Buôn Hồ là vùng đất "thiên thời địa lợi". Là vùng đất bazan màu mỡ thuận lợi cho cây công nghiệp phát triển, một "vựa" cà-phê nổi tiếng trong vùng, là nơi lý tưởng cho công nghiệp chế biến và là vùng động lực cho các huyện phía bắc tỉnh Ðác Lắc. Mươi năm trước, người bạn làm nghề cùng tôi chuyển sang làm kinh tế, anh chọn Buôn Hồ là quê hương thứ hai.
Tâm sự về con đường làm giàu của mình, Nguyễn Tùng Linh kể: Vất vả thật đấy, song vùng đất Buôn Hồ thật lý tưởng cho sự phát triển và là một đô thị có khả năng phát triển nhanh trong vùng. Con người nơi đây làm ăn, kinh doanh năng động, táo bạo và nếu có cơ chế thích hợp, Nhà nước và chính quyền các cấp sẽ huy động được nguồn lực để Buôn Hồ phát triển.
Ở Buôn Hồ ngày nay, không ít nhà kinh doanh đã chuyển sang buôn bán bất động sản. Họ đầu tư hàng chục tỷ đồng để san ủi mặt bằng, quy hoạch đất đai, để đón một đô thị Buôn Hồ trong tầm tay. Y ÐHơn, người Ê Ðê sinh ra và trưởng thành trên vùng đất này, bộc bạch, ai cũng muốn vùng đất mình đang sống trở thành đô thị. Không phải riêng mình mà đồng bào buôn Trinh ai cũng có nguyện vọng như vậy, dù hầu hết làm nông nghiệp và nguồn sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Sau bao năm nỗ lực xây dựng Buôn Hồ trở thành trung tâm huyện lỵ của huyện Krông Búc, đến nay thị trấn này đã có bộ mặt khang trang. Nhưng để trở thành thị xã với vai trò hạt nhân, tác động tới cả khu vực phía bắc tỉnh Ðác Lắc phát triển, thì còn nhiều việc phải làm, trong đó cơ sở hạ tầng là vấn đề được quan tâm nhất.
Hiện thị trấn Buôn Hồ có khoảng 40 tuyến đường nội thị với chiều dài khoảng vài chục km. Trong đó số tuyến đường được thảm nhựa kết hợp xây dựng hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng và cảnh quan một cách đồng bộ chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 1/4. Số gia đình được sử dụng nước sạch sinh hoạt cũng mới đạt 1/3 trên tổng số gần 4.500 hộ.
Chủ tịch UBND thị trấn Buôn Hồ Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, từ thực tế đó đem so sánh với các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực đặt ra trong việc quy hoạch, xây dựng Buôn Hồ trở thành đô thị loại 3 (như HÐND huyện, tỉnh đặt ra và thông qua) thì còn phải phấn đấu rất nhiều, ít nhất từ nay đến năm 2015 mới có thể đạt được những yêu cầu cơ bản. Vì vậy, theo anh Hùng phải có chủ trương, kế hoạch cụ thể ngay từ bây giờ, nhằm từng bước xây dựng, chỉnh trang Buôn Hồ trong lộ trình phát triển.
Và từng bước đi cụ thể, Ðảng ủy và chính quyền địa phương dốc sức như xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nhiều chủ trương, chính sách năng động và linh hoạt. Ðó là việc sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, huy động mọi nguồn lực đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trên địa bàn. UBND thị trấn Buôn Hồ đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, kết cấu cơ sở hạ tầng (gồm các tiểu ban: vận động, tuyên truyền và kế hoạch, chuyên môn) để tham mưu với chính quyền thực hiện tốt và có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Cũng do chuẩn bị chu đáo, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cho Buôn Hồ trong thời gian qua được triển khai thông suốt. Chủ tịch thị trấn Buôn Hồ cho biết, trong số 21 tuyến đường nội thị được tỉnh đầu tư với kinh phí hơn 46 tỷ đồng từ năm 2008 đến những năm tiếp theo, chính quyền địa phương đã vận động, kêu gọi nhân dân đóng góp thêm (bằng hình thức hiến đất, tài sản trên đất...) với giá trị 30% trên tổng số vốn 11,5 tỷ đồng để nâng cấp và mở rộng 10 tuyến đường tại các khu dân cư.
Chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" được người dân ở đây hưởng ứng và ủng hộ bằng những việc làm sáng tạo. Nhiều gia đình như anh Lê Cư, Trần Phước, Trần Văn Hội... đã tỏ ra rất quan tâm và hy vọng ở thị xã tương lai. Bởi theo họ, khi ấy mọi nhu cầu được thụ hưởng về kinh tế-văn hóa-xã hội của người dân nói chung sẽ được đáp ứng cao hơn và đầy đủ hơn. Từ nhận thức đó, cộng với những giải pháp tích cực, thống nhất từ phía lãnh đạo Ðảng, chính quyền, hầu hết người dân Buôn Hồ đã không ngần ngại "đồng tâm hiệp lực" cùng Nhà nước bỏ công sức, tiền của để xây dựng.
Từ nguồn đóng góp của nhân dân cùng với Nhà nước, Buôn Hồ đã có thêm 70% đường giao thông nội vùng được cứng hóa, ba phần tư tuyến đường nội thị được chiếu sáng và môi trường cảnh quan đô thị cũng từng bước được hoàn thiện hơn theo hướng văn minh, sạch đẹp. Anh Hồ Hai, Chủ nhiệm HTX Thành Công phấn khởi cho biết, riêng HTX Thành Công, hiện có hàng trăm xã viên tự nguyện đóng góp tiền của, vật lực của mình để cùng Nhà nước mở ra nhiều dịch vụ, như: vận tải xe khách, xe buýt, vệ sinh chỉnh trang đô thị... để đáp ứng nhu cầu cho chính họ và người dân trên địa bàn.
Riêng những dịch vụ này đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của thị trấn. Anh Hoàng Mạnh Hùng nói rằng, từ mô hình hoạt động của HTX Thành Công thấy được "nội lực" của Buôn Hồ. Vấn đề còn lại là thời gian, tầm nhìn bao quát và công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị Buôn Hồ trẻ trung sau này. Làm gì để Buôn Hồ giữ vai trò động lực cho cả vùng phía bắc Ðác Lắc? Ðồng chí Phạm Thái, Chủ tịch UBND huyện Krông Búc trầm tư: Buôn Hồ cách TP Buôn Ma Thuột 40 km về phía đông nam và cách Ea H'Leo, cửa ngõ phía bắc của tỉnh Ðác Lắc hơn 50 km theo chiều dài quốc lộ 14 đi qua Tây Nguyên. Ở vị trí đó có vai trò gắn kết các địa bàn trên toàn vùng nhất là trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.
Hiện nay, Buôn Hồ đã là "tâm điểm" của vùng chuyên canh cây cà-phê nổi tiếng, được trải rộng ra các huyện lân cận, bao gồm huyện Cư M'gar, Krông Năng, Ea H'Leo với diện tích gần 100.000 ha. Ðồng thời, đây cũng là vùng có hệ sinh thái phong phú và đa dạng với các khu rừng đặc dụng, phòng hộ tiêu biểu như: rừng thông cảnh quan quốc lộ 14, đèo Hà Lan, rừng nguyên sinh Hòn Vọng Phu (Ea H'Leo), Dlây ya (Krông Năng)... nên rất có tiềm năng trong việc phát triển du lịch sinh thái, gắn với văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Ở đó Buôn Hồ được coi như một "địa chỉ đỏ" có sức lan tỏa, ảnh hưởng rộng khắp toàn vùng. Với những đặc trưng đó, Buôn Hồ trong tương lai được xác định là đô thị kinh tế-sinh thái-văn hóa (trong chuỗi đô thị đã hình thành) trên địa bàn Ðác Lắc nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Song để điều đó sớm mở đường cho Buôn Hồ đi tới rất cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn của tỉnh và Trung ương.
Trước mắt là phải có dự án tái định cư cho người dân trong quá trình mở mang đô thị. Sắp xếp, bố trí hợp lý hệ thống cơ quan, công sở theo từng phân khu chức năng và theo quy hoạch không gian đô thị. Cần có sự phối hợp các cơ quan liên quan để sớm cải tạo, mở rộng tuyến đường quốc lộ 14 chạy qua Buôn Hồ, đồng thời có kế hoạch di dời Trạm thu phí đường bộ trên quốc lộ này nhằm tạo điều kiện cho chính quyền địa phương xây dựng các công trình hạ tầng một cách thuận lợi như quy hoạch đặt ra. Ðược như vậy, lòng dân càng thêm tin tưởng và tích cực hơn trong việc xây dựng quê hương đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.