Các siêu đô thị châu Á xử lý rác thải như thế nào?

Các siêu đô thị châu Á xử lý rác thải như thế nào?
Các siêu đô thị châu Á xử lý rác thải như thế nào? -0

Không có những bãi rác bốc mùi, không núi rác chất đống lâu ngày ở những nơi tập kết, không có bóng dáng những xe rác trên những con phố hay khu dân cư.... Thay vào đó là những đường phố sạch sẽ, những thùng rác phân loại kỹ càng không mùi hôi là hình ảnh thường thấy ở nhiều quốc gia như Singapore, Nhật Bản. Từ nhiều năm qua họ đã tìm ra cách xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm rác thải tại các siêu đô thị, biến rác thải thành năng lượng và thậm chí là sản phẩm thu hút du lịch.

Các siêu đô thị châu Á xử lý rác thải như thế nào? -0

Hành trình của rác thải từ hộ gia đình, nhà hàng, nhà máy tới các khu xử lý chuyên nghiệp đều được bắt đầu từ ý thức phân loại rác của người dân. Tức là việc xử lý rác luôn được thực hiện từ gốc.

CAP2-1598209255030.jpg

Người Nhật Bản có một từ để chỉ cảm giác hối tiếc khi một thứ gì đó có giá trị bị lãng phí: “Mottainai”. Cụm từ này có thể được dịch là "không lãng phí bất cứ thứ gì xứng đáng", hay “thật lãng phí làm sao!”, là nhận thức về môi trường của bất cứ ai sống ở đất nước “Mặt Trời mọc”.

“Mottainai” bắt nguồn từ triết lý Phật giáo về sự tiết kiệm và lưu tâm đến hành động của mỗi người, được kết hợp với Thần đạo - tôn giáo bản địa của Nhật Bản, nghĩa là mọi thứ đều có giá trị bẩm sinh và không thể bị vứt bỏ một cách thiếu tôn trọng.

A2-1598210736883.jpg

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế Thế giới, tinh thần Mottainai giải thích tại sao Nhật Bản dẫn đầu thế giới về quy trình phân loại rác 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng).

Đi bộ ở bất kỳ khu phố nào ở Nhật Bản, bất cứ ai cũng sẽ sớm bắt gặp các biển báo chi tiết bên đường với các biểu tượng đầy màu sắc và lịch trình thu gom rác hàng tuần. Những quy định này chi phối việc xử lý rác thải, và nhiều du khách đến Nhật Bản đã phải ngạc nhiên vì mức độ tỉ mỉ của những quy tắc này. Thí dụ, tại phường  có dân số khoảng gần 920 nghìn người và là phường lớn nhất của Tokyo, cơ quan quản lý đã xuất bản một hướng dẫn về các quy định xử lý và tái chế rác dài 24 trang.

Các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh phân loại thùng rác của họ thành các đồ có thể đốt cháy được (mọi thứ từ phế liệu nhà bếp đến túi nhựa, giấy, tã bỉm và quần áo) và các đồ không cháy được (thủy tinh, kim loại, pin, sành sứ và đồ điện tử) cũng như đồ tái chế. 

Thông thường, rác có thể đốt được thu gom hai lần một tuần, không đốt hai lần một tháng và các vật liệu có thể tái chế như chai PET, thủy tinh, báo và bìa cứng mỗi tuần một lần; thùng rác và thiết bị quá khổ được xử lý theo một hệ thống riêng biệt.

A3-1598211465080.jpg

Chị Nguyễn Hương Diệu, một người Việt Nam sống và làm việc tại Nhật Bản nhiều năm cho hay, theo quy định của khu nhà chị ở, rác thải nhựa phải thu gom và tự mang tới nhà để đồ tái chế rác trong khu. Còn đồ thủy tinh (phải phân loại theo nhóm màu: màu trong, màu nâu, màu xanh), lon bia, đồ hộp, phải rửa sạch để xe thu gom tới lấy theo lịch hàng tuần. Với những loại rác thải cháy được như phế liệu nhà bếp, thực phẩm, mỗi tuần xe thu gom tới lấy hai lần. Nếu cần bỏ rác ngay ra khỏi nhà mà chưa tới ngày thu gom, chị phải mang sang khu phố bên cạnh có lịch thu gom vào ngày hôm đó. 

Chị Hương Diệu tâm sự: “Việc phân loại, thu gom rác ở Nhật đúng là tỉ mẩn và nghiêm ngặt nhưng lại cho mình cảm giác không phải áy náy khi vứt bỏ những đồ nhựa có thể tái chế, hay pin độc hại. Vì thế, mình không cảm thấy ngại hay mệt mỏi với những quy định về phân loại và thu gom rác khi sống ở đây”.

CAP2_copy-1598210907359.jpg

 Tại đảo quốc Singapore, người dân tự hào với danh hiệu “đất nước sạch nhất thế giới”, hay “quốc gia xanh nhất châu Á” mà khách du lịch đặt cho trong nhiều năm qua. Ý thức phân loại rác thải sinh hoạt thành loại tái chế được và loại đốt cháy được luôn thường trực ở mỗi người dân từ người già đến trẻ nhỏ. 

Kể chuyện về thói quen phân loại rác từ hộ gia đình, chị Nguyễn Thảo Phương sinh sống ở đây gần 10 năm qua nói rằng, như hầu hết các gia đình, nhà chị phân loại rác hàng ngày theo cách để giấy và bìa cứng vào một túi riêng, rác tái chế, không đốt được như chai, lọ, pin để trong một túi riêng và rác đốt được như thực phẩm được đựng vào túi riêng. Việc phân loại như vậy sẽ giúp nhân viên dọn vệ sinh của khu nhà nhanh chóng thu gom trước khi đưa ra xe đến nơi xử lý rác. 

Sing-1598260552106.jpg

Không chỉ có vậy, tại khu chung cư chị Thảo Phương ở, vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng, Ban dân cư của khu nhà (Residence Committee) tổ chức thu gom giấy, các loại bìa cứng để đem đi tái chế. Các hộ gia đình mang giấy xuống nơi tập kết để đổi lấy tiền mặt hoặc phiếu mua hàng (voucher). Có nhiều gia đình như nhà chị Thảo Phương không lấy tiền hay voucher, vì nhà chị coi đó là hoạt động tình nguyện xã hội. 

“Hoạt động thu gom giấy này do các tình nguyện viên trong khu nhà tổ chức, khá ý nghĩa vì nó giúp người dân không chỉ nâng cao ý thức phân loại rác mà còn học được cách sống tiết kiệm, tránh lãng phí những đồ có thể tái sử dụng”, chị Thảo Phương chia sẻ.

Tại nơi công cộng, không đơn thuần là những thùng rác ba khoang chia theo 3R, giờ đây chính quyền Singapore đã cho lắp đặt các thùng rác có bốn khoang để phân chia cụ thể hơn theo từng loại gồm vỏ lon, giấy, đồ nhựa, và rác chung (như hình). Người dân đã quen với cách phân loại rác từ hộ gia đình nên thấy việc bỏ rác đúng quy định ở nơi công cộng là bình thường. Còn khách du lịch tới đây cũng không thể không làm theo khi nhà chức trách có quy định xử phạt khá nặng với những ai không vứt rác đúng nơi quy định, bất kể là dân bản địa hay du khách. 

ThietkeCAP3-1598212149030.jpg

Nhìn sang quốc đảo Indonesia, một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm rác thải nhất thế giới, đặc biệt là rác thải nhựa, những năm gần đây, chính quyền và người dân đã chú ý tới việc phân loại rác từ nguồn trước khi đem ra khu xử lý. 

Kể từ năm 2016, chính quyền trung tâm thành phố Jakarta đã phát động việc phân loại rác theo 3R từ hộ gia đình. Sống tại một chung cư ở trung tâm Jakarta, chị Trần Thu Trang cho biết, khi mới bắt đầu thực hiện chiến dịch này, ban quản lý chung cư phát cho mỗi hộ gia đình ba túi nilon (dạng tự hủy) để phân loại rác theo 3R. Ban quản lý khu nhà cũng cho đặt các thùng rác theo màu để phân chia rác 3R và đặt cả bảng hướng dẫn bỏ rác đúng quy định (như hình). Chỉ trong vài tháng, phân chia rác 3R trở thành thói quen hàng ngày của gia đình chị và các gia đình trong khu (người Indonesia và người nước ngoài). Đường phố ở Jakarta không còn có cảnh những xe chở rác hỗn độn bốc mùi hôi chạy trên đường như vài năm trước đây. 

Jakata-1598260701492.jpg

Mới đây nhất, sáng kiến Ngân hàng rác đã được nhân rộng ở thủ đô Jakarta và nhiều thành phố như Palembang, Bandar Lampung và Makassar. Câu chuyện Ngân hàng rác khá thú vị. Mọi người thường nghĩ rác chỉ là đồ bỏ đi thì tại đây, rác đổi được vàng. Ở khu vực Bắc Jakarta tại thời điểm tháng 10-2019, giá trị giao dịch của 70kg vỏ lon nhôm (khoảng 4.500 lon rỗng) tương đương với 1g vàng tại Ngân hàng rác Wijaya Kusuma. Không chỉ có vỏ lon nhôm đổi được vàng mà cả đồ nhựa, bìa cứng, những đồ tái chế được đều có thể đổi lấy vàng. Nếu người dân không muốn lấy vàng, có thể quy đổi số rác tái chế ký gửi tại Ngân hàng rác thành tiền mặt.  

Sứ mệnh của ngân hàng rác này rất đơn giản - khuyến khích người dân địa phương tái chế và giảm thiểu rác thải. Sau khi người dân ký gửi rác tái chế ở đây, Ngân hàng Rác Wijaya Kusuma sẽ làm sạch và bán chúng cho chính quyền Bắc Jakarta để đem đi tái chế. 

Những câu chuyện xử lý rác thải từ gốc do chính người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại ba quốc gia trải nghiệm là những kinh nghiệm khá hữu ích. Phân loại rác theo 3R, một công đoạn đơn giản nhưng lại cần ý thức lớn của mỗi người dân là bước đầu tiên để hành trình của rác thải trở nên thân thiện với môi trường sống.

Các siêu đô thị châu Á xử lý rác thải như thế nào? -0

Biến rác thải thành đảo du lịch như đảo Odaiba (Nhật Bản) và đảo Semakau (Singapore) tưởng chừng là điều không thể như câu chuyện rác đổi lấy vàng, nhưng hai hòn đảo này đã và đang tồn tại xanh tươi từ nhiều năm qua. Để làm được điều đó, những quốc gia này đã lập một kế hoạch dài hơi, đầu tư ngân sách lớn, phát triển công nghệ và thực hiện quy trình xử lý rác thải chặt chẽ ở tất cả các móc xích. 

Các siêu đô thị châu Á xử lý rác thải như thế nào? -0
Các siêu đô thị châu Á xử lý rác thải như thế nào? -0

Một hòn đảo sầm uất, là điểm hút du khách với các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại đông đúc, công viên cây xanh nằm ngoài khơi vịnh Tokyo, ít ai biết được Odaiba là một hòn đảo nhân tạo được làm từ những khối rác thải sau khi đã qua xử lý. Biến rác thành đất là kết quả cuối cùng của một quá trình được thiết kế công phu, đặc biệt hơn cả là khi xét đến mật độ của thành phố Tokyo.

Tokyo nằm ở trung tâm của khu vực đô thị lớn nhất thế giới, theo thống kê năm 2017, Tokyo có hơn 37 triệu người, gồm cả 13,5 triệu người của vùng thủ đô. Vì thế, lượng rác thải của siêu đô thị này là con số khổng lồ. 

A2_copy_2-1598261441718.jpg

Đã từng hứng chịu vấn nạn ô nhiễm rác thải từ mật độ dân số đông đúc, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Thị trưởng Tokyo Shunichi Suzuki đã duyệt chi hơn 1.000 tỷ Yên để xử lý gần 1/2  lượng rác thải sinh hoạt bằng cách biến chúng thành các vật liệu dùng để chôn lấp, xây dựng, lấn biển.

Với tầm nhìn và quyết tâm cao, người Nhật đã biến khu vực sáu đảo vốn là pháo đài tiền tiêu nhỏ bé bảo vệ Tokyo từ thời Edo (1603-1868) trở thành Odaiba ngày nay. Odaiba có diện tích gần 25km2 và chỉ còn duy nhất đảo số 6 được giữ lại như một di tích lịch sử. Năm đảo pháo đài còn lại đều nằm trọn trong lòng đảo Odaiba.

Nói là đảo làm từ rác thải, nhưng không phải người Nhật ép rác thành bánh, rồi cứ thế đẩy xuống biển để lấn biển. Việc xây đảo được thực hiện theo kế hoạch khoa học bài bản và dài hơi để hòn đảo có được kết cấu nền vững chắc như nền đảo tự nhiên. Trước tiên, người ta nghiên cứu kỹ về địa chất của đáy biển, các dòng biển, mạch nước ngầm để tận dụng cho sinh hoạt,… Tiếp sau đó, các công trình sư xử lý nền đáy, đổ các khối bê-tông ba chạc nặng 20-40 tấn mỗi khối, rồi mới xếp những khối rác bằng vỏ lon kim loại, vỏ chai nhựa đã được rửa sạch và ép khối nặng hàng chục tấn, đổ đá tạo độ vững chắc. Để chống sụt lún, trôi trượt, nhiều chỗ phải khoan nhồi. Cuối cùng, các lớp đất được lấp đầy và phủ một lớp đất mịn trên bề mặt để trồng cây xanh. Khu vực rìa đảo được tạo nền, đổ cát tạo thành những bãi biển nhân tạo đẹp và an toàn. 

Về phía nam Odaiba ở Vịnh Tokyo, một hòn đảo nhân tạo chứa 12,3 triệu tấn rác thải sinh hoạt đã và đang được chuyển đổi thành địa điểm để đăng cai Thế vận hội Tokyo 2020 (Olympic 2020). 

Umi-no-Mori (tiếng Anh là “Sea Forest”) được giới chức Tokyo coi là địa điểm có tính bền vững cao cho Thế vận hội. Dự án này nhằm biến đổi hoàn toàn diện mạo của một “núi rác” rộng 88 ha, bắt đầu bằng việc trồng 480.000 cây mới. Sân vận động này có giá ước tính khoảng 10,9 tỷ Yên (hơn 1 tỷ USD).

Trước đây, khu vực này vốn là một công viên biển với 50 loài cây, bao gồm cả anh đào Oshima, do 16.000 tình nguyện viên sử dụng tiền quyên góp từ các cư dân và doanh nghiệp địa phương gây trồng. Cảnh quan này nằm trên nền của bùn nước thải đã qua xử lý nhiệt, phân trộn và đất tươi. Các quan chức bảo đảm rằng, rác thải đã bị phân hủy phần lớn, và khí methane sinh ra từ rác phân hủy được đi qua đường ống dẫn đến một nhà máy điện gần đó.

Kiến trúc sư và người chủ trì dự án Tadao Ando mô tả hòn đảo là “biểu tượng của một xã hội hướng tới việc tái chế trong một siêu đô thị đang phải vật lộn với vấn đề rác thải”. 

Tháng 6-2019, chính quyền thủ đô Tokyo đã khánh thành kênh biển chạy xuyên qua Sea Forest, là nơi thi đấu môn chèo thuyền của Thế vận hội Tokyo 2020.

BOX-1598261475589.jpg

Cũng như Nhật Bản, nhà chức trách Singapore cũng tập kết và xử lý rác ở một hòn đảo ngoài khơi do diện tích đất liền có hạn, và biến hòn đảo “rác thải” thành khu bảo tồn sinh thái rất ấn tượng. 

Semakau-1598345058691.jpg

Nằm cách bờ biển ngoài khơi phía nam của đảo quốc Singapore 8km, đảo Semakau “sở hữu” bãi rác rộng 350 ha có thể chứa 63 triệu m3 chất thải. Đây hiện là bãi rác duy nhất của đảo quốc Singapore. Nhìn từ xa, hòn đảo rác trông như một khu bảo tồn thiên nhiên với cây xanh phủ kín. Semaku còn là điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Trong thời gian cao điểm, du khách phải đăng ký trước và có khi phải chờ tới bốn tháng mới đến lượt.

Vào năm 1999, Lorong Halus- bãi rác cuối cùng trong thành phố bị đóng cửa, chính quyền Singapore đã quyết định đầu tư kinh phí 610 triệu USD cho giai đoạn 1 và 36 triệu USD cho giai đoạn 2 để biến Semakau thành bãi rác trên biển đầu tiên với công suất hoạt động đến năm 2045.

Thực chất, số rác chôn lấp tại đảo Semakau là tro rác và rác không đốt cháy được. Theo Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Singapore, tính đến tháng 8-2019, mỗi ngày có khoảng 2.100 tấn rác thải được chuyển ra chôn lấp trên đảo rác Semakau. Trong đó có 600 tấn rác không đốt cháy được và 1.500 tro rác. 

Số tro rác này sau đó sẽ được chuyển tới Semakau trên một sà lan kín để tránh tro bay vào không khí. Tại đảo, tro rác được trộn thêm nước, đổ vào các hầm chứa lót màng không thấm nước và phủ đất lên trên. Một bức tường dài tới 7km được xây từ cát, đá và đất sét bao quanh hầm chứa để chống rò rỉ chất thải. 

Nhiều biện pháp đã được thực hiện để giảm thiểu tác động đến môi trường do xây dựng. Nhà quản lý đã thực hiện việc trồng 400.000 cây ngập mặn để thay thế rừng đước tự nhiên bị ảnh hưởng bởi các công trình xây dựng, lắp đặt các lưới chắn bùn  mịn gần các khu vực chôn lấp rác thải để giảm tác động của trầm tích lên san hô.

Ngoài ra, một cánh đồng điện mặt trời và tua-bin gió để sản xuất ra năng lượng sạch được lắp đặt trên đảo.

Theo Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA), để bảo đảm tiêu chuẩn hoạt động cho "đảo rác" Semakau, mỗi tháng, các chuyên gia lấy mẫu nước biển chung quanh đảo để xét nghiệm, bảo đảm các chỉ số luôn ở mức an toàn.

Áp dụng công nghệ cao và kiểm soát nghiêm ngặt, “đảo rác” Semakau thậm chí còn duy trì được hệ sinh thái tự nhiên với hơn 700 loài động thực vật, trong đó có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá heo trắng Trung Quốc, là nhà của 66 loài chim, trong đó có loài chim diệc Sumatra cao 1,2m (loài chim lớn nhất Singapore).

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người rằng bãi rác bẩn và gây ô nhiễm, khu vực nước không chút ô nhiễm quanh đảo Semakau là môi trường thuận lợi để một trang trại nuôi trồng cá chẽm phát triển nhiều năm nay.

Đảo Semakau cũng là khu vực thu hút các sinh viên tới nghiên cứu về vấn đề quy hoạch và bảo tồn.

ThietkeCAP3_copy_2-1598345670638.jpg

Để rác thải trở thành vật liệu bền vững để có thể xây đảo, giữ môi trường trong lành chung quanh các hòn đảo như Odaiba hay Semakau, chúng đều phải trải qua một quá trình xử lý khép kín nghiêm ngặt.

A2_copy-1598284244839.jpg

Tại Tokyo (Nhật Bản), câu chuyện xử lý rác thải là một thí dụ điển hình để rác thải có thể trở thành yếu tố phục vụ đời sống của con người. 

Khi các xe thu gom rác từ các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, nhà máy đầy, chúng sẽ lăn bánh đến các địa điểm như Nhà máy Shinagawa, là nơi đốt rác công nghệ cao. Được trang bị hai lò đốt, nhà máy có công suất hàng ngày là 600 tấn-mức trung bình đối với các lò đốt ở thủ đô Tokyo. 

Để theo dõi lượng rác xử lý, các xe rác sẽ được cân khi chúng đến nhà máy. Rác được đổ vào hầm chứa rác sâu, rộng khoảng 70m, có thể chứa tới lượng rác của bốn ngày. Trong hầm chứa lắp đặt hệ thống quạt gió áp lực, giữ cho áp suất không khí bên trong thấp hơn bên ngoài để ngăn không cho mùi hôi thối thoát ra. Bên trong hầm chứa, hai cần cẩu lớn gắp và chuyển rác đến một phễu dẫn vào lò đốt. 

Trong quá trình đốt rác ở nhiệt độ cao từ 850-950 độ C, sẽ phát sinh ra các loại khí độc. Khi lượng khí di chuyển qua các đường ống dẫn ra khỏi lò đốt, nó nhanh chóng được hạ nhiệt xuống 150 độ C để ngăn chặn quá trình tái tổng hợp dioxin. Các giai đoạn lọc túi và lọc khí của quy trình xử lý sau đó loại bỏ muội than, bụi, hydro clorua và ôxít lưu huỳnh, sau đó được thải vào không khí qua ống khói, không chứa các vật liệu độc hại.

Các siêu đô thị châu Á xử lý rác thải như thế nào? -0

Nhờ vậy, lượng dioxin phát thải vào không khí được kiểm soát. Theo Cục Môi trường Tokyo, dioxin phát thải vào khí quyển trong năm tài khóa 2015 đã giảm xuống còn khoảng 50% so với trong năm tài khóa 1998.

Một sản phẩm phụ khác của quá trình đốt rác là tro. Tro dưới đáy được tạo ra trong lò đốt và sau đó một phần của nó được tái chế để giảm khối lượng cuối cùng ở các bãi chôn lấp. Nhà máy Shinagawa sản xuất khoảng 180 tấn tro đáy mỗi ngày. Trong năm 2015, khoảng 5.000 tấn tro đáy được sử dụng thay thế cho đất sét trong sản xuất xi măng.

Chubo-1598246061892.jpg

Tro đáy cũng có thể được nấu chảy ở nhiệt độ trên 1.200 độ C, sau đó được làm nguội, để tạo ra xỉ, có thể được sử dụng để làm nhựa đường và các vật liệu xây dựng khác. Mặc dù phương pháp này đã bị hạn chế để tiết kiệm năng lượng sau thảm họa kép động đất và hạt nhân hồi năm 2011, nhưng những viên gạch lát vỉa hè ở Tokyo vẫn có thể là những viên gạch từ rác.

Bên cạnh đó, lượng tro bay được tạo thành từ muội than và bụi được thu thập trong túi lọc. Sau quá trình xử lý hóa học, chúng được gửi đến các bãi chôn lấp.

Quá trình đốt rác thải còn cho ra sản phẩm phụ khác là nhiệt năng. Một số được giữ lại để tạo ra điện thương mại và các phần năng lượng cho nhà máy đốt rác hoạt động. Nguồn điện dư thừa đều được bán cho Công ty điện lực Tokyo hoặc cung cấp làm nước nóng cho một cơ sở nhà ở công cộng gần đó để sưởi ấm và điều hòa không khí.

Trong năm tài khóa 2015, 19 nhà máy đốt rác thải đã bán đủ lượng điện để cung cấp điện cho khoảng 200.000 hộ gia đình. Vào năm 2016, nhà máy Shinagawa đã bán được lượng điện trị giá khoảng 580 triệu Yên.

Toàn bộ hoạt động xử lý rác được giám sát suốt ngày đêm từ phòng điều khiển trung tâm với nguồn cấp dữ liệu video trực tiếp về từ các lò nung, hầm chứa rác và các bộ phận khác của nhà máy.

Lượng rác thải không đốt cháy được, không tái chế được của Tokyo sẽ được chuyển tới Trung tâm xử lý chất thải không cháy được Chubo có công suất khoảng 60.000 tấn rác mỗi năm.

Rác thải không đốt cháy được sẽ đưa tới máy nghiền thành các mảnh, sau đó nam châm sẽ tách số rác này thành sắt, nhôm và các vật liệu khác. Sắt và nhôm được nén thành khối và được bán. Công ty Chubo cho biết, tổng doanh thu hàng năm từ số sắt và nhôm lần lượt là khoảng 220 triệu Yên và 98 triệu Yên. Khoảng 85% chất thải không đốt được khác cuối cùng được đưa vào các bãi chôn lấp sau khi xử lý.

Ngoài ra, Công ty Chubo tái chế khoảng 70.000 tấn rác quá khổ mỗi năm, bao gồm mọi thứ từ đàn piano đến bàn làm việc. Khoảng 72% trong số đó bị đốt cháy. Chúng được nghiền thành bột bằng các loại máy chuyên dụng, tách sắt và phần còn lại được chuyển đến các lò đốt. Trong năm tài khóa 2014, số lượng rác quá khổ nhiều nhất là: 905.000 tấm futon, 643.000 đồ nội thất và 528.000 chiếc ghế.

Tại Singapore, mỗi ngày, trung bình đảo quốc này thải ra khoảng 16.000 tấn rác. Trong đó, có khoảng 9.000 tấn (56%) được chuyển về các nhà máy để tái chế và khoảng 41% còn lại (7.000 tấn) được đưa đến bốn nhà máy đốt rác lớn để đốt thành tro. 

Báo Eco-Business dẫn lời ông Ong Soo San, Cục trưởng Cục Quản lý chất thải Singapore, cho biết, các biện pháp kiểm soát ô nhiễm tại các nhà máy đốt rác của Singapore rất chặt chẽ. Cụ thể, quy trình đốt rác được gắn liền với hệ thống xử lý khí thải gồm nhiều công đoạn: khí thải sẽ đi qua các bộ lọc tĩnh điện để loại bỏ 99,7% các chất bẩn vật lý như hạt bụi siêu mịn, bồ hóng… Tiếp theo, lượng khí còn lại sẽ tiếp tục được lọc bằng các bộ lọc túi xúc tác để vô hiệu hoá chất độc hoá học như dioxin (chất gây ô nhiễm và ung thư cực mạnh, sinh ra trong quá trình đốt nhựa). Do đó, khí thải ra môi trường được bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế như tại các nhà máy đốt rác tiên tiến thế giới ở Thuỵ Sĩ hay Đức.

Nhiệt năng sinh ra trong khi đốt rác cũng được dùng để chạy máy phát điện, đủ cung cấp 3% tổng nhu cầu điện của cả đất nước Singapore.

semakau_1-1598248053506.jpg

Mặc dù cả Nhật Bản và Singapore đều đã và đang áp dụng những công nghệ cao cho quá trình xử lý rác thải từ các siêu đô thị, song các bãi chôn lấp rác đều báo hiệu khả năng hết công suất trước thời hạn. Giải quyết tình trạng báo động này, các nhà quản lý của hai quốc gia hiện đặt mục tiêu vận hành thành công các chính sách bảo vệ môi trường mới; tăng cường áp dụng các công nghệ xử lý rác thải tiên tiến và khuyến khích người dân áp dụng tối đa quy trình 3R để bảo vệ môi trường.  

Có thể thấy từ kinh nghiệm của Nhật Bản và Singapore, sự kết hợp nhịp nhàng của chính sách, công nghệ xử lý, tài chính, và ý thức của người dân là yếu tố then chốt để rác thải đô thị không là vấn nạn đe dọa tới sức khỏe của người dân và sự phát triển bền vững.

Nam Sơn và bài toán xử lý rác thải ở Hà Nội

Các siêu đô thị châu Á xử lý rác thải như thế nào? ảnh 21

Ngày xuất bản: 25-08-2020

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH, HỒNG VÂN

Nội dung: NGUYỄN TRANG

Ảnh: The Japan Times, NEA, Nhân vật cung cấp

Kỹ thuật, đồ họa: ĐỨC TRUNG, ĐĂNG PHI