Cách làm hiệu quả trong hỗ trợ lao động tự do

Đang trong giờ nghỉ trưa, trời nắng chang chang, nhưng anh Nguyễn Thiện Khiêm, cán bộ phụ trách thương binh và xã hội của xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh vẫn thúc dục một thành viên của xã đi phát tiền hỗ trợ cho người lao động tự do. Anh bảo: “Thời gian này, cuộc sống bà con gặp khó, đang rất cần tiền hỗ trợ, mình phải tranh thủ để họ yên tâm”.

Cán bộ xã Vị Tân, TP Vị Thanh đến tận nhà trao tiền hỗ trợ cho lao động tự do.
Cán bộ xã Vị Tân, TP Vị Thanh đến tận nhà trao tiền hỗ trợ cho lao động tự do.

Kịp thời, ổn định cuộc sống cho lao động tự do

Điểm đến đầu tiên là nhà của ông Hồ Văn Huấn ở ấp 6, xã Vị Tân. Khi thấy cán bộ xã đến nhà để trao số tiền hỗ trợ, ông mừng ra mặt. Ông kể rằng, do không có tư liệu sản xuất, nên mười mấy năm nay, vợ chồng ông chủ yếu sống bằng nghề hớt tóc.

Thu nhập hằng tháng của gia đình ông khoảng 6-7 triệu đồng, nên khá vất vả trong chi tiêu, nhất là phải lo cho hai đứa con tuổi còn đi học. Gần tháng nay, thực hiện giãn cách xã hội, do ảnh hưởng dịch Covid-19, ông phải nghỉ làm và tiết kiệm tối đa, nhưng tiền tiêu cũng cạn dần.

Cầm trên tay số tiền vừa được hỗ trợ, ông bùi ngùi, xúc động, nói: “Cũng may nhờ có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, đã hỗ trợ kịp thời, gia đình tôi thấy yên tâm phần nào. Mong sao sớm hết dịch, hết giãn cách để có việc làm trở lại”.

Ông Hồ Hồng Lâm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh, thông tin, địa phương đã hoàn tất gửi tỉnh 3.282 hồ sơ, đã được phê duyệt hỗ trợ 1.643 hồ sơ với số tiền hỗ trợ gần 2,5 tỷ đồng. Trong ngày hôm nay, thành phố sẽ trao hết số tiền này đến các trường hợp được hỗ trợ.

Còn ở thành phố Ngã Bảy, đến nay đã lập danh sách 1.959 lao động thuộc nhóm quy định trong Kế hoạch 136 của UBND tỉnh. Trong số này, tỉnh phê duyệt hỗ trợ 1.323 người, trong đó có 288 người bán vé số dạo, số còn lại là lao động khác.

Hiện 100% người bán vé số dạo trong danh sách phê duyệt đợt 1 đã được thành phố chi trả hết, với phương châm phê duyệt tới đâu chi trả tới đó. Dự kiến sẽ hoàn thành việc cấp phát tiền hỗ trợ sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội.

Ông Phạm Ngọc Danh, sống cùng vợ và con trai mới 13 tuổi trong căn phòng trọ ở phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy cũng thuộc diện lao động tự do, được Nhà nước hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nhà không ruộng đất, nên ông làm nghề bán vé số dạo, còn vợ thì phụ thêm bằng nghề bán chè. Cuộc sống không mấy dư dả, nhưng cũng ổn định. Khi dịch Covid-19 bùng phát, dù được chủ nhà thông cảm cho nợ tiền trọ 1 tháng, nhưng cuộc sống gia đình khá chật vật, vì không buôn bán gì được. 

Nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, gia đình ông rất phấn khởi.

Tuy 1,5 triệu đồng không lớn với nhiều người, nhưng rất kịp thời, giúp họ yên tâm vượt qua khó khăn, cùng thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh.

Ông Phạm Ngọc Danh cho biết: “Do không có nhà cửa, gia đình tôi phải nhập hộ khẩu nhờ. Những ngày không đi làm, chi phí ăn uống cộng với tiền trọ 800.000 đồng/tháng là gánh nặng không nhỏ. Nhận được tiền hỗ trợ, gia đình tôi cũng đỡ lo trong những ngày sắp tới”.

Giải quyết hồ sơ, thủ tục nhanh gọn

Theo ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, để hoàn thành hồ sơ, thủ tục và cấp phát tiền hỗ trợ cho người lao động tự do nhanh, đúng đối tượng theo quy định, đồng thời bảo đảm công tác phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trong tỉnh đã thống nhất cách làm.

Đó là hồ sơ chỉ gồm mẫu đơn đánh máy sẵn và chụp hình hoặc phô-tô giấy chứng minh nhân dân (CMND) của người lao động và được chuyển qua Zalo.

Theo đó, mẫu đơn được đánh máy sẵn trên trang web của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và của huyện, xã. Địa phương có trách nhiệm in mẫu đơn, giao cho trưởng ấp, khu vực đến từng đối tượng, hướng dẫn điền vào mẫu đơn và chụp, hoặc phô tô giấy CMND, sau đó tổng hợp về Tổ thẩm định của xã. Khi phê duyệt xong, xã sẽ chụp hình danh sách các hồ sơ gửi file qua Zalo cho huyện.

Tương tự, Tổ thẩm định của huyện cũng sau khi phê duyệt, chuyển zalo cho Tổ thẩm định của tỉnh, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách. Khi Tổ thẩm định của Sở hoàn tất hồ sơ sẽ trình ngay cho UBND tỉnh để phê duyệt. Khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, các địa phương sẽ tiến hành cấp phát ngay cho người được hỗ trợ.

Với cách làm này, mỗi đợt, ở cấp xã có 3 ngày để thẩm định và phê duyệt, cấp huyện 2 ngày và cấp tỉnh 2 ngày trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, cho biết, với cách làm này, mỗi đợt làm hồ sơ mất 7 ngày, nhưng anh em trong Tổ thẩm định của Sở tranh thủ làm đêm và cả ngày nghỉ, nên rút ngắn thời gian chỉ còn 6 ngày. Điều đáng mừng là tỷ lệ hồ sơ sai sót (không đúng đối tượng) là rất ít.

“Nhờ cách làm này, đến nay, tỉnh đã cấp phát tiền hỗ trợ cho 15 nghìn trong tổng số 20 nghìn lao động tự do của tỉnh, đạt 75% kế hoạch” - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, cho biết.

“Dự kiến đến cuối tháng 8 này, Hậu Giang sẽ hoàn thành việc cấp phát tiền hỗ trợ cho người động tự do, theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng có chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, để bổ sung, không để sót đối tượng được hỗ trợ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, nếu có tình trạng làm khó hay trục lợi tiền chính sách sẽ xử lý nghiêm” - ông Hồng Xuân Bình, cho biết thêm.

Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19