Biến cát, nước biển thành vật liệu xây dựng

Sau chín năm tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm và khảo sát thực tế tại nhiều địa phương ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ sư thuộc Công ty tư vấn đầu tư - xây dựng - thương mại - dịch vụ (ĐT-XD-TM-DV) Châu đã nghiên cứu thành công một công nghệ mới để sản xuất các vật liệu xây dựng cao cấp như ngói, gạch trang trí, gạch lát nền, gạch vỉa hè, gạch xây dựng, sứ vệ sinh... bằng nguyên liệu cát và nước biển.

Qua nhiều thí nghiệm và thực nghiệm về các mặt lý học và hóa học như độ chịu lực nén, tác động của môi trường tự nhiên (nắng, mưa), tác động hóa học (môi trường có hàm lượng hóa chất cao) cũng như đánh giá việc sử dụng cho thấy sản phẩm có chất lượng tương đương và cao hơn các loại vật liệu được sản xuất theo công nghệ lò ống đang được áp dụng hiện nay.

Sau khi cho xem những sản phẩm không nung thử nghiệm làm từ cát và nước biển (gạch xây, gạch lát, gạch ốp lát...) và so sánh đối chứng với sản phẩm cùng loại sản xuất theo công nghệ truyền thống, ông Lê Hải Châu, Giám đốc Công ty tư vấn ĐT-XD-TM-DV Châu khẳng định: "Đây là công nghệ đầu tiên và duy nhất trên thế giới về việc đưa cát và nước biển vào ứng dụng sản xuất vật liệu xây dựng nên không có cạnh tranh. Sản phẩm sẽ có giá thành rẻ hơn khoảng 20% so với giá gạch xây dựng thông thường đang bán trên thị trường và rẻ hơn 50% so với các sản phẩm trang trí đang sử dụng hiện nay".

Ông Châu mô tả tóm tắt công nghệ mới này như sau: Dây chuyền công nghệ được nghiên cứu chế tạo theo mô hình di động để thích nghi, phù hợp với mục đích sản xuất nguyên liệu công trường XD hoặc việc vận chuyển lắp đặt nhanh chóng khi thay đổi địa điểm hay việc sản xuất tại các vùng hải đảo xa đất liền. Công suất thiết kế ban đầu cho mỗi máy là 1.200 - 1.500 viên/giờ. Dây chuyền sản xuất gồm các hệ thống chính: hệ thống xử lý cát biển và nước biển, hệ thống máy kết trộn nguyên liệu, phụ gia (hệ thống quan trọng nhất, máy rộng 6m, dài 9m và cao 3m) và hệ thống định hình sản phẩm.

Chất phụ gia (sản xuất trong nước và một phần NK) là những chất được sử dụng trong quá trình sản xuất có tác dụng để tạo ra sự liên kết bền vững giữa các phần tử nguyên liệu từ đó tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao. Chất phụ gia sử dụng trong công nghệ sản xuất này được nghiên cứu và ứng dụng nhờ vào những thành tựu nghiên cứu khoa học trong một thời gian dài của những nhà khoa học Việt Nam, được sản xuất từ những nguyên liệu tự nhiên, không gây độc hại, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sống trong suốt quá trình từ khi sản xuất đến toàn bộ thời gian sử dụng công trình lâu dài sau này.

Với sản lượng 20 triệu sản phẩm/năm, cần 6.000 tấn cát và tổng vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, nhà máy không thải ra chất thải dạng khí, chỉ có một lượng nhỏ chất thải rắn rơi vãi và nước thải sinh hoạt hằng ngày của người lao động.

Giai đoạn đầu, nhà máy ở Dung Quất sẽ cho ra các sản phẩm: gạch trang trí dùng ốp tường trang trí nội thất và ngoại thất các công trình xây dựng, gạch ốp hoặc lót đường đi vỉa hè hay trang trí, gạch lát vỉa hè, sân vườn, gạch trang trí lát đường đi trong các khu du lịch... Ông Châu dự kiến xây dựng nhà xưởng, chế tạo và nhập khẩu thiết bị vào tháng 12-2004 và sẽ đưa nhà máy vào hoạt động sản xuất tháng 5-2005.

Lợi ích không thể đo đếm của công nghệ mới này là góp phần bảo vệ môi trường sống. Từ bao năm nay, nhiều vùng trên đất nước, người ta sản xuất gạch phổ biến theo phương pháp thủ công lò nung truyền thống và để lại hậu quả rất nặng nề: nguồn đất sét bị khai thác bừa bãi làm thu hẹp quỹ đất nông nghiệp và xâm hại nghiêm trọng đến các công trình thủy lợi, đê điều... Một lợi thế rất lớn nữa của công nghệ mới này là tăng khả năng cạnh tranh về giá thành và chất lượng sản phẩm.

Nguyên nhân cơ bản khiến hàng VLXD sản xuất ở Việt Nam hiện nay xuất khẩu rất khó khăn sang các nước trong khu vực là vì giá hàng cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại. Giá một bộ sứ vệ sinh XK của Việt Nam từ 35 - 37 USD, trong khi giá bộ sứ vệ sinh tương tự của Trung Quốc chỉ có 22 - 26 USD, Thái-lan 25 - 28 USD và của Indonesia là 30 - 32 USD. Giá gạch ốp lát đang bán ở Việt Nam cũng cao hơn 20 - 25% so với sản phẩm cùng loại, cùng chất lượng đang bán ở các nước trong khu vực. Yếu tố giá thành sản phẩm cao cộng thêm với giá điện, cước vận tải container, cước dịch vụ viễn thông... cũng cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực càng làm cho hàng VLXD của Việt Nam kém sức cạnh tranh. Nguy cơ lớn nữa là Việt Nam phải giảm thuế NK hàng VLXD theo lộ trình AFTA, sứ vệ sinh đã giảm còn 20% và năm 2006 chỉ còn 5%. Do vậy, các chuyên gia hy vọng rằng công nghệ mới này sẽ đưa hàng VLXD của Việt Nam trong tương lai không xa thống lĩnh thị trường các nước trong khu vực.

HOÀNG LỘC               
(Thời báo kinh tế Việt Nam)