Ðầu tháng 11-2012, Hoàng Thị Liên (huyện Lục Yên - Yên Bái), công nhân công trình thi công làm đường tại Na Lốc 1, xã Bản Lầu, quen Thào Vư, người cùng địa phương. Vư rủ Liên đến nhà Thào Sình, bạn của Vư chơi. Trên đường đi, Liên đã bị hai tên này ép lên xe chở đến sát biên giới cưỡng hiếp rồi giao cho hai người đàn ông với giá 34 triệu đồng. Sau đó, cô bị hai thanh niên lạ mặt khác dụ dỗ làm vợ một người đàn ông bản địa, Liên không đồng ý liền bị đưa thẳng tới một nhà nghỉ với mục đích bán làm gái mại dâm. Tháng 12-2012, Giàng Thị Luyến và Giàng Thị Mén (huyện Mường Khương - Lào Cai) uống rượu với đám bạn mới quen qua chat. Bữa rượu đang vui thì Giàng Seo Riu nhận được điện thoại báo tin bố ốm đột xuất, người nhà đã đưa sang biên giới điều trị. Tất cả bạn của Riu xin được đi theo sang thăm. Luyến, Mén cũng đi theo mà không ngờ đấy là âm mưu của đám buôn người mà Riu chính là một thủ phạm trong đường dây mua bán người.
Ðây chỉ là hai thí dụ điển hình cho phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, xảo quyệt, táo tợn của bọn mua bán người đang sử dụng để "bẫy" và ép "con mồi". Những kịch bản giả vờ yêu, tìm kiếm việc làm, tham quan, ngắm cảnh, lợi dụng phong tục "kéo vợ" của dân tộc Mông, "đi ở rể" của người Dao... luôn thay đổi. Chúng tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm cấu kết giữa các đối tượng ở nước ngoài và đối tượng trong nước lừa, dụ dỗ phụ nữ, trẻ em từ nội địa hoặc địa bàn bên kia biên giới để bán. Nếu trước đây, số nạn nhân là phụ nữ bản địa cao thì nay, do được tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đã giảm cả số vụ, số người. Tuy nhiên, số nạn nhân từ các tỉnh lân cận: Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc... lại tăng lên.
Thượng tá Bùi Thế Nghi, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Bản Lầu (Mường Khương) cho biết: "Tội phạm mua bán người không chỉ hướng tới những đối tượng phụ nữ quá lứa nhỡ thì, các cô gái nhẹ dạ, cả tin, ham chơi, đua đòi, thiếu sự giáo dục của gia đình mà hiện nay, chúng còn len lỏi vào cả các trường học, cao đẳng, trung tâm giáo dục cộng đồng... để lừa các học sinh là người dân tộc thiểu số đi theo với những kịch bản mà nạn nhân không thể đề phòng".
Khi công nghệ thông tin phát triển, chúng lợi dụng các trang mạng xã hội: chat Yahoo!, Facebook, giả vờ gọi nhầm điện thoại nhằm lôi kéo, dụ dỗ, vờ yêu rồi lừa gạt.
Táo tợn hơn, các đối tượng mua bán người lợi dụng địa hình, bắt cóc phụ nữ khi đi chợ, làm nương sát biên giới, hoặc tổ chức đông người vào nhà nạn nhân khống chế, bắt phụ nữ tiêm thuốc mê rồi đưa qua biên giới. Một số phụ nữ từng là nạn nhân của mua bán người, nhất là số phụ nữ bị bán vào các ổ mại dâm, khi được giải cứu trở về, thấy việc mua bán phụ nữ, trẻ em dễ dàng, lại thu lợi nhuận lớn (từ 30 đến 80 triệu đồng/người) đã khiến họ tự biến mình thành tội phạm.
Nếu từ năm 2009 đến tháng 6-2012, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh xác lập, tổ chức đấu tranh thành công 18 chuyên án mua bán người, triệt phá 21 đường dây mua bán người qua biên giới, phát hiện, xử lý 131 vụ, giải cứu 175 đối tượng, thì năm 2013, lực lượng biên phòng phát hiện, xử lý 71 vụ, 28 đối tượng, giải cứu 106 nạn nhân. Ðiều đó, đồng nghĩa cuộc đấu tranh với loại tội phạm này của lực lượng biên phòng nói riêng, các lực lượng chức năng trong thời gian tới vẫn tiếp tục cam go, quyết liệt. Các vụ buôn bán này xảy ra chủ yếu tại địa bàn các Ðồn Biên phòng Si Ma Cai, Mường Khương, Bản Lầu, Ðồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Mới đây nhất, trong chuyên án 430T "triệt phá đường dây mua bán người từ các trường cao đẳng dạy nghề tỉnh Lào Cai bán sang Trung Quốc", BÐBP tỉnh đã phối hợp giải cứu thành công ba nạn nhân. Các đối tượng gây án đã bỏ trốn, BÐBP tỉnh tiếp tục phối hợp với công an biên phòng nước bạn đấu tranh truy bắt...
Theo đánh giá của Thượng tá Tống Chính Phúc, Phó trưởng Phòng phòng, chống tội phạm ma túy, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Lào Cai: "Sự mất cân bằng giới tính của các quốc gia lân cận đã làm gia tăng hoạt động của các đường dây mua bán người qua biên giới, bởi một khi còn "cầu" ắt sẽ còn "cung". Trong khi đó, khung hình phạt cho loại tội phạm này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, so với những hậu quả nặng nề mà bọn chúng gây ra. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm kiếm việc làm ngày càng tăng cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người. Ðiều đó cho thấy, sức "nóng" của loại tội phạm sẽ không thể giảm trong những năm tới mà còn có chiều hướng gia tăng".
Nhằm ngăn chặn tội phạm mua bán người trong thời gian tới, BÐBP Lào Cai đã đề ra bốn giải pháp lớn. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, trong hệ thống nhà trường về những mánh khóe, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới nhằm ngăn chặn kịp thời hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, hạn chế việc đưa phụ nữ, trẻ em bán ra nước ngoài, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Ðồng thời, thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế với nước láng giềng, thông qua các buổi hội đàm, thường xuyên, định kỳ, đột xuất để trao đổi thông tin, phát hiện các đối tượng, đường dây mua bán, kịp thời giải cứu nạn nhân.
Thượng tá Phúc cho rằng, hiện nay, việc giải cứu nạn nhân mua bán người giống như việc "bắt cóc bỏ đĩa", mới giải quyết được phần ngọn, chưa triệt để được phần gốc của vấn đề. Ðể đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả cần huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng. Trong đó, lấy công tác phòng ngừa là mục tiêu chính. Phòng ngừa từ xã hội (tăng cường giáo dục, quản lý con em từ nhà trường, gia đình) và phòng ngừa về pháp luật (quản lý đường biên giới) từ các lực lượng chức năng trong nước, nước bạn. Ðây chính là hai gọng kìm siết chặt nhằm giảm thiểu, hạn chế, là công cụ hữu hiệu để răn đe có hiệu quả tội phạm mua bán người.