Bảo đảm việc làm cho người lao động dịp cuối năm

Những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ thiếu đơn hàng xuất khẩu, khiến người lao động thiếu việc làm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống. Trước thực trạng này, Liên đoàn Lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã kết nối người lao động đang có nhu cầu tìm việc với các doanh nghiệp cần tuyển lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu việc làm cho công nhân. (Ảnh Quý Hiền)
Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu việc làm cho công nhân. (Ảnh Quý Hiền)

Chị Nguyễn Thị Hường làm việc tại một công ty may xuất khẩu ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai) bị sụt giảm thu nhập do gần ba tháng nay doanh nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân chỉ làm việc bốn ngày mỗi tuần. Việc ít, thu nhập giảm, cuộc sống của gia đình chị hết sức chật vật.

"Năm trước dù bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng công việc cuối năm rất ổn định, tăng ca thường xuyên, lương, thưởng đầy đủ. Năm nay do giảm giờ làm, gia đình tôi buộc phải tằn tiện chi tiêu. Bây giờ chỉ mong doanh nghiệp sớm có đơn hàng để công nhân có việc làm", chị Hường nói.

Những bất ổn của tình hình thế giới đã tác động tiêu cực tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, hầu hết các doanh nghiệp ngành xuất khẩu đều không có đơn hàng mới, bị hủy đơn hàng cũ, đã không thể tiếp tục duy trì việc làm cho người lao động, cho nên phải sắp xếp cho người lao động giảm giờ làm, nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động.

Theo thống kê sơ bộ, đến nay tại Thành phố Hồ Chí Minh có 328 doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, ảnh hưởng tới 53.638 người lao động. Tỉnh Bình Dương có hơn 35.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và có hơn 250.000 lao động phải giảm giờ làm. Tại tỉnh Đồng Nai, hiện có hơn 100 doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, ảnh hưởng việc làm và thu nhập của khoảng 200.000 lao động.

Liên đoàn Lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã kết nối người lao động đang có nhu cầu tìm việc với các doanh nghiệp cần tuyển người. Khi nhận được thông tin cắt giảm số lượng lớn lao động tại Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất da giày, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi tổ chức kết nối, giới thiệu việc làm cho 770 người trong số 1.083 người lao động bị cắt giảm tại công ty.

Tại các buổi kết nối việc làm diễn ra từ ngày 15 đến 17/11, đã có 9 doanh nghiệp tham gia và đưa ra thông tin tuyển dụng hơn 2.200 lao động. Anh Hà Thanh Hải, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Việt Nam Samho chia sẻ: "Theo thông báo của công ty, từ ngày 15/12, bắt đầu cắt giảm nhân sự bộ phận của tôi. Nhờ Trung tâm Dịch vụ việc làm kết nối, tôi đã xin được việc làm mới ở Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ.

Mấy ngày nữa, sau khi kết thúc công việc tại công ty cũ, tôi sẽ chuyển qua làm tại công ty mới". Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh còn kết nối cho Công ty TNHH Woodworth Wooden, Công ty TNHH May mặc Triple (Việt Nam) tuyển dụng công nhân ngành may. Công ty TNHH May thêu Giày An Phước đã đăng ký tuyển dụng 500 lao động ngành may trong dịp này.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, tăng cường nắm bắt nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để kết nối cung cầu, giới thiệu lao động đến doanh nghiệp nộp hồ sơ ngay trong ngày; tổ chức các phiên giao dịch việc làm; thực hiện hiệu quả các chế độ hỗ trợ người lao động từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đưa người lao động sớm tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống.

Trung tâm cũng tư vấn cho các lao động tận dụng cơ hội này để học nghề nâng cao trình độ nghề, chuẩn bị tốt kỹ năng để nâng cao tính cạnh tranh khi thị trường tuyển dụng khởi sắc trở lại. Để hỗ trợ người lao động khó khăn, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động phối hợp chính quyền, tổ chức đoàn thể, địa phương tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm, giãn tiền thuê phòng trọ cho người lao động. Hiện, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chuẩn bị kế hoạch chăm lo Tết Quý Mão cho người lao động với tổng kinh phí dự kiến hơn 300 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền, trong quý III và quý IV năm 2022, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp sớm báo cáo tình hình lao động, việc làm và lương, thưởng Tết. Đồng thời, Sở giám sát chặt chẽ việc chi trả lương và các khoản phúc lợi, chế độ, chính sách cuối năm của người lao động. Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh đang nỗ lực kết nối với các đơn vị tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để hỗ trợ người lao động mất việc tìm được việc mới.

Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai yêu cầu công đoàn các cấp chủ động nắm tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng dịp Tết; đàm phán với chủ sử dụng lao động để người lao động không bị thiệt thòi. Liên đoàn Lao động tỉnh đã đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ 30 tỷ đồng để tặng 60 nghìn phần quà cho người lao động khó khăn, đồng thời triển khai các chương trình hỗ trợ vé tàu xe, máy bay cho người lao động về quê đón Tết.

Thời điểm này, đại diện công đoàn các công ty trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho biết, nhiều doanh nghiệp bị giảm từ 30 đến 50% đơn hàng, nhưng vẫn nỗ lực tìm giải pháp bảo đảm việc làm cho người lao động cuối năm. Các doanh nghiệp cam kết không cắt giảm lao động mà sẽ bố trí thời gian làm việc hợp lý để người lao động có nguồn thu nhập, nỗ lực giữ mức thưởng Tết như mọi năm hoặc thấp nhất là 1 tháng lương cơ bản.

Một số doanh nghiệp đã công bố mức thưởng Tết sớm để động viên người lao động, như Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, đã công bố mức thưởng Tết cho người lao động là 150% mức lương cơ bản và tặng quà Tết trị giá 500 nghìn đồng/công nhân. Công ty TNHH Hwaseung Vina tại huyện Nhơn Trạch có hơn 15 nghìn lao động cũng đã thông báo mức thưởng Tết cho người lao động là một tháng lương. Công ty sẽ đi thăm, tặng quà cho lao động không có điều kiện về quê đón Tết và hỗ trợ 70% vé xe ô-tô cho công nhân có nhu cầu về quê đón Tết cùng gia đình.