Mang rượu thịt vận động đồng bào ra định canh, định cư
Sinh năm 1962, bà Phạm Thị Lâm được bầu làm Trưởng bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình từ năm 1999, khi ấy bà mới 37 tuổi. Chồng mất sớm, bà một mình nuôi dạy ba con trai nên người. Con trai đầu của bà hiện đang công tác tại Phòng Y tế huyện, con trai thứ hai học Trung cấp Nông - Lâm và đang làm ở nhà, con thứ ba trước làm công an viên, giờ làm công tác mặt trận ở địa phương.
Từ khi được bầu làm trưởng bản đến nay, bà từng được bầu làm đại biểu HĐND huyện ba nhiệm kỳ. Hiện tại, bà làm đại biểu HĐND xã, Trưởng bản Cáo và y tá thôn bản.
Tôi có dịp gặp bà Lâm vào một buổi chiều đầu tháng 12, khi bà ra dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. Chia sẻ về bản Cáo của mình, bà Lâm cho biết, bản Cáo hiện có 46 hộ với 179 khẩu. Trước đây đồng bào rất khổ cực, còn du canh du cư, cứ một năm ở một chỗ nhưng từ khi được định canh định cư (từ năm 1993) thì cuộc sống của bà con trong bản đã có nhiều đổi thay.
Nhớ lại những ngày đầu khó khăn vận động bà con từ trong rừng ra ngoài định cư, bà Lâm chia sẻ, ngay khi được bầu làm trưởng bản bà bắt tay vào vận đồng bà con đang sống du canh du cư trong rừng ra định cạnh định cư. “Đầu tiên tôi thuyết phục nhưng đồng bào không ra, ra được hai hộ rồi họ không ra nữa. Khi ấy, tôi phải mua năm cân gạo, phải có cả thịt, cả rượu nữa vào sinh hoạt cùng bà con, đi uống rượu với bà con, hội hè với bà con, chuyển đồ ra với họ, lúc đó bà con mới chịu ra”.
Năm 1999 bà Lâm vận động được hai hộ sống trong rừng ra định cư, sau đó thêm hai hộ trong đợt vận động lần hai và đợt ba thêm được hai hộ nữa. Tổng cộng là sáu hộ ra định cư ban đầu.
Theo bà Lâm, chế độ của Nhà nước khi đó cấp cho đồng bào dân tộc chỉ có 800 nghìn đồng một hộ để xây nhà. Bà là phụ nữ không tự tay dựng nhà cho bà con được nên bà phải đi thuê người bên bản Chuối làm nhà giúp bà con. “Ban đầu tôi ứng trả mỗi nhà 50 cân gạo để cho họ làm nhưng sau thanh quyết toán tiền chế độ rất khó khăn, đợt đó tôi tưởng thất bại, tôi khóc, vì người ta đòi tiền làm nhà quá mà tôi không trả được nợ. Sau rồi tôi phải vay mượn anh, em họ hàng trả cho người ta trước, rồi mới lấy được tiền chế độ sau”, bà Lâm chia sẻ.
Sau khi vận động được một số hộ ra định cư, bà Lâm lại xin chính quyền san ủi đất để bà con sản xuất. Trước kia, bà con sản xuất chủ yếu dọc bờ sông, suối, lúc nước bồi thì có đất, lúc nước lở không có đất thì lại bị đói. Từ khi ra định cư, bà Lâm xin được san ủi đất, có đất, bà con được trồng cấy, sản xuất ổn định.
Rồi thấy bà con của mình vẫn khổ quá, bà Lâm lại đã đề nghị chính quyền và HĐND huyện xin được 222,2ha đất rừng rồi nhờ chính quyền về phân từng loại đất, đất khoanh nuôi bảo vệ, đất sản xuất, rồi đất rừng trồng. Bà vừa làm vừa thuyết phục bà con làm theo. “Lúc đầu đầu xin san ủi đất phân cho bà con sản xuất, họ có thu nhập, sau xin đất rừng để họ khai hoang trồng rừng rồi lại có thêm thu nhập nữa. Bà con biết tôi làm được rồi, bà con cũng làm theo cũng có thu nhập, thế là từ lúc đó nói gì họ theo, họ chấp hành 100%. Tổng cộng cả bản có 16 hộ. Từ sáu hộ ban đầu, sau khi san ủi được đất là bà con ra hết luôn”, bà Lâm chia sẻ.
Theo bà Lâm, khi ra định cư, việc đầu tiên là bà vận động chị em phụ nữ vào tổ sản xuất đổi công nhau, động viên nhau làm ăn. Ban đầu, bản chỉ trồng cây ngô, cây lạc với sắn. Ruộng lúa nước gần như là không có, cả bản chỉ có sáu sào ruộng, đến khi làm đường Hồ Chí Minh lấp qua chỉ còn bốn sào, hai hộ làm. Sau đó đến nay, bà Lâm vận động bà con chăn nuôi và trồng rừng, trồng cây keo, đến mùa thì trồng sắn, trồng lạc, trồng ngô.
Hóa giải những “nhiệm vụ bất khả thi”
Vận động được bà con định canh định cư đã khó, thuyết phục bà con theo những nếp sống mới cũng khó khăn không kém, nhất là về mặt y tế, giáo dục.
Bà Lâm chia sẻ, trước kia, mỗi khi đau ốm bà con thường nằm một chỗ rồi chỉ kéo ống, thổi Giàng. Đảm nhiệm vai trò y tế thôn bản, bà Lâm lại tiếp tục một cuộc vận động mới: vận động bà con ốm đau đến bệnh viện khám chữa, vệ sinh nhà cửa, ăn chín uống sôi, khi đi ngủ phải mắc màn phòng muỗi đốt sốt rét, hằng tháng đúng ngày 20 vận động trẻ đến trạm xá tiêm vắc-xin.
Mỗi khi có ai đau ốm, bà Lâm trực tiếp đến nhà, đo huyết áp, nhiệt độ và cho uống thuốc, sơ cứu ban đầu. Nhớ lại, có lần một người trong bản bị xuất huyết dạ dày mà đường từ nhà bà Lâm vào chỗ người bệnh du canh cỡ 2km lại rất khó đi. “Lúc đó, đêm tối, tôi cũng thắp bó đuốc đi vào chỉ có tiêm trợ tim cho ông ấy rồi tôi túc trực ở đó đến sáng để đưa ông đi đến tận viện”, bà Lâm chia sẻ.
Một nhiệm vụ tưởng như “bất khả thi” nhưng bà Lâm cũng đã làm được đó là thuyết phục phụ nữ đồng bào sinh nhiều con đi đình sản. Bởi bà thấy, sinh nhiều con không được học hành đến nơi đến chốn, rồi lại sinh ra đói nên bà nhiệt tình thuyết phục một số chị em đã sinh nhiều con, lại sức khỏe yếu đi đình sản.
“Mới đầu tôi đưa ra họ phản đối, họ nói đi mổ sợ nhưng dùng các biện pháp tránh thai thì họ không dùng được. Tôi phải đến động viên từng gia đình, tôi lấy thí dụ gia đình tôi chỉ có ba đứa con thôi, chồng tôi mất sớm chỉ có một mình tôi chăm nuôi nhưng ba con tôi đều đi học hết lớp 12, gia đình tôi cũng thoát nghèo”, bà Lâm chia sẻ.
Nhờ vận động khéo, năm 2003, bà Lâm đã đưa được hai phụ nữ trong bản đi đình sản. “Khi ấy, tôi phải đi cùng chị em đến bệnh viện, một người con còn nhỏ cũng phải đưa đi theo và tôi trông giúp để chị em yên tâm điều trị, suốt đêm cháu cứ nằm trên bụng tôi, như thế hàng tuần”, bà Lâm nhớ lại.
Sau hai người đầu tiên, năm 2004 bà Lâm lại thuyết phục được thêm hai người nữa ở bản Chuối và bản Cáo đi đình sản. Từ những trường hợp đó, về sau họ thấy không sinh con nữa họ làm ăn ra thì nhiều người khác nhìn vào họ cũng theo. Tổng cộng, bà Lâm đã đưa được sáu người đi đình sản.
Rồi đến nhiệm vụ xóa mù chữ, bà Lâm chia sẻ, trước đây, bà con toàn bộ là mù chữ, mỗi lần làm việc với đồng bào là phải đưa cả hộp dấu đi để điểm chỉ, không có ai biết một chữ ký. Đồng bào cũng không ai biết ngày tháng năm sinh của mình, có người già rồi lại có năm sinh là 1975.
Vì thế, những năm 2001, 2002 khi bà con vừa ra định cư, bà Lâm liền đề nghị xã mở lớp xóa mù chữ cho bà con ngay. Lớp xóa mù chữ do xã tổ chức, cử một thầy giáo biết tiếng đồng bào về dạy. Song, lúc đầu thuyết phục bà con đi học nhưng bà con không đi.
“Ban đầu bà con không đồng ý vì bà con sợ, vừa sợ người lạ lại vừa sợ học không được. Thế là tôi lại phải thuyết phục, tôi cũng đi học, vừa học vừa làm phiên dịch cho bà con, động viên từ từ rồi bà con cũng đi, học xong rồi cũng tổ chức thi. Sau đó rồi tổ chức lớp học cho các cháu mầm non, rồi đến lớp một. Ban đầu chưa có lớp phải nhờ nhà dân, sau đó bà con quyên góp, ủng hộ xây trường cho các cháu”, bà Lâm chia sẻ.
Mình nói, mình phải làm trước, đồng bào mới làm theo
Nhìn lại thành quả sau hơn 20 năm cùng bà con phát triển, bà Lâm vui vẻ nói, giờ ở bản đổi thay rất nhiều, về cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm là có, người dân nhận thức cũng thay đổi. “Trước đây muốn họp là phải đi vào từng nhà để chở người đến họp, sau đó tôi đưa vào quy ước, hương ước thì bà con vào khuôn khổ từ từ, lúc ai đi họp thì được hưởng thụ cái bình xét, những người không đi họp là không được bình xét, rồi sau họ biết quyền lợi họ đi họp hành đầy đủ”, bà Lâm lấy thí dụ về thay đổi nhận thức của bà con.
Về giáo dục, hiện nay trong bản có trường mầm non, tiểu học; con em ai cũng được học, không ai mù chữ. Ở bản cũng có người đi đại học, có người làm ở phòng y tế, có người thì làm giáo viên mầm non, có người làm địa chính xã. “Tuy nhiên, hiện tại, các cháu chủ yếu học hết lớp 9 là đi làm ăn, số lượng đi học trung học phổ thông chưa nhiều vì học trung học phổ thông phải đi xa”, bà Lâm cho biết thêm.
Với vai trò làm y tế thôn bản, mỗi khi trẻ sinh bà Lâm đều đến ghi ngày tháng năm sinh, cân nặng của trẻ xong rồi báo lên trạm, hằng tháng các cháu nhỏ đã được đi tiêm phòng vắc-xin, với uống thuốc phòng đầy đủ. Nhận thức của đồng bào về môi trường cũng nâng lên rất nhiều, cả bản chia làm ba tổ, cứ hằng tuần đi quét dọn, vệ sinh.
“Đời sống nhân dân nói chung giờ cũng đỡ, họ có thu nhập từ trồng rừng, có hộ hàng trăm triệu tiền rừng, hộ ít nhất là 20-30 triệu. Ở bản giờ cũng phát triển chăn nuôi, như một hộ trong chuồng có năm con lợn nái, 14 con lợn thịt. Ngoài ra, bà con còn làm nghề phụ, rảnh là đi mây đan nón. Hiện giờ, tôi đang xin bên phòng nông nghiệp cho quy hoạch đất cằn cỗi để có quy hoạch trồng ba kích, đang phát động dân bản phát luống, đào hố để trồng”, bà Lâm chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Lâm, nói về đủ sống thì trong bản chỉ có vài hộ, vì có hộ có đất nhiều thì họ có thu nhập nhiều, hộ đất ít thì thu nhập còn thấp bởi đồng bào đã có phát triển về nhận thức nhưng nói chung là vẫn còn thấp và chưa đồng đều. “Trong bản có bốn đến năm hộ thoát nghèo thôi còn các bản khác thì 100% hộ nghèo”, bà Lâm nói.
Có được những thành quả này, theo bà Lâm, một phần quan trọng là nhân dân trong bản Cáo của bà nói riêng cũng như các đồng bào dân tộc thiểu số khác nói chung đã nhân được sự hỗ trợ rất lớn từ những chính sách của Nhà nước cũng như chính quyền địa phương từ huyện đến xã. “Trước là chính sách hỗ trợ định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, rồi sau đó là đến Chương trình 135 xóa đói giảm nghèo, giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3; hiện tại có người dân đang hưởng theo Quyết định 2086 (phê duyệt đền án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người)”, bà Lâm nói.
Để phát triển, cải thiện cuộc sống cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số thì các các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhưng, để những chính sách ấy được đi vào đời sống thì không thể thiếu sự đóng góp của các cấp chính quyền địa phương nói chung, cũng như những người đứng đầu cộng đồng, già làng, trưởng bản như bà Lâm.
Khi được hỏi về bí quyết nào giúp bà có thể vận động bà con trong bản có những thay đổi lớn về mặt nhận thức, bà Lâm chia sẻ: “Khi trình độ nhận thức của đồng bào còn thấp thì mình nói đến pháp luật họ không hiểu mấy. Đầu tiên là việc làm của mình, mình nói mình làm được và sau này bà con thấy đời sống của họ khá lên thì mình nói gì họ cũng nghe hết, mình cứ nói mà không làm là họ không nghe đâu”.