Bảo vệ bền vững các hệ sinh thái tự nhiên

Công ước về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc có hiệu lực từ năm 1993. Đến nay đã có 196 quốc gia thành viên chung tầm nhìn về bảo tồn đa dạng sinh học cho thế hệ hiện tại và tương lai, trong đó có Việt Nam. Đây là một công cụ pháp lý về bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các thành phần đa dạng sinh học và chia sẻ công bằng lợi ích của cộng đồng, khai thác và sử dụng nguồn gien hiệu quả, góp phần bảo vệ bền vững tài nguyên và môi trường sống.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân sản xuất lúa tại cánh đồng Tà Lài, vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh GIZ)
Nông dân sản xuất lúa tại cánh đồng Tà Lài, vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh GIZ)

Việt Nam ký tham gia Công ước về đa dạng sinh học vào ngày 28/5/1993, được phê chuẩn vào ngày 16/11/1994, trở thành thành viên chính thức của công ước vào ngày 14/2/1995 và là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn công ước. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm làm cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện công ước này.

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học, luật hóa có hệ thống và thống nhất các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện các cam kết quốc tế về đa dạng sinh học phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Luật Đa dạng sinh học được xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu nêu trên.

Năm 2022, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học đã thông qua Khung chiến lược đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF); trong đó, đặt mục tiêu bảo vệ ít nhất 30% số khu vực đặc biệt quan trọng đối với đa dạng sinh học và chức năng của hệ sinh thái qua hệ thống các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác. Đây là dịp mở ra tiềm năng to lớn để mở rộng hệ sinh thái tự nhiên tại Việt Nam. Điều này cũng đã được thể hiện trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường bảo tồn và phục hồi tự nhiên.

Hiện nay, chúng ta phải đương đầu với tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Tại nhiều nơi, nguồn nước bị cạn kiệt, sự sống của các loài động, thực vật bị đe dọa nghiêm trọng, hệ sinh thái bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến môi trường sống.

Cùng với việc khôi phục mạnh mẽ các hệ sinh thái tự nhiên thông qua việc trồng rừng, bảo vệ rừng tự nhiên, các khu bảo tồn tự nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, vườn quốc gia, rừng ngập mặn..., cộng đồng xã hội mong muốn Quốc hội và Chính phủ quyết liệt hơn nữa với công cuộc phục hồi đa dạng sinh học trước khi quá muộn.

Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi cả nước cùng thực hiện sáng kiến trồng một tỷ cây xanh giai đoạn năm 2021-2025. Đây là một chiến dịch rất có ý nghĩa, mang lại lợi ích tự nhiên và kinh tế-xã hội to lớn. Nhiệm vụ của đề án là trồng thành công một tỷ cây xanh phù hợp điều kiện sinh thái, quy hoạch và quỹ đất hiện có của từng địa phương; trong đó, trồng 690 triệu cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn), bình quân trồng 138 triệu cây/năm.

Về trồng cây xanh trong rừng tập trung, đề án nêu rõ: 180.000 ha rừng trồng tập trung, tương đương khoảng 310 triệu cây (bình quân trồng 36.000 ha rừng/năm, tương đương 62 triệu cây/năm) gồm trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 30.000 ha, tương đương 70 triệu cây (bình quân 6.000 ha/năm, tương đương 14 triệu cây/năm); trồng mới rừng sản xuất 150.000 ha, tương đương 240 triệu cây (bình quân 30.000 ha/năm, tương đương 48 triệu cây/năm). Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm thực hiện, triển khai và đạt được những kết quả tích cực.

Cố vấn trưởng dự án, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) Việt Nam-bà Anja Barth cho biết, kết quả của một nghiên cứu mà GIZ phối hợp tiến hành cùng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Cục Lâm nghiệp, đã xác định được chín hạng mục các Khu vực có biện pháp bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn thiên nhiên (OECM). Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ xây dựng bản đồ của những khu vực này và đề xuất các cơ chế quản lý và quản trị tổng thể.

Với việc công nhận các OECM, Việt Nam sẽ đạt được bước tiến đáng kể đối với hệ thống các khu bảo tồn và bảo vệ. Đây chính là nền tảng để thực hiện các cam kết đầy tham vọng của Việt Nam trong Công ước về đa dạng sinh học của Liên hợp quốc. Giám đốc Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã tại Việt Nam Nguyễn Văn Trí chia sẻ, việc thực hiện các biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác tại Việt Nam cần được tiếp cận một cách toàn diện, bảo đảm sự tham gia chủ động của cấp cơ sở và cộng đồng địa phương.

Chương trình bảo tồn các loài hoang dã mong muốn phối hợp các bên liên quan trong việc lựa chọn, thí điểm một số mô hình có biện pháp bảo tồn hiệu quả, đóng góp cho việc hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách cho các khu vực có biện pháp bảo tồn hiệu quả khác của Việt Nam…