Con số vô lý đến khó tin của mức phạt được chốt lại sau khi “hội đồng” liên ngành bàn lên bàn xuống mà cũng chỉ xác định được hành vi của VINASTAS đã bị cấm trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nhưng chế tài xử phạt lại không có. Các Nghị định liên quan như Nghị định 185/2013 về hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng; Nghị định 180/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đều không thể áp dụng với trường hợp này... Chính vì thế, sau khi xem xét kỹ lưỡng, mức phạt tiền đối với Hiệp hội đầy tai tiếng được đưa ra căn cứ theo khoản 2, Điều 27 và khoản 3, khoản 4, Điều 4 Nghị định 178/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Điều đáng buồn ở đây là không phải lần đầu các cơ quan chức năng lâm vào cảnh “múa tay trong bị”. 10 năm trước, một vụ việc tương tự liên quan tới nước tương và chất 3MCPD cũng đã xảy ra. Chỉ bằng một thông tin nước tương truyền thống nhiễm chất 3MCPD có nguy cơ gây ung thư, người ta đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nước tương gần như phá sản. Thật “tình cờ” là ngay sau đó một loại nước tương sạch không chứa 3-MCPD ra đời. Loại này bán tràn ngập. Đồng loạt quảng cáo. Chiếm lĩnh thị trường. Và trong vụ 3MCPD, cũng không có cơ quan, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của các doanh nghiệp nước tương truyền thống. Chỉ có doanh nghiệp “nhanh chân” tung ra loại nước tương không 3MCPD ung dung hưởng lợi.
Nhắc lại để thấy, cùng một kiểu tung tin để gây hại cho các doanh nghiệp, trong khi cách thức và chiêu thức của những đơn vị hưởng lợi đã tinh vi hơn rất nhiều, thì đáng buồn là những người làm luật, đáng ra phải lường được các tình huống, lại gần như không có thay đổi để đưa ra chế tài ngăn chặn. Một khi mức xử phạt không có hoặc chưa phù hợp khi căn cứ theo các quy định sẵn có, thì cần thiết phải đề xuất sửa đổi. Như vậy, mới tránh xảy ra tình trạng đáng ra phải xử phạt nặng thì thành nhẹ dẫn đến “nhờn” với luật pháp.
Khi thương trường là chiến trường, các chiêu thức cạnh tranh “tiến hóa” ngày một tinh vi hơn, không ai có thể chắc rằng sau nước mắm sẽ là những ngành hàng truyền thống nào trở thành nạn nhân tiếp theo? Vậy thì, các nhà lập pháp và hành pháp không thể bị động mãi được!
15 triệu và con số… không
Sau hơn nửa năm kể từ khi xảy ra sự vụ, “nguồn” phát ra thông tin vụ “nước mắm bẩn”, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) chính thức bị Bộ Công thương ra quyết định xử phạt với mức…15 triệu đồng. Thực tế đây là mức phạt cao nhất được đưa ra sau khi tất cả các bộ liên quan: Tư pháp, Khoa học-Công nghệ, Y tế, Công thương nghiên cứu, xem xét tất cả các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.