Nhận được thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi đến Ngư Thủy Bắc, xã biển bãi ngang của huyện Lệ Thủy. Ghé vào gia đình chị Võ Thị Vĩnh ở thôn Bắc Hòa, chúng tôi khá bất ngờ khi bậc thềm của ngôi nhà in đậm nhiều vết phèn-điều mà tưởng chừng như chỉ có ở vùng thấp trũng ven sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy.
Chị Vĩnh cho biết, các vết phèn đó là nước đọng lại sau mỗi lần lau thềm nhà, do nước nhiễm phèn, nên đọng thành vệt khó tẩy rửa. Sống trên vùng cát, chỉ cần khoan vài mét là có nước để sinh hoạt nhưng khoảng 5 năm gần đây, do nước ngầm sụt giảm và nhiễm phèn nên gia đình đã năm lần khoan giếng, ở đủ các vị trí trong vườn nhưng chất lượng nước đều không ổn.
Ðể minh chứng cho lời nói của mình, chị Vĩnh kéo chúng tôi ra ngoài nhà, ấn cầu dao điện bơm nước. Nước được bơm lên trong chiếc chậu nhôm, mới nhìn thì trong nhưng để một lúc có váng mầu vàng, đặc biệt là mùi hôi phèn bốc lên. Chúng tôi rửa tay trong chậu nước có thể cảm nhận được sự mát lạnh nhưng mùi phèn nồng nặc và lưu lại trên tay rất lâu, cảm giác ngứa.
Chị Vĩnh chia sẻ thêm: “Nước bơm lên muốn dùng thì phải lọc qua bể chứa gồm cát, than hoạt tính rồi chảy sang dụng cụ khác để dùng cho sinh hoạt. Nếu dùng nước này đun sôi để pha trà thì nước trà chuyển mầu đen trông rất sợ. Vì thế, gia đình phải mua nước đóng bình 20 lít dùng riêng cho ăn, uống. Là người dân vùng bãi ngang, còn nghèo, nhưng mỗi tháng, gia đình tôi phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua nước”. Theo tìm hiểu, ở thôn Bắc Hòa, hầu như nhà nào cũng bị nước nhiễm phèn và chỉ lọc nước để sử dụng vào việc tắm rửa, giặt giũ; còn ăn uống thì phải mua nước đóng bình hoặc đi chở nước từ nơi khác về.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngư Thủy Bắc, Trần Kim Trung cho biết, ở địa phương chưa có công trình cấp nước sạch tập trung mà người dân thường khoan giếng trong cát lấy nước để dùng. Thời gian gần đây, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt và nhiễm phèn nặng đã ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Người dân cũng hoang mang, lo sợ bị bệnh tật do sử dụng nước không bảo đảm chất lượng trong thời gian dài.
Theo ông Trung, so với 10 năm trước, hiện nay, mực nước ngầm trong cát giảm 2-3m. Nước giảm xuống thì phèn bốc lên rất nhiều, qua hai lần lọc nhưng nước vẫn hôi mùi phèn. Ðiều lạ kỳ mà những năm trước chưa xảy ra là bây giờ người dân khoan giếng sát mép nước biển để lấy nước ngọt mà nước cũng bị nhiễm phèn.
Nói về nguồn nước ngầm sụt giảm, ông Trung cho rằng, cần phải có nghiên cứu khoa học, bài bản nhưng theo cảm nhận của ông, bên cạnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu còn do người dân nuôi cá nước ngọt đã khai thác nguồn nước ngầm một cách vô tội vạ, mạnh ai người ấy khoan giếng, bơm nước mà không tuân thủ khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chức năng.
Tương tự như ở Ngư Thủy Bắc, người dân xã Ngư Thủy cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sạch. Vốn sinh sống trên vùng cát từng được xem là nơi lý tưởng về nguồn nước ngầm tinh khiết, song thời gian gần đây, nước ngọt khai thác trong lòng điệp trùng núi cát cũng bị nhiễm phèn đến mức báo động. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngư Thủy, Nguyễn Hữu Hiến cho biết, có 707 hộ với 1.468 hộ dân ở địa phương phản ánh nước sinh hoạt tự khai thác tại chỗ bị nhiễm phèn nặng, người dân gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh.
Nguyên nhân được chỉ ra là việc khai thác khoáng sản ti-tan và khoan giếng phục vụ nuôi cá nước ngọt quá mức đã làm cạn kiệt nguồn nước ngầm trên địa bàn. Ðại diện chính quyền hai xã vùng cát huyện Lệ Thủy đã kiến nghị cấp trên xem xét, hỗ trợ vốn xây dựng nhà máy cấp nước tập trung để cấp nước sạch cho người dân sử dụng.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị đã tiến hành điều tra và kết quả cho thấy, ở hai xã ven biển nêu trên, nghề nuôi cá nước ngọt trên cát phát triển khá rầm rộ. Hiện, có khoảng 1.000 hộ đào ao nuôi cá lóc, bình quân mỗi hộ đào một ao với diện tích khoảng 125m²/ao, chiều sâu mặt nước từ 0,8m-1m.
Do đó, việc khai thác sử dụng nước ngầm cùng một thời điểm là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm bị sụt giảm. Trong khi đó, những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm gia tăng thời tiết cực đoan, nhất là vào mùa khô khiến nhiệt độ tăng cao kết hợp với gió tây nam khô nóng làm hạ thấp mực nước ngầm tầng nông dải cát ven biển.
Theo một kỹ sư địa chất ở tỉnh Quảng Bình, nước dưới đất vùng cát ven biển Quảng Bình được hình thành do nước mưa ngấm xuống. Bởi vậy, khí hậu được xem là nhân tố quan trọng trong quá trình hình thành các tầng nước ngầm. Mùa lũ thì lụt lội, ngập úng; còn mùa hè thì cạn kiệt nguồn nước, kể cả nước ngầm ở tầng nông. Khi nước ngầm sụt giảm áp suất thì độ phèn trong nước tăng lên, nhất là vào giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7 gió phơn thổi mạnh, mức độ nước nhiễm phèn càng nghiêm trọng hơn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Qua thực tế nắm bắt tình hình, chúng tôi nhận thấy, không chỉ hai xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy mà nhiều địa phương vùng cát phía nam tỉnh Quảng Bình, việc sụt nguồn nước ngầm là rất đáng báo động, với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Cùng với đó là tình trạng nước nhiễm phèn nặng khiến người dân không thể sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt.
Ðể khắc phục, tỉnh cần sớm chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, điều tra kỹ hiện trạng nguồn nước ngầm, trên cơ sở đó khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý, khoa học. Ðồng thời ưu tiên nguồn vốn đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt cho các xã ven biển bãi ngang để ổn định cuộc sống người dân. Theo lãnh đạo các địa phương, dù còn khó khăn song bộ mặt nông thôn của các xã đã có những đổi thay đáng kể, tuy nhiên, tiêu chí nước sạch để được công nhận xã nông thôn mới đang là bài toán khó, vượt quá khả năng của các xã nghèo bãi ngang ở Quảng Bình hiện nay.