh hưởng trong khu vực bằng cách khẳng định vị thế trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, đồng thời nỗ lực thể hiện vai trò ngoại giao lớn hơn trong vấn đề Ukraine.

Bất chấp sự lôi kéo cũng như sức ép từ phương Tây, phần lớn các nước đang phát triển đều từ chối chọn phe, không tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Trong bối cảnh ấy, việc một quốc gia có đủ điều kiện đứng ra làm trung gian hòa giải luôn làm tăng cường vị thế và tầm ảnh hưởng của quốc gia đó trong đời sống chính trị quốc tế.

Để bảo đảm được vị thế trung gian, Saudi Arabia đã thực hiện một sách lược khôn khéo, mang tính cân bằng động. Một mặt, Riyadh không những không tham gia trừng phạt Nga mà còn phối hợp chặt chẽ với Moscow trong khuôn khổ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác để ổn định giá dầu (có lợi cho Nga). Mặt khác, Saudi Arabia tham gia viện trợ tài chính cho Ukraine, mời Tổng thống V.Zelensky tham gia Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab hồi tháng 5, rồi tổ chức hội nghị hòa bình về Ukraine đầu tháng 8 ở Jeddah mà không mời Nga.

Kết quả hội nghị ra sao không quan trọng, quan trọng là cuộc xung đột Ukraine đã mang lại cơ hội để Saudi Arabia khẳng định vị thế ở khu vực Trung Đông, có tham vọng vươn ra thế giới.

Đến khi nổ ra cuộc xung đột giữa Hamas và Israel từ đầu tháng 10 vừa qua, Riyadh đã đứng ra triệu tập cuộc họp Ủy ban điều hành của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) với 57 thành viên. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia chỉ trích cộng đồng quốc tế không hành động và có “tiêu chuẩn kép” trong việc phản ứng với các hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza. Cần nhớ rằng, ngay trước khi xung đột nổ ra, dưới sự trung gian của Mỹ, Saudi Arabia và Israel đã tiến tới rất gần một thỏa thuận nối lại quan hệ. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, vừa phụ thuộc an ninh vào Mỹ- quốc gia ủng hộ Israel vô điều kiện, đồng thời lo ngại sức ép từ phía thế giới Arab nên Riyadh vẫn mạnh mẽ lên án “việc liên tục nhắm mục tiêu vào dân thường không có vũ khí” (ám chỉ các hành động trả đũa khốc liệt của Israel nhằm vào Dải Gaza).

Bằng cách thực hiện một chính sách “cân bằng động” như thế, Riyadh muốn tối đa hóa lợi ích quốc gia với những thiệt hại tối thiểu.