Những ngày giữa tháng 5, huyện Phù Yên bất chợt đổ mưa. Thế nhưng, cái nóng đặc trưng của một huyện dọc sông Đà vẫn hiện hữu trên những khuôn mặt, tấm lưng áo đẫm mồ hôi của những người qua đường. Cái nóng đặc trưng ở nơi đây vẫn vậy, nhưng tư duy trong làm ăn kinh tế của người dân cùng với kết cấu hạ tầng của địa phương đã có nhiều đổi thay, phát triển ...
Đó cũng là chủ đề mở đầu câu chuyện của chúng tôi tại gia đình bà Đinh Thị Uôn, dân tộc Mường, 82 tuổi, bản Thải, xã Mường Thải - người đã từng vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ.
Nhớ mãi vị cha già dân tộc
Đã 63 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên được gặp, được nghe Bác Hồ nói chuyện, nhưng với bà Đinh Thị Uôn, cảm xúc như mới ngày hôm qua. Khi kể lại cảm xúc những lần được gặp Bác Hồ, như thể trong con người bà Uôn có một sức mạnh lạ kỳ...
Khi nhắc tới lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, đôi mắt bà Đinh Thị Uôn bỗng sáng lên, bà hào hứng: Lần đầu tiên tôi vinh dự được gặp Bác là năm 1959 tại huyện Thuận Châu, khi đó tôi 19 tuổi, là diễn viễn múa của đoàn văn công khu tự trị Thái Mèo. Tôi còn nhớ, trước đêm biểu diễn văn nghệ cho Bác và đoàn công tác xem, chúng tôi rất hồi hộp bởi sẽ được gặp Bác Hồ. Lúc đó, tôi cứ đi ra, đi vào mong sớm đến giờ biểu diễn để được nhìn thấy Bác...
Kết thúc đêm văn nghệ tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vào năm 1959 đó, bà Đinh Thị Uôn vinh dự được Bác Hồ bắt tay động viên.
Lần thứ hai bà Uôn được gặp Bác là năm 1962. Bà kể: Sau khi kết thúc văn nghệ, mọi người cùng đứng lên bục để Bác tặng hoa và bắt tay động viên. Khi đó có ba bó hoa, bước lên phía trước nhận hoa đoàn chúng tôi chỉ có một người, còn đoàn Quân khu bước lên hai người, nên được hai bó hoa. Thấy vậy, Bác đã động viên: “Hoa thơm thì ít cũng thơm, tăng gia sản xuất thì cơm phải nhiều, các cô, các chú có nhất trí không”... Lúc đó, tôi và mọi người cùng hiểu ra và đồng thanh hô lớn “chúng cháu nhất trí”...
Bà chia sẻ, đến giờ, giây phút được gặp Bác cùng những lời căn dặn của Bác Hồ vẫn còn mãi trong trái tim chúng tôi.. Cho đến giờ, câu chuyện trên vẫn được bà Uôn nhắc lại cho con cháu và mọi người trong bản nghe.
Hoàn cảnh được gặp Bác Hồ của ông Đinh Văn Nuôi, 91 tuổi, bản Ban, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên không giống như bà Đinh Thị Uôn, nhưng khi nhắc tới giây phút đặc biệt trong cuộc đời vào năm 1953, cũng như bà Uôn, ánh mắt ông Nuôi sáng lên, nét mặt rạng ngời và giọng nói cũng hào hứng hơn.
Ông Đinh Văn Nuôi nhớ lại: Năm 1952, sau khi Phù Yên được giải phóng, tôi và nhiều người khác đã xung phong lên chiến trường Điện Biên và tôi được phân công làm nhiệm vụ liên lạc của Tiểu đoàn 159. Trong giai đoạn này, quân và dân ta đang dồn sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ nên khí thế rất hào hùng. Nguồn động viên càng to lớn hơn khi sau đó Bác Hồ cùng đoàn công tác đã trực tiếp lên động viên quân và dân ta vào dịp gần Tết, tức cuối năm 1953.
Kể lại thời gian hai ngày đêm cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tháp tùng Bác Hồ đi bộ từ huyện Tuần Giáo lên đến hang Mường Phăng của tỉnh Điện Biên, ông Đinh Văn Nuôi hào hứng: Hình ảnh đầu tiên khi chúng tôi nhìn thấy Bác Hồ là Bác đi dép cao su, mang trên mình bộ quần áo nâu, đội mũ cát két, quần xắn đến đầu gối, khăn mặt thì vắt vai và tay cầm gậy.
Bác rất ân cần và gần gũi với mọi người. Khi đó chúng tôi được gặp Bác mà cảm thấy như là đang mơ. Và cho đến bây giờ, mỗi lúc nhớ lại, tôi như được trở lại thời khắc hạnh phúc vô bờ bến đó. Cũng chính những cử chỉ ân cần, lời dặn dò như một người cha đã động viên, giúp chúng tôi vượt qua bao khó khăn, tích cực rèn luyện trong học tập và công tác cũng như góp sức mình làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Sau lần được gặp Bác Hồ và vinh dự được bảo vệ Bác cùng đoàn công tác trong hai ngày đêm, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều sự động viên của Bác. Cụ thể vào tháng 3/1954, Bác Hồ lại gửi điện khen ngợi, cổ vũ và căn dặn toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ khi Bác khen ngợi về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Trong điện khen ngợi, Bác đã khẳng định chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng...
Khắc ghi lời Bác dạy
Khắc ghi lời Bác căn dặn, trong nhiều năm qua, bà Đinh Thị Uôn đã luôn nỗ lực phấn đấu trong công việc cũng như giáo dục con cháu. Cũng bởi vậy, trong quãng đời làm nghệ thuật của mình bà được đi biểu diễn văn nghệ tại 7 nước trên thế giới. Sau khi chuyển ngành, bà được nhân dân tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch HĐND kiêm Phó Chủ tịch UBND xã Mường Thải trong nhiều năm; được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ghi nhận.
Đặc biệt, nhớ lời Bác căn dặn, bà Uôn còn cùng chồng nuôi dạy, giáo dục 5 người con của mình trở thành những người có ích cho xã hội. Trong đó, con trai cả từng là Bí thư Đảng ủy xã Mường Thải, con thứ ba của bà hiện là Bí thư chi bộ bản Thải. Gia đình bà liên tục được công nhận gia đình văn hóa, tấm gương sáng cho mọi người noi theo...
Cũng như bà Uôn, sau khi đất nước hòa bình, khắc ghi lời Bác dạy, trở về quê hương, ông Đinh Văn Nuôi tiếp tục phát huy sức trẻ trong công việc, gương mẫu trong giáo dục con cái, luôn tâm niệm không được làm điều gì phải hổ thẹn khi nghĩ tới Bác. Chính vì vậy, nhiều năm sau đó, giờ đã 91 tuổi đời và 64 năm tuổi Đảng, trải qua nhiều vị trí công tác, ông Đinh Văn Nuôi luôn được đánh giá cao, nhân dân tin tưởng và là người có uy tín ở cơ sở.
Cả nước nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng có rất nhiều người đã từng vinh dự được gặp Bác Hồ và được nghe Bác nói chuyện, căn dặn nhiều điều. Cũng như bà Đinh Thị Uôn và ông Đinh Văn Nuôi, họ mãi khắc ghi lời Bác căn dặn. Ở đâu đó, họ đã và đang phát huy tốt truyền thống của dân tộc Việt Nam và luôn thực hiện tốt những lời Bác dạy…