Bài báo viết, Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, cùng chung dãy núi, dòng sông; người dân hai nước có truyền thống cùng làm ăn, sinh sống, đoàn kết, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cùng đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, giải phóng đất nước.
Đó không chỉ là tình đoàn kết đặc biệt mà còn là yêu cầu khách quan và nhân tố quyết định thành công, thắng lợi của cách mạng hai nước Lào và Việt Nam, là hình mẫu hiếm có trong quan hệ quốc tế, là mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, sâu sắc, thắm thiết, di sản vô giá của hai nước Lào và Việt Nam.
Khi nói đến quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định rằng: Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện đến như vậy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua; Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.
Tình đoàn kết Lào-Việt Nam là yêu cầu khách quan và nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước thể hiện qua việc Đảng NDCM Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam đều có chung nguồn gốc từ Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo; hai Đảng có lý tưởng, đường lối, chính sách tương đồng, cùng kề vai sát cánh chống kẻ thù chung, giành thắng lợi vẻ vang.
Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam hiếm có trên thế giới, được các thế hệ lãnh đạo, người dân hai nước không ngừng củng cố, vun đắp ngày càng phát triển.
Bài báo viết, việc Lào và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự gắn bó vận mệnh giữa hai dân tộc trong đấu tranh giành độc lập, giải phóng đất nước.
Sau khi hai nước giành độc lập hoàn toàn, để tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu giữa hai nước ngày càng sâu sắc, bền chặt, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác.
Đây là yêu cầu khách quan, là đường lối đúng đắn, phù hợp với quy luật quan hệ quốc tế, đưa nội dung tinh thần quan hệ truyền thống lâu dài thành văn bản pháp lý, xác định đường lối, nguyên tắc quan hệ quốc tế trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, mở ra kỷ nguyên mới của quan hệ Lào-Việt Nam.
Hiệp ước này là văn bản quan trọng trong việc tiếp nối quan hệ truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào và Việt Nam ngày càng được củng cố, vun đắp, phát triển, không ngừng đơm hoa kết trái.
Bài báo viết: Là người dân Lào, đồng thời cũng là thế hệ tiếp nối sự nghiệp của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào và Việt Nam, chúng ta cảm thấy tự hào và biết ơn đối với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, đồng thời quyết tâm không ngừng bảo vệ, vun đắp, phát huy mối quan hệ trong sáng, thủy chung giữa hai nước ngày càng phát triển.
Bài báo cũng nhấn mạnh một số vấn đề cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới như việc duy trì truyền thống đoàn kết đặc biệt, những kết quả của hợp tác giữa hai nước thời gian qua, coi quan hệ chính trị là trụ cột trong việc xác định đường lối, chính sách trong quan hệ của hai nước.
Hai bên tiếp tục phát huy quan hệ hợp tác về quốc phòng-an ninh, phát huy truyền thống kề vai sát cánh, liên minh chiến đấu trước đây vào trong công tác bảo vệ, xây dựng đất nước hiện nay; coi việc giáo dục, phát triển nguồn nhân lực là chiến lược mang tính đột phá thông qua nâng cao chất lượng giáo dục, đây là công tác không chỉ phục vụ phát triển mỗi nước mà còn góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.
Hai bên tăng cường sự chủ động trong việc tranh thủ thu hút nguồn vốn, thương mại, thị trường, chất xám từ các chuyên gia có kinh nghiệm về kinh tế để tận dụng các thế mạnh trong phát triển đất nước, chuyển đổi kinh tế số, giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh;
Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng, mạnh mẽ, dưới nhiều hình thức về truyền thống mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, là di sản vô giá, là yêu cầu khách quan, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước để toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ biết, hiểu, thấm nhuần truyền thống mối quan hệ tốt đẹp giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào và Việt Nam.