Bế mạc Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

NDO -

Chiều 24/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. (Ảnh Duy Linh)
Quang cảnh phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. (Ảnh Duy Linh)

Chủ tịch Quốc hội cho biết: Tại phiên họp thứ 9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã dành 6,5 ngày làm việc, chia làm hai đợt, xem xét, cho ý kiến 15 nội dung chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ ba, và một số vấn đề lớn thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cho rằng, khối lượng nội dung công việc của Phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất lớn, nặng nề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tập trung cao độ, chuẩn bị tốt các nội dung cho kỳ họp thứ ba của Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20/5.

Dự kiến, phiên họp lần thứ 10 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 21/4. Do thời gian chuẩn bị không nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội khẩn trương ban hành tất cả các thông báo, kết luận, ký để ban hành các nghị quyết đã được thông qua tại phiên họp. Đồng thời, rà soát lại các danh mục, có văn bản gửi, đôn đốc, giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan; tiến hành thẩm tra, hoàn tất hồ sơ, chuẩn bị tốt nhất cho phiên họp thứ 10 diễn ra vào tháng Tư.

Bế mạc Phiên họp thứ 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội -0
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh Duy Linh)

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế. 

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát tập trung giám sát 5 lĩnh vực chính: quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước; quản lý tài sản Nhà nước; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.

Báo cáo cho thấy, công tác quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc cân đối tài chính vĩ mô, cân đối ngân sách nhà nước chưa thật sự bền vững; còn nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong công tác lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước, bao gồm kế hoạch đầu tư công hằng năm và 5 năm.

Về quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn vừa qua còn nhiều tồn tại, hạn chế ở tất cả các khâu từ lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đến tổ chức triển khai thực hiện,... dẫn đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác chưa hiệu quả. Một số dự án thua lỗ lớn, gây thất thoát, mất vốn, tài sản nhà nước.

Theo báo cáo của Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương, trong giai đoạn 2016-2021, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công dần được hoàn thiện; cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật và vận hành có hiệu quả; đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng cơ bản chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua báo cáo của Kiểm toán nhà nước, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, trong quản lý, sử dụng tài sản công vẫn còn tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức. Việc xử lý, sắp xếp các trụ sở nhiều cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả.

Trong quản lý, sử dụng lao động còn một số tồn tại, bất cập: rà soát, sửa đổi, hoàn thiện một số văn bản còn chậm; hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính, bộ máy tư pháp chưa đạt yêu cầu; cơ cấu tổ chức các bộ, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; quản lý, sử dụng biên chế ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định; việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và theo vị trí việc làm chưa đạt yêu cầu đề ra.

Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên còn lãng phí. Đất đai hoang hóa, sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương. Việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, tiến độ còn rất chậm. Năng lực khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế, công nghệ chậm đổi mới. Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản, nguồn nước ngầm quá mức gây lãng phí và hủy hoại môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi.

Báo cáo tóm tắt kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế: Báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định. Chất lượng báo cáo không bảo đảm yêu cầu, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài. Nội dung báo cáo chủ yếu phản ảnh tình hình, kết quả đạt được, chỉ nhận định chung chung những tồn tại, hạn chế, không cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ: Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao trách nhiệm, nỗ lực của Thường trực Đoàn giám sát, các thành viên của Đoàn giám sát, tổ giúp việc trong triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát thời gian qua.

Đồng thời, yêu cầu thời gian tới, Đoàn giám sát cần bám sát đề cương, phản ánh toàn diện có trọng tâm, trọng điểm, giới hạn, phạm vi chính sách, pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tính toán những nội dung có liên quan từ năm lĩnh vực trọng điểm mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tại phiên họp trước, nhất là tập trung giám sát các lĩnh vực dễ sinh ra lãng phí, thất thoát; ý thức trách nhiệm về thực hành tiết kiệm của lãnh đạo chính quyền, cán bộ các cấp. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rộng, phức tạp thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, liên quan đến nhiều chủ trương, đường lối nghị quyết của của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, cần bám sát Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và năm nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến. Đòi hỏi sự nỗ lực và trách nhiệm rất cao của từng thành viên đoàn giám sát trong đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ để nghiên cứu hoàn thành tốt các nội dung chung và riêng theo nhiệm vụ phân công.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngoài việc tiến hành nghiên cứu độc lập, Đoàn giám sát cần tiếp tục làm việc cụ thể với một số các cơ quan để thu thập dữ liệu, số liệu như Ban Nội chính Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, cập nhật tình hình, nhận định, đánh giá một cách chính xác, làm rõ và quy trách nhiệm ở một số lĩnh vực, vụ việc cụ thể. Đồng thời, kiến nghị rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung vào hệ thống pháp luật; đề ra giải pháp khắc phục yếu kém, tồn tại trong tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.