Sau khi nghe đọc tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội, nhiều đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị định có phạm vi quá rộng gồm 11 chương, 78 điều, trong đó nhiều quy định liên quan hoặc đã nằm trong một số luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phí và lệ phí... Điều này sẽ gây chồng chéo, không bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.
Một số đại biểu phân tích, phạm vi của dự thảo Nghị định quá rộng dễ dẫn tới tiêu cực khi mọi quy định từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lưu thông, vận hành đều do Bộ Y tế ban hành; chi phí sẽ đội lên, thủ tục rườm rà, ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh và nền kinh tế thị trường. Do vậy đề nghị, cần rút gọn lại một số nội dung trong dự thảo nghị định, cần tập trung vào các vấn đề trọng điểm để tăng tính hiệu quả.
Các đại biểu cũng cho rằng, Nghị định có tính chuyên môn cao, phạm vi ảnh hướng rất lớn tới đời sống, sức khỏe nhân dân, cần có sự tham vấn của nhiều bên liên quan. Trong khi tờ trình của Chính phủ vẫn thiếu về mặt đánh giá thực trạng tình hình quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế để từ đó đưa ra các dự báo, nhận định nhu cầu của xã hội.
Một số ý kiến cho rằng, đây là lĩnh vực quản lý có điều kiện, Quốc hội cho phép ban hành nghị định nhưng phạm vi cần gọn lại đúng với chức năng quản lý nhà nước của ngành y tế, bảo đảm trang thiết bị y tế vận hành tốt. Đề nghị cho Bộ Y tế nghiên cứu lại và sẽ trình vào phiên họp sau của Ủy ban TVQH.
Thảo luận Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), đa số ý kiến phát biểu tán thành với việc sửa đổi Luật Báo chí, nhằm khắc phục những bất cập của luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như phù hợp các quy định trong Hiến pháp năm 2013, về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Nhiều ý kiến cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh và cho rằng luật không chỉ điều chỉnh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí mà còn điều chỉnh cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động báo chí. Do vậy, đề nghị bổ sung đối tượng điều chỉnh của luật bao gồm cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động báo chí.
Các ý kiến cũng tán thành bổ sung thêm một chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật quy định quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí, nhà báo và quyền tự do ngôn luận trên báo chí dành cho công dân là không phù hợp. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, chỉ nên quy định nguyên tắc chung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và cụ thể hóa các quyền này tại các chương phù hợp theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần quy định cụ thể, chi tiết những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí ngay trong luật, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện. Một số ý kiến cũng đề nghị quy định cụ thể các đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH cho ý kiến về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016.