Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày và nêu rõ, so với dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều), có 39 điều sửa đổi nội dung, 70 điều chỉnh sửa câu chữ, bổ sung về kỹ thuật, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 38 điều.
Các vấn đề đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý như kết cấu của dự thảo luật; nguyên tắc áp dụng luật; hợp đồng bảo hiểm; về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; về bảo hiểm vi mô.
Đối với quy định về hợp đồng bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát và làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm vừa phù hợp các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Hợp đồng bảo hiểm (Chương II) là một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại Chương này như: bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…
Cho rằng dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) đã tiếp thu nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tuy nhiên từ thực tiễn tham khảo ý kiến của cử tri trong ngành bảo hiểm, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) lưu ý, hợp đồng bảo hiểm đang có nhiều thuật ngữ, điều khoản thuận lợi cho bên bán bảo hiểm, nên cần có quy định rõ về quyền lợi, trách nhiệm mang tính nguyên tắc tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm với từng loại hình bảo hiểm. Do đó, đề nghị, nên nghiên cứu để luật, hay văn bản hướng dẫn dưới luật cần có quy định hợp đồng mẫu với những điều khoản mang tính chất tham khảo, công khai với người dân để người dân hiểu rõ trước khi mua bảo hiểm.
Đại biểu Lê Văn Khảm (Bình Dương) và một số ý kiến nhấn mạnh, hợp đồng bảo hiểm là một chế định quan trọng để các bên thực thi quyền và trách nhiệm của mình và là một trong những công cụ cần thiết để giải quyết tranh chấp các vấn đề bảo hiểm. Đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hợp đồng nhân thọ, do đặc thù về tính chất bảo hiểm về khả năng tiếp cận thông tin, và vị thế của người được bảo hiểm trong thỏa thuận các điều khoản hợp đồng, đề nghị cần bổ sung một số nguyên tắc, gồm: quy định công ty bảo hiểm bảo đảm rằng người mua bảo hiểm hiểu đúng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm và những phạm vi bị loại trừ liên quan đến sức khỏe, bệnh tật và việc sử dụng dịch vụ y tế, tránh trường hợp đại lý bảo hiểm chỉ thông tin về quyền lợi được lợi, không thông tin về những quyền lợi bị loại trừ.
Theo đại biểu, cần bảo đảm rằng người mua bảo hiểm hiểu đúng, đầy đủ việc khai báo thông tin sức khỏe khi được yêu cầu, các thông tin người mua bảo hiểm tự khai không phù hợp chuyên môn y tế phải được thảo luận tìm hiểu để thống nhất giữa người mua và công ty bảo hiểm. Đồng thời, công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm bảo mật thông tin về sức khỏe khách hàng.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật như áp dụng pháp luật, kết cấu của dự thảo luật… Đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến hoàn thiện dự án luật bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Khẳng định Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thành công tốt đẹp, vượt kế hoạch thời gian được đề ra, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị này; tiếp tục lấy ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo các luật đã được thảo luận, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3.