Bảo đảm cho các ngân hàng sau quá trình tái cơ cấu phát triển ổn định, bền vững

NDO - Trong 10 năm qua, hệ thống ngân hàng đang bộc lộ một số khó khăn, thách thức như, chất lượng tài sản suy giảm; rủi ro thanh khoản gia tăng; năng lực vốn tự có còn thấp; khả năng quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp chưa đáp ứng thông lệ quốc tế và tương xứng với tốc độ phát triển về quy mô... Do đó, việc củng cố khu vực ngân hàng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của hệ thống tài chính nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện tái cơ cấu ngân hàng

Hệ thống ngân hàng chiếm ước tính hơn 70% tổng tài sản của hệ thống tài chính Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thị trường vốn chưa thật sự phát triển thì hệ thống ngân hàng cũng đóng vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng phục vụ tăng trưởng kinh tế. Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam được đặt ra trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần bảo đảm những yêu cầu, nguyên tắc, điều kiện và thực hiện theo lộ trình các nhóm giải pháp, đó là:

Quá trình tái cơ cấu cần được thực hiện khẩn trương, bảo đảm hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động ổn định, lợi ích của khách hàng gửi tiền không bị ảnh hưởng. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần được thực hiện đồng bộ song song với các nội dung khác trong tái cơ cấu nền kinh tế. Quá trình tái cơ cấu phải có những biện pháp khác nhau phù hợp cho từng nhóm ngân hàng: ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh...

Ðể thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ba vấn đề đặt ra:

Một là, cần phải có cơ quan cấp quốc gia (Ủy ban Tái cấu trúc - trực thuộc Chính phủ) với các thành phần chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để thực hiện nhiệm vụ cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng từ việc đề xuất nguồn lực hỗ trợ, giải pháp thực hiện, cách thức triển khai cho đến các vấn đề giám sát thực hiện.

Hai là, minh bạch và nhất quán thông tin. Thông tin được công khai, minh bạch sẽ giúp các ngân hàng thương mại chủ động trong việc tiến hành các kế hoạch sáp nhập hay hợp nhất. Bên cạnh đó, cần đưa ra các thông điệp rõ ràng, dứt khoát về bản chất của việc tái cơ cấu ngân hàng hiện nay để củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp; NHNN cần xây dựng và ban hành quy định chuẩn mực cụ thể về an toàn vốn, chất lượng tài sản và quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế, trong đó quy định rõ lộ trình thực hiện để bảo đảm các ngân hàng sau quá trình tái cơ cấu sẽ có nền tảng phát triển ổn định, bền vững.

Ba là, củng cố một hệ thống thanh tra, giám sát đủ mạnh để bảo đảm giám sát có hiệu quả quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Phân loại ngân hàng để có giải pháp tái cơ cấu phù hợp

Trước hết cần phân loại các ngân hàng để có giải pháp tái cơ cấu phù hợp với đặc điểm của từng nhóm ngân hàng. Trong đó, trọng tâm làm rõ thực trạng của ngân hàng về chất lượng tài sản, khả năng thanh khoản, làm rõ cấu trúc kỳ hạn của tài sản nợ của các ngân hàng thương mại vì rủi ro trong chênh lệch kỳ hạn tài sản có - tài sản nợ là rủi ro rất lớn đến an toàn thanh khoản của hệ thống.

Bên cạnh đó, cần thực hiện bốn nhóm giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. 

Thứ nhất, giải quyết vấn đề thanh khoản cho các ngân hàng. NHNN cho vay đối với các ngân hàng thiếu thanh khoản, trong trường hợp các ngân hàng này không thể trả được nợ, NHNN sẽ chuyển đổi khoản vay thành cổ phần để nắm giữ quyền hoạt động của ngân hàng; NHNN xem xét bảo lãnh có điều kiện đối với các khoản vay trên thị trường  liên ngân hàng để tạo sự tin tưởng khi các ngân hàng và các tổ chức cho vay lẫn nhau. Chính phủ tạo hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ xấu để cung cấp thanh khoản trở lại cho các ngân hàng thương mại.

Thứ hai, củng cố năng lực vốn cho các ngân hàng. Với các ngân hàng có mức an toàn vốn thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu, thanh khoản thường xuyên khó khăn, cần tiến hành sáp nhập với ngân hàng có mức an toàn vốn lớn hơn mức tối thiểu hoặc thu hẹp quy mô, phạm vi hoạt động.

Với các ngân hàng có mức an toàn vốn gần mức tối thiểu, NHNN yêu cầu các ngân hàng này tự bổ sung thêm vốn; hoặc NHNN xem xét chuyển một số khoản NHNN cho vay sang hình thức góp vốn cổ phần có thời hạn tại ngân hàng đó.

Xem xét khả năng thí điểm áp dụng mở room trần sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng thương mại lên đến mức 49%, trường hoặc trên 49% áp dụng ở một số ngân hàng (NHNN công bố danh sách một số ngân hàng thương mại dự kiến áp dụng).

Thứ ba, xử lý vấn đề nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản. Trong ngắn hạn, cần siết chặt quy định về phân lọai nợ và trích lập dự phòng rủi ro để phản ảnh một cách chân thực nhất tình trạng nợ xấu của các ngân hàng. Sử dụng khoản dự phòng rủi ro kết hợp với việc tăng nguồn vốn chủ sở hữu để xử lý dứt điểm nợ xấu của hệ thống ngân hàng, từ đó tiến hành tổ chức lại các hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

Trong dài hạn, NHNN cần nghiên cứu mô hình cho phép các ngân hàng có nợ xấu cao tách biệt hoạt động tốt "ngân hàng tốt" và các khoản nợ xấu nội bảng, nợ hạch toán ngoại bảng "ngân hàng xấu" ra làm hai pháp nhân khác nhau. Ðồng thời, phát huy vai trò của các công ty mua bán nợ (AMC) trong quá trình giải quyết nợ xấu của các ngân hàng.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống quy định, cơ chế chính sách trong quản lý hoạt động ngân hàng. Quy định chặt chẽ về các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động theo thông lệ quốc tế; các yêu cầu rõ ràng, đầy đủ về công bố thông tin (với chế tài kiểm tra, giám sát việc thực hiện) bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động minh bạch.

Hoàn chỉnh khung pháp lý về Quy định về mua bán và sáp nhập (M&A). Khuyến khích M&A theo xu hướng thị trường, với sự định giá khách quan, sự hỗ trợ bởi các nhà tư vấn tài chính, kiểm toán độc lập.

Với vai trò là một ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết sẽ tham gia một cách tích cực vào quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở cả hai phương diện. Một mặt, BIDV chủ động thực hiện tái cấu trúc để trở thành một ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có năng lực, có quy mô đủ lớn để làm trụ cột trong hệ thống ngân hàng thương mại, cũng như vươn lên đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Mặt khác, BIDV sẽ tham gia vào quá trình hỗ trợ các ngân hàng yếu hơn trong hệ thống trong quá trình tái cơ cấu của các ngân hàng này.