Cà Mau nỗ lực về đích huyện nông thôn mới

Con lộ nông thôn mới đầu Kênh 6 La Cua băng qua những cánh đồng lúa - tôm trù phú của hai xã Biển Bạch Đông và Trí Lực (Thới Bình). Đây là những cánh đồng thuộc các “câu lạc bộ trăm triệu đồng” đã giúp người dân trong vùng có thêm nhà cửa khang trang, có cuộc sống no ấm...

Đường giao thông nông thôn tại ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực (huyện Thới Bình) được đổ bê-tông.
Đường giao thông nông thôn tại ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực (huyện Thới Bình) được đổ bê-tông.

Sau nhiều năm trầy trật với cây mía, củ gừng, ngay khi được cấp trên phê duyệt, chính quyền huyện Thới Bình thực hiện chuyển đổi sản xuất vùng đất rộng lớn hàng nghìn héc-ta ở các xã Tân Bằng, Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Trí Phải, Trí Lực... để người dân nuôi tôm kết hợp trồng một vụ lúa (tôm - lúa). Chưa đầy bảy năm sau chuyển đổi sản xuất, những căn nhà cây vách lá trong vùng được thay thế bằng nhà tường mái ngói, mái tôn. Đó cũng là một trong những thành quả sau nhiều năm chính quyền huyện Thới Bình quyết tâm, nỗ lực xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên vùng đất thuần nông.

Đưa chúng tôi về ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực - một trong hai xã đầu tiên về đích XDNTM của huyện Thới Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Nguyễn Hoàng Lâm chia sẻ, XDNTM giúp người dân sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ đầu tư chất xám để chuyển giao khoa học, kỹ thuật liên tục hơn 5 năm qua, cánh đồng tôm - lúa 1,5 ha của gia đình chú Nguyễn Văn Nhuận (ấp Phủ Thờ) luôn cho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Dẫn chúng tôi ra thăm ao nuôi cá chình, bống tượng sau nhà, chú Nhuận cho biết, qua tài liệu được cung cấp từ Phòng NN-PTNT huyện, gia đình chú còn lập vườn, đào ao nuôi thêm cá chình, bống tượng kết hợp chăn nuôi gia cầm và trồng cây ăn trái, thu về lợi nhuận từ 30 đến 40 triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó mà hiện tại, gia đình chú đã cất được nhà tường khang trang, kiên cố. “NTM giúp dân có đường lộ thông thoáng, đi lại dễ dàng, thương lái vào tận nơi thu mua nông sản giá cao. NTM giúp nhà nào cũng có hàng rào, có hoa thơm khoe sắc. NTM giúp cánh đồng hàng nghìn héc-ta trong vùng từ 50 triệu đồng tăng lên 70 triệu, rồi 100 triệu đồng như hiện nay” - chú Nhuận phấn khởi khoe.

Là vùng căn cứ cách mạng, nhờ chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, đến cuối năm 2015, Trí Lực về đích XDNTM, đạt 18 trong tổng số 19 tiêu chí (không xây dựng tiêu chí chợ). Sau hơn bốn năm đạt chuẩn, hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 50 triệu đồng, hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 2,54%, giảm hơn 50% tỷ lệ hộ nghèo so với thời điểm mới công nhận xã NTM. Phó Chủ tịch UBND xã Trí Lực, Hà Minh Sữa cho biết: Đến cuối năm 2018 vừa qua, người dân cả năm ấp của xã đều là xã viên của hợp tác xã (HTX) lúa - tôm Trí Lực và HTX Đoàn Phát. Tham gia HTX cho nên sản phẩm lúa an toàn, lúa hữu cơ người dân trong xã đều được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Vụ mùa năm 2018, lúa (giống ST 20 và ST 24) của người dân trong xã bán từ 7.200 đến 7.500 đồng/kg, cao hơn giá lúa thường hơn 2.000 đồng/kg. Phòng NN-PTNT huyện phối hợp triển khai thí điểm mô hình tôm hữu cơ gần 400 ha trên địa bàn. “Nếu thành công và nhân rộng, con tôm của người dân sẽ được doanh nghiệp ký bao tiêu, giá cao hơn từ 40 - 50.000 đồng/kg so với giá tôm bình thường. Khi đó, tương lai trong xã sẽ không còn hộ nghèo và chuyện về đích xã NTM nâng cao, tiến lên NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện sẽ sớm thành hiện thực” - ông Hà Minh Sữa chia sẻ.

Trong lộ trình XDNTM của UBND tỉnh Cà Mau đến năm 2020, Thới Bình sẽ là huyện NTM đầu tiên. Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về XDNTM phù hợp từng giai đoạn, có kế hoạch cụ thể từng năm, làm cơ sở để chỉ đạo thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết: huyện xác định chủ thể của NTM là người dân. Vì thế, các nguồn lực đầu tư được minh bạch, công khai, người dân được tham gia góp ý kiến vào quy hoạch, kể cả trực tiếp giám sát các dự án đầu tư cơ bản. “Nhờ minh bạch cho nên tạo được lòng tin vững chắc để nhân dân góp sức, góp của cùng chính quyền XDNTM. Từ năm 2011 đến tháng 8-2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện XDNTM của huyện là hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó hơn 30% là vốn đóng góp tự nguyện từ nhân dân” - ông Lý Minh Vững chia sẻ.

Ở vùng độc canh cây lúa, khi cây mía kém hiệu quả, huyện thực hiện chuyển đổi sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Ðến nay, Thới Bình xúc tiến liên kết “bốn nhà” để đầu tư, mở rộng vùng trồng lúa đặc sản, lúa hữu cơ lên hơn 1.500 ha ở vùng lúa - tôm và sắp hoàn thiện đề án xây dựng thương hiệu “lúa sạch Thới Bình”, quy mô hơn 10 nghìn ha ở các vùng tôm - lúa, như: Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch, Biển Bạch Đông, Tân Bằng, Tân Phú...

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình cho biết: Nhờ thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi sản xuất cho nên đến cuối năm 2018 vừa qua, thu nhập bình quân của huyện đạt 40,03 triệu đồng/người/năm, tăng hơn hai lần so thời điểm năm 2011; hộ nghèo từ 8,51% (năm 2011) giảm còn 1,82% vào cuối năm 2015. Khi có chuẩn hộ nghèo mới vào năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở Thới Bình tăng lên 7,94%, nhưng đến cuối tháng 8-2019 giảm còn 4,02%.

Sau tám năm xây dựng NTM, cuối năm 2018 vừa qua, các xã của huyện Thới Bình đạt bình quân hơn 16,27 tiêu chí/xã. Trong đó, 5 trong số 11 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, trở thành huyện có nhiều xã NTM nhất của tỉnh Cà Mau. Hiện, Thới Bình đang hoàn tất thủ tục để xin tỉnh công nhận thêm ba xã NTM, gồm: Tân Lộc Bắc, Tân Lộc Đông và Hồ Thị Kỷ.

Trong năm 2019 này, huyện phấn đấu đạt thêm bốn tiêu chí còn lại để đủ cả 26 tiêu chí được công nhận thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Riêng ba xã còn lại của huyện là Biển Bạch, Thới Bình và Tân Phú, hiện còn vướng ba tiêu chí “cứng” gồm giao thông, trường học và điện. “Ngoài nguồn vốn được bố trí định kỳ hằng năm thì huyện còn thiếu khoảng hơn 200 tỷ đồng để đạt ba tiêu chí nêu trên. Để tháo gỡ khó khăn này, huyện cũng đã làm việc với UBND tỉnh để tranh thủ nguồn vốn nhằm hoàn thiện các tiêu chí còn lại ở ba xã nêu trên, phấn đấu cuối năm 2020 được công nhận là huyện NTM” - ông Lý Minh Vững nói.

Cà Mau có 82 xã. Theo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, phấn đấu đến cuối năm 2020 có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM và một huyện NTM là Thới Bình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 29 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Phấn đấu cuối năm 2019 có ít nhất 37 xã được công nhận NTM.

HỒ NGỌC TẤN

Chánh Văn phòng điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Cà Mau