65% số linh kiện của công-tơ điện tử một pha được nội địa hóa

NDO -

Ðến tháng 4-2013, Công ty Công nghệ thông tin Ðiện lực miền trung đã sản xuất được khoảng 300 nghìn chiếc công-tơ điện tử một pha, loại ký hiệu DT-01P-RF. Ðây là sản phẩm mới, có hơn 65% số linh kiện được nội địa hóa.

Sản xuất công-tơ điện tử DT-O1P-RF tại Công ty Công nghệ thông tin Ðiện lực miền trung. (Ảnh: Internet)
Sản xuất công-tơ điện tử DT-O1P-RF tại Công ty Công nghệ thông tin Ðiện lực miền trung. (Ảnh: Internet)

Ðể tạo ra hướng đột phá, từ năm 2002, tập thể lãnh đạo Công ty Công nghệ thông tin Ðiện lực miền trung, đứng đầu là kỹ sư Trần Dũng, cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao dạng điện tử và dùng từ trường đo, đếm điện từ xa. Sản phẩm ưu tiên số một là loại công-tơ điện tử, thay thế dần cho loại công-tơ cơ khí (một pha) vốn đã lạc hậu lâu nay. Thực tế cho thấy công-tơ cơ khí tiêu hao điện năng (qua nó) rất cao. Chỉ tính 20 triệu chiếc, mỗi năm cũng đã tiêu tốn khoảng 20MW, tương đương một nhà máy phát điện nhỏ. Ở miền trung và Tây Nguyên thường có mưa to, bão lớn, những lúc đó công nhân phải leo lên cột cao để đo, đếm số điện tiêu thụ rất nguy hiểm. Hơn nữa, sai số trong tiêu dùng điện do dùng công-tơ cơ khí rất đáng kể, dễ gây thất thoát, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ngược lại, khi sử dụng công-tơ điện tử một pha, các hạn chế nói trên sẽ được khắc phục, ngoài ra, còn tăng năng suất lao động, giảm sức ép về nhân lực khi phát triển mạng lưới. Sản phẩm công-tơ điện tử (một pha) có ưu điểm là xác định chính xác lượng điện tiêu thụ; có thể đọc chỉ số tiêu thụ từ xa, tự động hóa hoàn toàn; tránh được các nhân tố tác động chủ quan; đưa năng suất lao động khi thao tác lên khoảng 11 lần. Năm 2003, công cụ điện tử cầm tay đo đếm điện từ xa của công ty ra đời. Năm 2009,  kỹ sư Trần Dũng quyết định nâng cấp sản phẩm, tiến hành kiểm định chất lượng (nhất là chỉ số từ trường) từ các trung tâm nghiên cứu khoa học có uy tín lớn trên thế giới, rồi đưa về nước sản xuất hàng loạt. Mặc dù hiện tại trên cả nước còn có hai đơn vị khác (liên doanh với nước ngoài) sản xuất mặt hàng này, song ưu điểm của loại công-tơ điện tử  một pha do công ty chế tạo là làm chủ công nghệ tiên tiến; khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và trong sản phẩm, 65% số lượng linh kiện đã được nội địa hóa.

Hiện nay, không chỉ có sản phẩm chủ lực nói  trên đang được tiêu thụ khắp 14 tỉnh, thành phố khu vực miền trung, Tây Nguyên mà một số sản phẩm công nghệ cao khác của công ty đã bước đầu được bán ra ngoài nước. Chẳng hạn, như loại công-tơ điện tử (ba pha); Modem đọc đếm điện từ xa (có thể đọc qua mạng in-tơ-nét). Công ty cũng đang nghiên cứu sản xuất một số loại công-tơ điện tử ba pha đa chức năng; các bộ truyền dẫn dùng trong lĩnh vực viễn thông, v.v. Doanh thu năm 2012 của công ty đạt khoảng 80 tỷ đồng, trong khi đó công ty chỉ có 160 người. Bình quân hằng năm, mỗi người lao động ở đây làm ra hơn 500 triệu đồng. Tiến thẳng vào nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công ty đã tạo ra bước đột phá mới trong sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Trần Dũng cũng đã được nhận Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật Ðà Nẵng năm 2012, với sản phẩm Modem điện tử RMR - Tur-bo-Jet.