Ðề xuất thí điểm hoạt động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bên cạnh các ý kiến đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật, một số đại biểu cho rằng, có những nội dung của dự thảo Luật chưa thống nhất với quy định của một số luật hiện hành; dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản, các mô hình khác của quần chúng nhân dân đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Vì vậy, trước mắt cần thực hiện thí điểm việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong một thời gian nhất định, tại một số địa phương để có thời gian đánh giá sự cần thiết cũng như tính khả thi của chính sách trước khi ban hành Luật.
Bên cạnh đó, theo nội dung dự án Luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng tự nguyện nhưng lại sử dụng ngân sách địa phương để chi trả là chưa hợp lý. Ðại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cùng một số đại biểu có ý kiến, chưa nên xây dựng dự án Luật này vì vừa qua, Chính phủ mất nhiều thời gian, công sức để giảm biên chế và ngân sách, việc đưa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại các địa phương sẽ gây tăng ngân sách và biên chế. Thay vì xây dựng lực lượng mới như trong dự án Luật thì nên hướng cho công an xã tăng cường công tác vận động quần chúng cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Ðồng thời, nâng cao hơn nữa năng lực công an chính quy đưa về các xã và lực lượng sẵn có tại cơ sở.
Không tổ chức thí điểm chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, đa số các đại biểu nhất trí với việc xây dựng và thông qua dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh vì đây là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của thành phố.
Các đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng), Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cùng nhiều đại biểu cho rằng, TP Hồ Chí Minh được xem là một đại đô thị của nước ta, với hơn 10 triệu người cư trú và khách vãng lai, là một trong hai thành phố lớn nhất của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, là đầu tàu động lực và thu hút sự lan tỏa, là vùng kinh tế trọng điểm của phía nam cũng như của cả nước, là một địa phương có nhiều đơn vị hành chính trực thuộc, nhiều quận, phường là đô thị mang tầm vóc, dáng vẻ của một đô thị quốc gia. Bởi vậy, việc có Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là cần thiết. Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đối với thành phố.
Ðại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cùng một số đại biểu đồng tình với phương án không tổ chức thí điểm chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, về mặt thực tiễn, cách đây gần sáu năm, TP Hồ Chí Minh cùng với một số địa phương khác đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường và huyện. Qua tổng kết, đánh giá việc làm nêu trên đã mang lại hiệu quả cao, đúng như mong đợi của bà con cử tri và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ða số đại biểu trong phần thảo luận thống nhất với việc ban hành nghị quyết này tại kỳ họp thứ 10 theo trình tự thủ tục rút gọn là một kỳ họp.
Cuối phiên làm việc buổi sáng, Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Theo đó: Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.343.330 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.687.000 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608.569 tỷ đồng.
Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021: Ðiều hành chính sách tài khóa chặt chẽ; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách nhà nước. Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế; mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; cải cách, hiện đại hóa hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai; đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo đề án đã được phê duyệt.
QH nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.