Ðó chính là tiền đề quan trọng để Bà Rịa-Vũng Tàu vững tin vào sự phát triển trong giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo.
Hỗ trợ chuyển đổi công nghệ
Công nghệ sản xuất giấy trước đây của Nhà máy Giấy Sài Gòn (tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, thị xã Phú Mỹ) luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là sông Thị Vải nằm sát bên. Ðể bảo đảm an toàn cho sông Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành lập một số đoàn kiểm tra, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ cũ sang công nghệ sản xuất giấy hiện đại. Ðại diện Nhà máy Giấy Sài Gòn cho biết, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà máy đã chuyển sang ứng dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn dùng nhiên liệu là phụ phẩm nông nghiệp và các chất thải công nghiệp không nguy hại phát sinh từ hoạt động chế biến giấy công nghiệp và giấy sinh hoạt của nhà máy. Công nghệ này đã giúp nhà máy thay thế được nguồn nhiên liệu dầu FO, khí đốt, tiết kiệm được chi phí năng lượng và giải quyết được vấn đề môi trường liên quan đến các chất thải rắn thông thường phát sinh hằng ngày.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, việc chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng các công nghệ hiện đại đã giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân thay đổi hoàn toàn thói quen sản xuất cũ, giúp năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng lên. Ðiển hình như Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hương, thành phố Bà Rịa, chuyển đổi 2ha nuôi tôm sang mô hình tuần hoàn khép kín trong nhà màng.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng Nguyễn Kim Chuyên cho biết, với công nghệ này, nước được đưa vào các ao xả, xử lý hóa chất, chảy qua các hàng lưới, lắng từ từ để loại bỏ chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng, sau đó được xử lý diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào ao nuôi. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi được tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc. Theo tính toán, nếu áp dụng các mô hình nuôi tôm hiện nay như quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh trong ao đất với các loại tôm thẻ và tôm sú, thường mỗi năm chỉ sản xuất được 1 đến 2 vụ và nguy cơ tôm bị dịch bệnh rất cao. Khi ứng dụng công nghệ mới, hợp tác xã đã tăng lên 3 vụ/năm, năng suất đạt 50 đến 60 tấn/vụ/2ha, doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 15 đến 20 tỷ đồng.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thái Dương (huyện Châu Ðức) Nguyễn Cảnh Thái Dương chia sẻ: Ðể chăm sóc vườn cây, trước đây chúng tôi phải sử dụng rất nhiều lao động nhưng hiệu quả và chất lượng trái bơ sau thu hoạch không cao. Sau thời gian nghiên cứu, hợp tác xã quyết định đầu tư, lắp đặt hệ thống máy giám sát dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm của cây. Bà con xã viên cũng được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc vườn cây theo hướng thân thiện, khoa học... Ðây chính là tiền đề quan trọng để Hợp tác xã nông nghiệp Thái Dương cho ra thị trường những trái bơ chất lượng.
Ðáng mừng, việc loại bỏ những công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, ứng dụng công nghệ mới, cho năng suất, chất lượng cao hơn đang được nhiều doanh nghiệp tính toán chuyển đổi. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Danh nêu rõ, công nghệ cũ, lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng, nhân công… sản phẩm làm ra thường có giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất, ứng dụng khoa học-công nghệ cao được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giúp địa phương từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững.
Lựa chọn “công nghệ xanh”
Chủ tịch Hội đồng quản trị-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) Trần Văn Dũng cho biết, tình trạng ô nhiễm tại các cơ sở chế biến thủy sản đã kéo dài nhiều năm tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Việc sử dụng công nghệ cũ không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn kéo giảm năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tính cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp. Ðược sự hỗ trợ của tỉnh, Baseafood xác định tất cả các nhà máy của mình đầu tư mới sau này đều ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất.
Theo đó, khi đầu tư mới Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu 3 ở Khu công nghiệp chế biến thủy sản tập trung xã Lộc An, huyện Ðất Ðỏ, Baseafood đã lựa chọn những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Chất lượng sản phẩm của Baseafood được nâng lên rõ rệt và nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chủ động tìm đến công ty ký kết hợp tác. Ngay trong hai năm dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, sản lượng xuất khẩu và doanh thu của Baseafood vẫn tăng trưởng khá. Hiện, sản phẩm của Baseafood đã có mặt ở hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Nhật Bản, EU, Mỹ…
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn các dự án có hàm lượng công nghệ cao, “công nghệ xanh”; đồng thời từ chối các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ðáng chú ý, khi công khai bộ tiêu chí về thu hút đầu tư có thời kỳ tỉnh đứng trước nguy cơ sụt giảm cả về số vốn đăng ký lẫn số lượng các dự án đầu tư. Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng các khu công nghiệp chuyên sâu, đào tạo đội ngũ nhân lực... đến nay, nhiều tập đoàn kinh tế, công nghiệp lớn trên thế giới như: Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, Lotte, BP, SCG, Hyosung... đều đã có mặt tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo đại diện chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy sản xuất polypropylene của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina ở thị xã Phú Mỹ (có số vốn 1,5 tỷ USD), ngay sau khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai xây dựng. Tất cả những thiết bị, công nghệ hiện đại nhất hiện nay trong sản xuất polypropylene đã được áp dụng. “Trái tim” của nhà máy là kho ngầm chứa khí LPG với sức chứa gần 250.000 tấn.
Kho ngầm được thiết kế nhiều khoang, chiều rộng khoảng 17m, chiều cao hơn 20m, tổng chiều dài hơn 4,5km và nằm ở độ sâu gần 200m so với mực nước biển, được đánh giá là lớn nhất Ðông Nam Á. Ðại diện chủ đầu tư dự án cho biết thêm, kho ngầm được thiết kế và vận hành tuyệt đối an toàn, kể cả trong các hoàn cảnh đặc biệt như thiên tai, động đất... Tất cả những sự cố từ lớn đến nhỏ như rò rỉ khí hóa lỏng, cháy nổ... sẽ được tự động phát hiện và xử lý.
Thống kê của Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có hơn 415 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 30 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện mặt trời, du lịch. Ðây đều là những lĩnh vực được xem là thế mạnh, “trụ cột” kinh tế của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ khẳng định, việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm mà còn là tiền đề quan trọng để địa phương chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Cách làm này vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từng bước chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn mà Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong số ít những địa phương hội tụ đầy đủ các mô hình kinh tế: đô thị, nông thôn, biển đảo, đại dương, vùng bờ.