Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5 và những năm tháng không thể nào quên

NDO - Phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở địa bàn Khu 5, cuối năm 1960, Ban Kinh-Tài Khu ủy Khu 5 (tiền thân của Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5) được thành lập để chăm lo công tác kinh tế, tài chính, hậu cần trong kháng chiến. Những năm tháng cam go đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Ban Tài mậu Khu uỷ Khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần tạo lập và xây dựng ngành Tài chính- Hậu cần Khu 5 từng bước vững mạnh, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng.
0:00 / 0:00
0:00
Khu lưu niệm Ban Tài mậu khu V là một trong những điểm di tích thuộc Quần thể Khu di tích lịch sử Trung Trung bộ - Nước Oa, thuộc địa phận xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Trần Công)
Khu lưu niệm Ban Tài mậu khu V là một trong những điểm di tích thuộc Quần thể Khu di tích lịch sử Trung Trung bộ - Nước Oa, thuộc địa phận xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Trần Công)

Những thành tích đặc biệt xuất sắc

Vượt qua muôn vàn khó khăn trong kháng chiến, thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5 đã tham mưu Khu ủy và Thường vụ Khu ủy Khu 5 quyết định ban hành các chính sách, chế độ về tài chính, hậu cần kịp thời, nhất là chính sách, chế độ "Thu tại chỗ" nhằm huy động nguồn lực trong dân.Nhiều hình thức như "Thu lạc quyên", "Thu đảm phụ nuôi quân" được phát động ở cả 3 vùng chiến lược: Miền núi, nông thôn, thành thị; ban hành chế độ thu "Đảm phụ nông nghiệp", "Đảm phụ công thương nghiệp", phát hành "Công phiếu nuôi quân"; vận động nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hăng hái tăng gia sản xuất.

Ban Tài mậu Khu 5 đã bám sát thực tiễn cách mạng để tham mưu các chính sách, chế độ sản xuất tự túc, tự cấp, thu-chi tài chính, chế độ, tiêu chuẩn cho từng đối tượng thụ hưởng ngân sách, chính sách quản lý, sử dụng chiến lợi phẩm, phù hợp thực tiễn và yêu cầu của cuộc kháng chiến trong giai đoạn khốc liệt. Đồng thời, Ban đã tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, bảo đảm mạng lưới hậu cần của Khu 5.

Cùng với nhân dân ở những vùng mới giải phóng, đặc biệt ở Tây Nguyên và miền tây một số tỉnh, Ban Tài mậu đã góp phần nhanh chóng giải quyết việc thiếu lương thực, thực phẩm, hậu cần theo phương án "tạo hậu cần tại chỗ", kết hợp chặt chẽ "hậu cần Quân khu" với "hậu cần nhân dân"; cơ quan dân chính "vừa công tác, vừa sản xuất", quân đội "vừa đánh giặc, vừa sản xuất”. Ban Tài mậu bố trí cán bộ xuống vùng giải phóng, vùng tranh chấp, vận động tổ chức "Thu lạc quyên", "Thu đảm phụ nuôi quân", "Đảm phụ nông nghiệp" và "Đảm phụ công thương nghiệp", phát hành "Công phiếu nuôi quân". Ở những vùng địch tạm chiếm, cán bộ Ban Tài mậu bám sát phong trào, tiếp tục vận động người dân ủng hộ cách mạng bằng nhiều hình thức khác nhau...

Nỗ lực của Ban Tài mậu đã nhận được rất nhiều tình cảm và vật chất của người dân ủng hộ kháng chiến; góp phần bảo đảm nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, cấp phát hàng hoá do Trung ương chi viện cho Khu 5 tại Binh đoàn 559 trên tuyến đường Hồ Chí Minh, sát sông Sê-Ca-Máng (giáp Lào) và điểm tập kết ký hiệu B.3 sát biên giới Việt Nam-Campuchia. Xây dựng và bảo vệ hệ thống kho cất giữ, rải khắp các tuyến đường Đông-Tây Trường Sơn, phần lớn ở miền tây Quảng Nam-Đà Nẵng.

Ban cũng tổ chức tiếp nhận tiền, vàng... từ Trung ương, bảo quản, cất giữ, cấp phát kịp thời, nhanh chóng, chu đáo và an toàn cho các cơ quan Khu 5 và quân đội; lập đội vận chuyển đến các tỉnh xa như Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Đặc khu Quảng Đà...

Trong điều kiện cam go, Ban Tài mậu tổ chức mạng lưới hậu cần, xây dựng và mở rộng mạng lưới mậu dịch, khai thông nguồn hàng từ vùng giải phóng, vùng địch tạm chiếm; mở các cửa khẩu, tổ chức các chợ ở vùng nông thôn mới giải phóng như cửa khẩu Tứ Mỹ, Kỳ Sanh, Kỳ Quế, Mộc Bài, Tháp Mỹ Sơn, Lộc Thành, Phú Thuận... (Quảng Nam-Đà Nẵng), Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ,... (Quảng Ngãi) để thu mua lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu phục vụ cuộc kháng chiến.

Những hy sinh lớn lao và thầm lặng

Hoạt động nơi địa bàn bom đạn ác liệt, cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5 dũng cảm, kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, bảo đảm hậu cần, nguồn tài chính ngân sách tự chủ phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường Khu 5.

Cùng với việc thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực từ hậu phương miền bắc, bám sát địa bàn để huy động các nguồn lực tại chỗ, vận động nhân dân vùng giải phóng và vùng tạm chiếm đóng góp tài chính cho cách mạng, cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu không quản ngại hiểm nguy, kịp thời tiếp nhận, quản lý, phân phối, cung cấp lương thực, thực phẩm, tiền bạc, nhân lực phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền nam.

Bằng sự dũng cảm, tận tâm, tận tụy của cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu, phong trào sản xuất tự túc, tự cấp phát triển sôi nổi rầm rộ đều khắp. Các cơ quan Dân-Chính-Đảng các cấp ở Khu 5 và lực lượng quân đội đều tổ chức nhiều điểm sản xuất, bảo đảm hơn 50% chỉ tiêu lương thực, thực phẩm để cung cấp cho chiến trường.

Các cán bộ, nhân viên của Ban đã không quản hiểm nguy, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, cấp phát hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, thuốc men, dụng cụ y tế từ Trung ương chi viện cho chiến trường Khu 5; mang vác, vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, hàng hóa, từ đồng bằng các tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Ngãi; từ Tiểu ban Chi viện ở sát biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia về căn cứ. Trong 11 năm chiến đấu trên mặt trận kinh tế, Tiểu ban Cung cấp thuộc Ban Tài mậu Khu 5 đã cõng hàng trăm nghìn tấn hàng hóa, quân trang, quân dụng vượt qua những chặng đường mà sự sống, cái chết tính bằng tấc gang.

Bên cạnh đó, Ban Tài mậu phục vụ an toàn cả trăm cuộc họp của Khu uỷ và các cơ quan Dân-Chính-Đảng Khu 5 trong điều kiện chiến tranh ác liệt, hiểm nguy. Không những thế, lực lượng của Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5 luôn sẵn sàng tư thế tổ chức đánh địch trên đường vận chuyển hoặc khi địch xâm nhập kho hàng.

Trên những chặng đường họ đã đi qua, không ít máu xương đã đổ xuống cho ngày đất nước được hoàn toàn độc lập. 122 cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5 đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hơn 200 đồng chí bị thương, hàng trăm người nhiễm chất độc da cam, phát sinh nhiều bệnh tật. Nhiều người phụ nữ đi qua chiến tranh đã không thể sinh con. Nhiều gia đình, người thân chưa tìm được hài cốt.

Chiến tranh đã lùi xa cùng năm tháng nhưng những đóng góp, hy sinh của cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu luôn được khắc sâu trong các trang sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam. Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5, ngày 29/4/2021, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 635/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" tặng Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5.