Huy động nguồn lực phát triển hydrogen

Bài 2: Mở ra không gian phát triển mới

Theo Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam phấn đấu đạt công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt từ 100 nghìn-500 nghìn tấn/năm vào năm 2030, tăng lên tới 10-20 triệu tấn/năm vào năm 2050. Đây là nguồn năng lượng xanh, sạch, đóng góp quan trọng cho bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Mô-đun điện phân hydro được tổ hợp lắp đặt tại Xưởng chế tạo Phà Rừng (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). (Ảnh QUANG HƯNG)
Mô-đun điện phân hydro được tổ hợp lắp đặt tại Xưởng chế tạo Phà Rừng (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). (Ảnh QUANG HƯNG)

Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững, phù hợp quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như xu thế phát triển chung của thế giới.

Chuyển đổi theo lộ trình phù hợp

Theo Bộ Công thương, mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam. Theo đó, Nhà nước khuyến khích sử dụng năng lượng hydrogen trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế để giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời, chú trọng xây dựng chính sách, cơ chế ưu đãi phù hợp để thúc đẩy sử dụng năng lượng hydrogen trong các lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn như sản xuất điện, giao thông vận tải, công nghiệp...

Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Văn Tấn chia sẻ: Trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu trên thế giới, Hydrogen được xác định là nhiên liệu sạch, là giải pháp giúp thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ. Đơn cử, trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, hydrogen được coi là giải pháp giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính. Tại nội dung của Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), hydrogen cũng là ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và đối tác, nhóm đối tác. Do đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen ở thời điểm này là hết sức kịp thời; các nội dung trong chiến lược cũng như bước đi từ nay đến năm 2050 hoàn toàn phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam và thế giới trong bối cảnh hiện nay.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho rằng, Chiến lược phát triển hydrogen là bước tiến lớn trong chuyển đổi năng lượng. Riêng với ngành điện, việc chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng hydrogen cũng như năng lượng có nguồn gốc hydrogen rất cần thiết. Quy hoạch điện VIII cũng đặt ra lộ trình chuyển đổi nhà máy nhiệt điện than sang sử dụng amoniac xanh, chuyển đổi nhà máy sử dụng khí LNG sang hydrogen. Vì vậy, từ nay đến năm 2030, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, phối trộn nhiên liệu như than với amoniac, khí hóa lỏng với hydrogen để đẩy mạnh triển khai từ giai đoạn 2030-2050. Cục sẽ chủ động phối hợp các đơn vị triển khai nhiệm vụ được giao, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen.

Theo đó, sẽ chuyển đổi dần các nhà máy điện than để đến năm 2050 hoàn toàn không sử dụng than cho phát điện mà chuyển sang sử dụng amoniac hoặc sinh khối; các dự án tua-bin khí hiện đang sử dụng khí LNG nhập khẩu sẽ được thử nghiệm chuyển đổi sang hydrogen. Thách thức lớn nhất hiện nay là công nghệ chuyển đổi các nhà máy sử dụng than và khí sang amoniac và hydrogen vẫn chưa được thương mại hóa; giá thành sản xuất amoniac, hydrogen ở mức khá cao. Do đó, lộ trình chuyển đổi cần tính toán phù hợp với mức độ sẵn sàng của công nghệ cũng như giá thành nhiên liệu trong tương lai.

Chủ động triển khai các giải pháp

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải cho biết: Từ năm 2023, EVN đã chủ động giao tư vấn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về tổng quan thị trường, dự báo phát triển thị trường hydrogen trên thế giới. Mặt khác, Tập đoàn cũng đang xây dựng lộ trình và giải pháp để chuyển đổi năng lượng, trong đó có các nhà máy điện truyền thống chuyển sang đốt phối trộn hydrogen. Dự kiến, trong quý II, III năm nay, EVN sẽ hoàn thiện lộ trình chuyển đổi các nhà máy điện cũ theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt. Đồng thời, EVN kiến nghị cần xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các dự án phát điện hydro có thể cạnh tranh được với nguồn khác trong hệ thống; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về phát điện hydro để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Để triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan, nhất là chính sách khuyến khích sử dụng nhiên liệu hydrogen đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển hydrogen và lĩnh vực thu giữ/sử dụng các-bon; xây dựng các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng hydrogen. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp ngành năng lượng cần quán triệt, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong chiến lược; chủ động xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen; tăng cường huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước thực hiện các dự án đầu tư về năng lượng có nguồn gốc hydrogen.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Phan Tử Giang thông tin: PVN đã và đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) nghiên cứu tích hợp hydrogen xanh nhằm thay thế dần hydrogen xám trong nhà máy sản xuất đạm. Tập đoàn cũng phối hợp với một số đối tác tìm kiếm phương án sản xuất và vận chuyển hydrogen xanh thay thế cho hydrogen xám; nghiên cứu và thực hiện đốt kèm hydrogen xanh để giảm bớt đốt than ở các nhà máy điện than, giảm phát thải các-bon. Chiến lược riêng của PVN về sản xuất hydrogen kết hợp chương trình chuyển đổi năng lượng cũng đã được xây dựng và Tập đoàn rất mong được Chính phủ, Bộ Công thương chỉ đạo, định hướng thêm nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu này.

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam-CTCP (LILAMA) là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia chuỗi sản xuất mô-đun điện phân cho Nhà máy Hydrogen NEOM tại Arab Saudi. Đây là dự án năng lượng rất lớn, đánh dấu sự hợp tác thành công thứ hai giữa LILAMA và công ty phát triển công nghệ hydrogen xanh hàng đầu thế giới Thyssenkrupp Nucera của Đức. Trước đó, hai bên đã hoàn thành việc thiết kế, mua sắm, chế tạo và tổ hợp hai mô-đun điện phân 20 MW cho Nhà máy Hydrogen xanh tại bang Arizona của Mỹ. Dự kiến, LILAMA và Thyssenkrupp Nucera sẽ hoàn thành việc cung cấp các mô-đun điện phân cho dự án NEOM vào quý III/2025, đồng thời tiếp tục triển khai các dự án hydrogen xanh tiếp theo cho thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông trong tương lai.

Tổng Giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn đánh giá: Khi triển khai dự án, LILAMA đã nhanh chóng bắt nhịp chiến lược kinh doanh mới theo xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, hướng đến các nguồn năng lượng xanh và bền vững, không phát thải CO2,... Những kinh nghiệm quý giá của LILAMA tích lũy được hứa hẹn sẽ giúp ngành cơ khí Việt Nam sẵn sàng triển khai các hệ thống năng lượng sạch bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải tại Hội nghị COP26.

Theo Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) Lý Quốc Hùng, hydrogen là lĩnh vực mới ngay cả với các nước phát triển, do vậy, bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chiến lược này. Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công thương thực hiện rà soát, sửa đổi, xây dựng bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển hydrogen và lĩnh vực thu giữ/sử dụng các-bon phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế; cập nhật những tiến bộ khoa học-công nghệ trên thế giới về năng lượng hydrogen ■

_________________
(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 13/5/2024.
(Tiếp theo và hết)(★)