Cho đến năm lên bốn tuổi, tôi cũng có vài ba con búp bê nhỏ bằng nhựa, bằng gỗ, nhưng con khiến tôi mê mẩn nhất lại là của chị Mai, chị họ tôi. Nó cực kỳ xinh đẹp, tóc vàng tết bím, má hồng, mi cong, biết nhắm mắt mở mắt như thật. Thời ấy, nó thuộc hàng hiếm, nhiều tiền cũng chẳng mua được. Chị Mai học lớp năm, đã qua cái tuổi chơi búp bê. Chị hay nhường nhịn, rất chiều tôi. Tôi chỉ mong mẹ đưa đến nhà bác Phi để gặp chị, và được chơi với con búp bê của chị. Hai chị em sinh nhật gần nhau, nên có lần “tổ chức” chung, cùng bế búp bê ra công viên chụp ảnh. Tôi vẫn còn giữ bức ảnh tôi bé bỏng, kiễng chân, ngửa mặt cười, một tay ôm búp bê của chị Mai, một tay với lên nhành lá, trông thật hồn nhiên.
Năm 1975, bắc nam thống nhất, bố mẹ tôi cùng vào Sài Gòn công tác khá lâu. Chuyến đi tạo cơ hội hàn gắn hai người sau bốn năm chia tay. Trở về, mẹ lên nhà ông bà ngoại đón tôi. Mẹ mang nhiều quà lắm. Khăn len cho ông, khăn lụa cho bà, bánh kẹo, quần áo, dép xăng-đan giẫm chân đi kêu chút chít cho lũ trẻ. Và đặc biệt, một con búp bê riêng cho con gái Na. Năm ấy, hầu như ai từ nam ra bắc đều mang theo con búp bê như thế. Búp bê mặc váy hoa màu xanh lơ, tóc ngắn màu nâu nhạt, đôi mắt xanh chớp chớp hàng mi nhựa. Tuy nó không đẹp bằng búp bê của chị Mai, nhưng tôi yêu nó lắm. Tôi gọi nó là em Ổi. Đêm đầu tiên được ngủ với mẹ, tôi còn cho Ổi nằm giữa mẹ và tôi. Mẹ ôm cả hai “chị em”, thì thào hỏi: “Na có muốn bố về với mẹ con mình không?”. Tôi sung sướng reo ầm lên: “Con muốn ạ!”. Rồi tôi xin: “Mẹ sinh cho con một em Ổi thật, mẹ nhá!”. Mẹ suỵt: “Khẽ thôi con, để cả nhà ngủ!”. Tôi bụm miệng lí nhí, mà tha thiết: “Ổi ơi, Ổi ơi! Giờ chị đã có em. Mẹ sẽ cho chị em mình thêm một em nữa”. Mẹ thủ thỉ: “Nếu con biết chăm em, con sẽ có thêm em Roi”. Tôi rúc rích cười: “Quả roi chứ không phải cái roi, mẹ á!” - “Ừ, quả roi. Trong miền nam người ta gọi quả roi là trái mận, quả na là trái mãng cầu, mẹ là má, bố là ba...”. Giọng mẹ ấm, du dương, miên man ru tôi vào giấc ngủ.
Trong những giấc mơ thơ trẻ, tôi thường mơ gia đình tôi đông đúc; bố mẹ hạnh phúc bên nhau; tôi có anh, có chị, có em. Từ hôm có Ổi, tôi bế ẵm, âu yếm, trò chuyện với nó suốt. Đi học về là nhao vào ôm em. Hai “chị em” chơi trò dạy học. Ổi yên lặng, mà tôi vẫn cầm cái thước kẻ gõ gõ lên cánh cửa giả làm bảng đen, nghiêm khắc nhắc nhở: “Trật tự! trật tự!”. Tôi ăn bánh kẹo hoa quả gì, cũng chấm chấm vào cái miệng xinh xinh của Ổi, ê a nói: “Chấm mồm chấm mép, cho chóng biết ăn!”. Buổi trưa, tôi giương một cái ô màu xanh, để nghiêng trên sàn nhà, đặt Ổi nằm dưới ô, lấy khăn “bông-bay” chăng xung quanh làm màn, cho Ổi ngủ. Tôi bắt chước bà ngoại, ru Ổi bằng những câu Kiều tôi thuộc lòng dù chưa hiểu hết ý nghĩa: “À ơi, trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...”. Chữ tài, chữ mệnh thật trớ trêu. Cuộc tái hợp của bố mẹ tôi không thành. Chỉ còn tôi và em búp bê Ổi. Tôi lớn nhanh như thổi, quần áo chưa gì đã ngắn. Còn Ổi thì cứ bé mãi, bộ váy màu xanh lơ cũ dần...
Sau đợt làm việc với đoàn chuyên gia sân khấu Cộng hòa Dân chủ Đức, mẹ tôi được họ tặng hai “cô” búp bê tuyệt đẹp, chỉ cao bằng cuốn sách. Một cô tóc nâu hạt dẻ, cứ nghiêng người là khóc. Một cô tóc vàng óng, cứ giơ tay là cười. Gọi là “cô”, vì các cô ăn diện váy vóc mũ khăn kiểu người lớn, không phải đồ chơi cho trẻ con, mà để bày trong tủ kính, chỉ ngắm thôi. Hồi ấy tôi khoảng mười hai tuổi, mê sách, nên tôi gọi cô tóc nâu là Jane, theo tên nhân vật Jane Eyre của Charlotte Bronte; còn cô tóc vàng là Eugénie, theo tên nhân vật Eugénie Grandet của Balzac. Thỉnh thoảng, tôi cũng được phép chơi với Jane và Eugénie. Tôi thường bịa những cốt truyện mà các cô là nhân vật chính, rồi tự “lồng tiếng” lời thoại, lẩm bẩm, trầm bổng một mình.
Khi một bé gái lớn lên cũng là lúc các búp bê bị quên lãng. Tôi vào cấp hai, chị Mai đã học trung cấp kỹ thuật. Búp bê tóc vàng của chị được cất vào tủ kính. Em Ổi của tôi nằm im lặng trên gác xép, trong hòm đồ cũ. Rồi hình như mẹ cũng tặng Ổi cho một em bé nào đó. Một ngày, tôi không thấy cả Jane và Eugénie đâu nữa. Tôi vô tâm, chẳng hỏi mẹ. Niềm hứng thú lớn nhất của tôi bấy giờ là đọc sách. Tôi có thể vùi mặt vào những cuốn sách hay suốt ngày đêm, đến quên ăn quên ngủ. Thời thiếu niên ẩm ương, thuở thiếu nữ mơ mộng của tôi đắm chìm trong sách vở. Và còn biết bao điều mới mẻ hấp dẫn ngoài đời đang mở ra trước mắt tôi. Mãi sau này, có lần chợt nhớ ra, tôi hỏi mẹ về hai cô búp bê Jane và Eugénie. Mẹ mới kể: những năm ấy hầu như nhà nào cũng nghèo, đến kỳ phải đóng tiền điện nước, phải đong gạo, mua dầu, phải sắm sách vở quần áo cho con mà vẫn chưa được lĩnh lương, mẹ nghĩ nát óc không biết làm thế nào. Cuối cùng, mẹ nảy ra ý định bán hai cô búp bê. Mẹ tỉ mẩn ngồi khâu cho Jane tóc nâu một cái khăn mới, tân trang lại váy áo của Eugénie. Lúc mẹ ướm khăn cho Jane, cô nàng khóc thút thít. Còn Eugénie, khi được thắt nơ ngang eo thì khúc khích cười. Mẹ mang hai búp bê ra cửa hàng đồ chơi của cô Hạnh bạn mẹ, nhờ cô bày bán hộ, được hẳn một khoản tiền đủ trang trải những việc cần. Mẹ bảo, mẹ rất tiếc Jane và Eugénie, nhưng buộc phải xa thôi. Nghe mẹ nói mà ngực tôi chợt nhói đau. Trẻ con thường không bao giờ biết được nỗi lòng cha mẹ. Cho đến lúc nhận ra, thấu hiểu, thì đôi khi đã muộn.
Sáng Chủ nhật năm nào, sau Thánh lễ, tôi với anh đi dạo quanh khu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, rẽ vào một tiệm bán đồ lưu niệm Công Giáo. Anh mua cho tôi hai búp bê be bé bằng sứ. Cô váy xám xách một bình nước; cô váy xanh tay cầm cái chổi. Cả hai có gương mặt tươi vui, như thể các cô đang vừa làm lụng vừa ca hát. Tôi gọi cô áo xám là Marguerite, cô áo xanh là Clare, tên những nữ thánh mà chúng tôi ngưỡng mộ. Anh gọi tôi là Na. Ngoài bà ngoại, bố mẹ và những người thân ruột thịt, chỉ có anh gọi tôi bằng cái tên ấy. Ở bên anh, tôi luôn được làm bé Na, tha hồ mơ mộng. Tôi vẫn mơ có một gia đình lớn, nơi đầy ắp tình yêu, niềm tin cậy, sự kiên nhẫn, lòng bao dung... Nhưng giấc mơ mãi mãi chỉ là giấc mơ. Bé Na ở lại đó, còn tôi buộc phải thức dậy để tiếp tục lên đường, dẫu không bao giờ biết điều gì đang chờ ở phía trước, như câu thơ tôi viết: “Con đường mê mải về đâu/ Mà xa xôi đến làm đau đá mềm? Đá ơi đừng trách chi em/ Em đi mỏi cả những miền chưa qua”.
Những năm này, tôi bắt đầu thích sưu tầm búp bê sứ. Tôi mua được một vài nàng sứ Nhật duyên dáng và các nàng búp bê Anh yêu kiều, hiệu Coalport nổi tiếng. Tôi không bao giờ đặt tên cho búp bê nữa. Những giấc mơ thơ ấu đã qua từ lâu nhường chỗ cho đời sống bề bộn ngổn ngang, vui ít, buồn nhiều... Mùa xuân năm 2016 mưa lạnh triền miên. Trong một ngày tháng ba rét mướt thấu xương, tôi đi quay phim, dầm mưa gió. Tối về, tôi váng vất chìm vào một cơn sốt kinh hoàng. Ăn dở bát cháo nóng, tôi lịm dần. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi mơ thấy Ổi, em búp bê xưa của tôi, đứa em tôi từng yêu dấu. Ổi ngồi đó, im lặng nhìn tôi bằng đôi mắt trong veo, xanh hun hút. Tôi chạy lại định ôm lấy nó, thì bất ngờ, nó cử động, đứng dậy quay gót bỏ đi. Tôi bật khóc nức nở, chạy theo, cuống quýt gọi: “Ổi ơi, Ổi ơi! Chị Na đây! Chị nhớ em nhiều lắm. Em đừng đi, đừng bỏ chị, Ổi ơi!”. Thế mà Ổi vẫn đi, không ngoái lại. Khi tỉnh dậy, tôi có cảm giác bâng bẫng, rỗng rễnh, như bị rút hết máu thịt, sinh khí. Tôi chỉ còn là cái vỏ mỏng manh, trôi lơ lửng. Tôi chợt thèm cà-phê, như người qua sa mạc thèm nước. Tôi pha một tách cà-phê nóng, đặc sánh. Sau mỗi nhấp môi, tôi cảm thấy rõ từng giọt nâu đắng đang ngấm vào cơ thể, chảy rần rần trong mạch máu. Tôi tự hỏi, không biết bây giờ Ổi ở đâu, Jane và Eugénie ở đâu? Đời búp bê dài ngắn bao lâu, có lẽ tuỳ thuộc vào duyên phận với con người. Duyên của chúng tôi với nhau chỉ ngắn ngủi thế thôi. Tôi đưa mắt nhìn Marguerite và Clare trên giá sách, gương mặt tươi vui, quen thuộc. Rồi kia, các nàng búp bê Nhật dễ thương, các nàng búp bê Anh kiều diễm... Ôi, những búp bê được đặt tên và không được đặt tên của tôi, từng ghé qua đời tôi hay ở lại với tôi, dẫu thế nào vẫn bên tôi, bầu bạn. Tôi nhấp từng ngụm cà-phê, thấy như mình đang được phục sinh. Và tôi biết, không cơn sốt nào quật ngã tôi được nữa.