Bất cập trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác cát ở Sóc Trăng

NDO - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 12 doanh nghiệp (DN) được cấp phép khảo sát thăm dò, khai thác cát. Về cấp giấy phép khai thác cát thì có năm DN được cấp phép, trong đó bốn DN chưa làm các thủ tục để triển khai việc khai thác, chỉ có doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Long An (phường 2, TP Sóc Trăng) đã tiến hành khai thác cát.

DN này được cấp giấy phép khai thác cát trên diện tích 54 ha thuộc khu vực xã Phong Nẫm và An Lạc Tây (huyện Kế Sách), với thời gian tám năm, công suất khai thác 295.000 m3/năm. DNTN Long An tiến hành khai thác cát tại khu vực được cấp giấy phép từ ngày 28-5-2012, đến ngày 20-6-2012 phải tạm ngừng khai thác vì có đơn khiếu nại của 500 hộ dân ở ấp Phong Hòa, xã Phong Nẫm và đơn tập thể của 200 hộ dân ở ấp An Tấn, xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách) yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Sóc Trăng xem xét lại việc cấp phép DNTN Long An khai thác cát trên tuyến sông giữa hai ấp làm thay đổi dòng chảy, sạt lở đê bao.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Kế Sách, UBND xã Phong Nẫm, UBND xã An Lạc Tây kiểm tra, khảo sát lại khu vực được cấp phép khai thác cát; đánh giá mức độ tác động của dự án và tiến hành họp dân công khai. Tại các buổi họp đối thoại, các hộ dân cho biết họ không hề biết thông tin gì về dự án khai thác cát của DNTN Long An. Do vậy, khi DN này đưa xáng cạp vào khai thác cát thì với ý thức bảo vệ đê bao, sợ sạt lở đất, bảo vệ công trình đường dây cáp ngầm nên họ ngăn cản việc khai thác cát của DN. Sau khi nghe Sở TN và MT tỉnh nói rõ quy trình cấp phép khai thác cát cho DNTN Long An, các hộ dân đã đồng ý cho DN này hoạt động, nhưng phải điều chỉnh dự án theo hướng thu nhỏ phạm vi khai thác, cách xa đường dây cáp ngầm đồng thời thả thêm phao báo hiệu để người dân tham gia giám sát phạm vi khai thác cát của DN. Bà con cho rằng, thời gian giấy phép khai thác của DNTN Long An là quá dài, gây ảnh hưởng dòng chảy, làm mất đất sản xuất và ảnh hưởng đời sống nhân dân địa phương. Sau một năm khai thác cát thì phải đánh giá lại mức độ  tác động của dự án, sau đó các ngành chức năng sẽ đề xuất hướng xử lý tiếp theo.

Trước những ý kiến đóng góp của các hộ dân, DNTN Long An đã thu nhỏ phạm vi khai thác cát trên sông mỗi bên thêm 25 m, diện tích khai thác còn 34 ha so với giấy phép được cấp là 54 ha, rút ngắn thời hạn khai thác xuống còn bốn năm; sau một năm sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, nếu trong quá trình khai thác xảy ra sự cố thì DN hoàn toàn chịu trách nhiệm, đồng thời khai thác cách xa đường cáp ngầm mỗi bên 200 m để bảo đảm an toàn đường dây điện và cam kết thời gian khai thác từ 6 giờ đến 18 giờ. Giám đốc Sở TN và MT tỉnh Sóc Trăng Trần Ngọc Ẩn, cho biết: "Ðáng lẽ Sở TN và MT phải bỏ kinh phí thực hiện khâu thăm dò khai thác cát nhưng vì mình không có tiền nên DN phải thực hiện từ khâu thăm dò đến khâu đầu tư lập dự án. Ðầu tư nhiều tiền mà không được khai thác thì tội nghiệp DN lắm!". Chính suy nghĩ này đã bật đèn xanh cho DN muốn làm gì thì làm, tài nguyên cát bị buông lỏng quản lý. Ðiều này lý giải vì sao trong khâu lập dự án, DN phải nới rộng diện tích và thời gian khai thác để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Cũng tại thời điểm trên, lại xảy ra vụ việc người dân xã Phong Nẫm tố giác xà-lan VL 11695 do ông Nguyễn Văn Ðiệp điều khiển đang khai thác cát không giấy phép trên sông Hậu, tại khu vực giáp ranh giữa xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) và xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng). Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh kiểm tra xà-lan này, xác định ông Ðiệp là người làm thuê, chủ phương tiện là ông Nguyễn Văn Mười Ba không có mặt tại thời điểm kiểm tra, xà-lan đã thế chấp tại ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Mười Ba ký hợp đồng khai thác mỏ cát với Công ty TNHH MTV Trương Ðức Huy, giấy phép khai thác cát lòng sông thuộc xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) do Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ký ngày 20-5-2010. Ông Ðiệp cho biết do vị trí mỏ cát không có thả phao khoanh vùng nên không biết xác định vị trí nên khai thác xâm phạm qua địa phận xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng).

Ngày 28-5-2012, Sở TN và MT tỉnh Sóc Trăng có báo cáo  số 35 gửi Chủ tịch UBND tỉnh xin ý kiến về việc xử lý hành vi vi phạm của ông Nguyễn Văn Ðiệp là khai thác khoáng sản không giấy phép, theo đó đề nghị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền 15 triệu đồng và hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật phương tiện (xà-lan VL 11695). Trước đó, qua xem xét báo cáo số 35 của Sở TN và MT, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có Công văn 769 ngày 14-6-2012, với ý kiến là giao lãnh đạo Sở có ý kiến đối với Thanh tra Sở là chỉ xử phạt hành chính đối với xà-lan khai thác khoáng sản không giấy phép, bỏ qua phạt bổ sung là tịch thu phương tiện. Lúc này, lãnh đạo sở mới đưa công văn phúc đáp của Thanh tra Bộ trình Chủ tịch UBND tỉnh.

Trao đổi với Giám đốc Sở TN và MT Trần Ngọc Ẩn chúng tôi được biết: "Vụ xà-lan vi phạm này cùng thời điểm giải quyết đơn khiếu nại của bà con tại xã Phong Nẫm và An Lạc Tây (huyện Kế Sách) nên không thể không nghiêm. Việc xử lý phạt là thẩm quyền của Thanh tra Sở, Chủ tịch UBND can thiệp vô làm gì?". Sau đó Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn 915 ngày 12-7-2012 gửi Sở TN và MT đề nghị thu hồi Công văn 769 đã ban hành trước đây! Phía Chủ tịch UBND tỉnh thì cho rằng, Sở TN và MT đã xin ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc thì làm công văn nêu ý kiến xử lý chứ đâu có áp đặt và Sở báo cáo không đầy đủ. Vụ việc trở nên lùm xùm, và đương nhiên, những bất đồng trong quan điểm xử lý thành "giọt nước tràn ly" với những bất ổn về thực hiện nguyên tắc hành chính tập trung, cơ chế báo cáo... Tiếp đó, ngày 3-10-2012 ông Nguyễn Văn Mười Ba, chủ xà-lan VL 11695 làm đơn gửi Tòa án Nhân dân tỉnh Sóc Trăng kiện Thanh tra Sở TN&MT đối với quyết định về hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tòa án Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Mười Ba. Nguyên đơn tiếp tục gửi đơn kháng cáo đề nghị xét xử phúc thẩm.

Vụ việc nêu trên không lớn, trước những tình huống nhạy cảm lại xử lý nặng về cảm tính, nên đã dẫn đến những bất đồng không đáng có trong cùng một hệ thống cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương. Ðây là bài học cần suy ngẫm trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và xử lý các vi phạm phát sinh tại Sóc Trăng.