Bình Định lập phương án di dời hơn 4.000 dân tránh bão số 10

NDO -

Ngày 4-11, Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: Bình Định đã lên phương án di dời 1.073 hộ dân với 4.288 nhân khẩu để phòng, chống bão số 10.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thăm hỏi, động viên hộ dân có nhà bị sập do ảnh hưởng của bão số 9 tại Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thăm hỏi, động viên hộ dân có nhà bị sập do ảnh hưởng của bão số 9 tại Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn.

Các hộ dân thuộc diện phải di dời thuộc vùng ven biển, vùng ngập lụt và có nguy cơ sạt lở đất. Công tác di dời theo phương châm sơ tán tại chỗ, bảo đảm an toàn. Trường hợp không đủ điều kiện sơ tán tại chỗ thì bố trí phương tiện để di dời đến các cơ quan nhà nước, trường học, các công trình kiên cố khác.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, Chi cục Thủy sản tỉnh, Đài Thông tin duyên hải Quy Nhơn và chính quyền các địa phương ven biển đã phối hợp gia đình chủ tàu, hướng dẫn cho thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện tại, các tàu cá của ngư dân Bình Định đã ra khỏi vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 10.

Trước đó, ngày 3-11, ông  Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh để triển khai công tác ứng phó với bão số 10. Bão số 9 đã gây nhiều thiệt hại cho Bình Định hơn 500 tỷ đồng, 17 người bị thương, hơn 70 ngôi nhà bị sập, đặc biệt là việc hai tàu cá bị chìm trên biển khi trên đường tránh bão, đến nay vẫn còn 23 thuyền viên mất tích trên biển.

Với diễn biến bất thường của thời tiết, bão lũ dồn dập, để ứng phó với bão số 10, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu các địa phương trong tỉnh chủ động thực hiện phương châm bốn tại chỗ để ứng phó với thiên tai, mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm an toàn tính mạng người dân khi bão vào.

Ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: "Phải chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, thiết bị chuyên dùng và phân bổ lực lượng cụ thể, tại từng khu vực trong tỉnh để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Quyết liệt di dời dân đến nơi an toàn, không được để bão áp sát bờ mới thực hiện, nhất là vùng ven biển, vùng miền núi. Ngoài ra, khẩn trương rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở đất, núi và lên phương án di dời nhanh chóng, kịp thời để bảo đảm an toàn tính mạng người dân".

Bình Định cũng đã cấm biển từ 17 giờ ngày 3-11, cho đến khi có thông báo cuối cùng về bão số 10.