Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, 55 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Bệnh viện Hữu Nghị xứng đáng là một trong những bệnh viện hàng đầu khối các bệnh viện chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cán bộ trung cấp và cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Những ngày đầu gian khó
Trước khi mang tên Bệnh viện Hữu Nghị là Bệnh xá 303 (1950), có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ, nhân viên cơ quan Đảng, Chính phủ. Cả Bệnh xá có 15 giường bệnh, do Bác sĩ Nhữ Thế Bảo phụ trách. Năm 1954, Bệnh xá 303 chuyển lên Khu kháng chiến Việt Bắc. Sau năm 1954, Bệnh xá 303 chuyển về Bệnh viện Đồn Thủy (Nhà số 2 Khoa A1 và Nhà số 5 Khoa ngoại cũ của Bệnh viện Hữu Nghị ngày nay). Năm 1955, Trung ương Đảng quyết định Bệnh xá 303 thành Bệnh viện B 303. Do nhu cầu khám, chữa bệnh ngày một tăng, Trung ương Đảng đề nghị với Đảng Cộng sản Liên Xô giúp xây dựng thêm một bệnh viện để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ. Tháng 6-1956, Bệnh viện lấy tên Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô (tại địa điểm Bệnh viện B 303). Bệnh viện có 150 giường. Đội ngũ y tế Bệnh viện 150 người cùng với sự hợp tác và giúp đỡ của 50 chuyên gia Liên Xô, Bác sĩ DeDog làm Giám đốc, Nha sĩ Nguyễn Văn Thủ làm Phó Giám đốc.
Ngày 28-3-1958, Chính phủ quyết định hợp nhất Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô và Bệnh viện B303 thành Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô do bác sĩ Nhữ Thế Bảo làm Giám đốc (trực thuộc Bộ Y tế). Thời kỳ này, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung ương Đảng quyết định xây dựng thêm hai bệnh viện tại Lập Thạch, Vĩnh Phú và Kim Bôi, Hòa Bình. Số giường bệnh tăng lên 470, đáp ứng kịp thời yêu cầu khám, chữa bệnh. Cũng trong thời kỳ này, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế,… các Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương 2, 3, 5 ra đời, có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Từ khi thành lập đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1975, nguồn nhân lực rất thiếu; cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Ban lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bệnh viện Hữu Nghị khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao. Đội ngũ cán bộ y tế Bệnh viện vừa phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp cao, vừa tham gia học tập, đào tạo, nghiên cứu trong nước và các nước Liên Xô (trước đây), Trung Quốc; một số nước XHCN Đông Âu,…Năm 1994, Chính phủ có Quyết định số 6388/TCCB, Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô được đổi tên thành Bệnh viện Hữu Nghị như ngày nay.
Thực hiện lời dạy của Bác
Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm sâu trong tâm trí, trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc ngành y tế Việt Nam nói chung và Bệnh viện Hữu Nghị nói riêng.
Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Hữu Nghị PGS, TS Lê Văn Thạch cho biết: “Có được như ngày hôm nay, chúng tôi vô cùng trân trọng tri ân các thế hệ thầy thuốc tiền bối đã nêu gương sáng cho chúng tôi học tập, không chỉ giỏi về y thuật mà còn ngời sáng về y đức, được đồng nghiệp trong nước và ngoài nước khâm phục. Sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ thầy thuốc qua các thế hệ đã góp phần đưa Bệnh viện Hữu Nghị phát triển ngày một lớn mạnh. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo được sự đồng thuận hưởng ứng trong ngành y tế và Bệnh viện Hữu Nghị. Nhận thức của đội ngũ y tế có chuyển biến rõ rệt trong việc giữ gìn, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong, nâng cao bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp. Nhiều tấm gương cao đẹp của người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh được các tầng lớp nhân dân ghi nhận,…”
Là Bệnh viện Đa khoa Hạng I, có 23 khoa lâm sàng và tám khoa cận lâm sàng, tám phòng chức năng; Ba Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương; Đội ngũ cán bộ, nhân viên Bệnh viện có 750 người, 5 phó giáo sư, 19 tiến sĩ và 145 cán bộ có trình độ sau đại học. Hằng năm, Bệnh viện đón khoảng 15 nghìn người bệnh vào điều trị nội trú. Hơn 250 nghìn lượt người bệnh là cán bộ trung, cao cấp của Đảng , Nhà nước và cán bộ của 32 tỉnh, thành phố phía bắc khám, điều trị ngoại trú.
Phó trưởng Khoa Tim mạch, Bí thư Đoàn Bệnh viện Hữu Nghị, bác sĩ Bùi Long, cho biết: Trong những năm qua, đưới sự lãnh đạo của Ban Giám đốc, Đảng ủy Bệnh viện, Ban Chấp hành Đoàn cùng cán bộ, Đoàn viên thanh niên tích cực tham gia các hoạt động thi đua yêu nước, các phong trào xã hội: Phong trào thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; Cuộc vận động “Hiến máu nhân đạo”; Chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”. Phối kết hợp với T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành Đoàn Hà Nội, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam,…tham gia các chương trình khám, chữa bệnh, tư vấn và phát thuốc, tặng quà miễn phí tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và CHDCND Lào. Nỗ lực rèn luyện phấn đấu vươn lên, phát huy nhiệt huyết, tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong công tác học tập; nghiên cứu khoa học,…hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Hiệu quả từ việc học tập và làm theo Bác
Để công tác khám, chữa bệnh đạt hiệu quả cao, Bệnh viện Hữu Nghị ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến như: Phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật nội soi, nội soi can thiệp, đốt nhiệt cao tần để điều trị ung thư gan, chụp và nong mạch vành, nút mạch khối u gan, chụp mạch và can thiệp mạch ngoại vi,…Song song với việc tiếp tục duy trì, nâng cấp các trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện cũng triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới nhằm hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị như: tán sỏi nội soi tiết niệu, phẫu thuật nội soi dịch kính - võng mạc, lắp đặt mới máy cộng hưởng từ 1.5 tesla bằng nguồn vốn từ quỹ phát triển Bệnh viện. Đặc biệt, kỹ thuật chụp CT 64 dãy đầu dò, hệ thống nội soi tiêu hóa được triển khai từ năm 2006 mang lại hiệu quả cao trong công tác chẩn đoán, điều trị, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế.
Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, TS Bùi Thị Thanh Hà cho biết: Bệnh viện đã thực hiện một loạt các giải pháp như: Bố trí nguồn nhân lực hợp lý và cơ động. Tăng thêm phòng khám; tăng cường bác sĩ khám theo chuyên khoa sâu, tăng giờ trực trong ngày, tránh áp lực “giờ cao điểm”; Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, quản lý hồ sơ người bệnh và cấp thuốc,… giúp việc khám và điều trị ngoại trú nhanh, thuận tiện hơn, nhằm giảm quá tải. Bệnh viện đặc biệt quan tâm công tác đào tạo và quy hoạch cán bộ; Đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật: Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các kỹ thuật đã được triển khai như máy chụp 64 lớp cắt, trung tâm chụp và can thiệp mạch vành,kỹ thuật mới trên máy cộng hưởng từ,…Nâng cấp trung tâm tin học, tiến tới tin học hóa công tác điều hành, quản trị của Bệnh viện.
Theo Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị, PGS,TS Lê Văn Thạch: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Ban Giám đốc, Đảng ủy cùng cán bộ, nhân viên Bệnh viện Hữu Nghị không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực trong mọi lĩnh vực công tác. Xây dựng Bệnh viện Hữu Nghị thành Bệnh viện Đa khoa hoàn chỉnh với các chuyên khoa sâu. Trang thiết bị chẩn đoán và điều trị hiện đại, có uy tín, chất lượng. Phấn đấu để Bệnh viện trở thành đơn vị dẫn đầu trong Khối các bệnh viện bảo vệ sức khỏe cán bộ trung, cao cấp của cả nước.
Triển khai việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị ; Và Kế hoạch số 03 KH/TWvề “Tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI),... Thường xuyên học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt những kiến thức mới, hiện đại của y học thế giới, kết hợp với y học cổ truyền, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bệnh viện có kế hoạch tích cực triển khai các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên.
Với những thành tích đã đạt được, Bệnh viện Hữu Nghị vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế,… trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; nhiều Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ Y tế; Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Ngành Y tế; Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội,... cùng nhiều phần thưởng cao quý khác dành cho tập thể và cá nhân của Bệnh viện.
Một ca phẫu thuật tim hở của BV Hữu Nghị.