1. Hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga-Ucraina... tạo áp lực lớn cho thu ngân sách nhà nước, buộc Nhà nước phải đưa ra nhiều chính sách về thuế (miễn, giảm, gia hạn) để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi trở lại, song dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính; sự nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và sự phấn đấu quyết tâm cao của toàn thể cán bộ công chức, nhất là trong việc chủ động tăng cường quản lý chống thất thu bất động sản, thương mại điện tử..., đã giúp tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý năm 2022 ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán, tăng 8,5% so với thực hiện năm 2021, với 63/64 Cục Thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao.
Kết quả ấn tượng này đã góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn về tài chính ngân sách. Đây là nỗ lực vượt bậc, thể hiện sự quyết tâm của ngành thuế trong việc khắc phục khó khăn, mạnh dạn đổi mới, đưa ra các giải pháp linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.
2. Ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030
Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 508/QĐ-TTg ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Đây là văn bản quan trọng, là kim chỉ nam để ngành thuế triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hệ thống thuế. Theo đó, hệ thống chính sách thuế được cải cách gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Công tác quản lý thuế được hiện đại hoá toàn diện dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng ngành thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Để triển khai chiến lược, Tổng cục Thuế đã xây dựng Chương trình hành động cụ thể giai đoạn đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 với các giải pháp, lộ trình và phân công các đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện theo các nhiệm vụ Chiến lược đã đề ra.
3. Triển khai gói hỗ trợ thuế, phí lớn nhất từ trước tới nay, góp phần tích cực giúp doanh nghiệp, người dân nhanh chóng phục hồi và phát triển
Trong năm 2022, toàn ngành Thuế tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 186.000 tỷ đồng.
Trong đó, giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP khoảng 20.040 tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 khoảng 1.906 tỷ đồng; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15; giảm kịch khung thuế BVMT đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 khoảng 26.307 tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP khoảng 96.316 tỷ đồng; gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 32/2022/NĐ-CP khoảng 9.603 tỷ đồng; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí theo Thông tư 120/2021/TT-BTC khoảng 900 tỷ đồng.
Việc thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được đánh giá là có tác động tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp DN có thêm nguồn lực ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong nước.
4. Hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử vượt tiến độ
Tiếp nối thành công của việc triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố trong năm 2021, ngày 21/4/2022 Tổng cục Thuế thực hiện giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố còn lại. Với tinh thần quyết tâm cao và bằng nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, thống nhất, ngành thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai hóa đơn điện tử vượt tiến độ hơn 2 tháng theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, hiện đại hóa của ngành thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung.
Đến nay, trên cả nước 100% số doanh nghiệp đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và 100% hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử, với tổng số hóa đơn điện tử đã được phát hành là trên 2,1 tỷ hóa đơn.
Triển khai thành công hóa đơn điện tử đã góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp và phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn điện tử nhằm tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, qua đó tăng cường quản lý doanh thu bán lẻ, cơ quan thuế đã báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai Chương trình “Hóa đơn may mắn” từ lựa chọn ngẫu nhiên mã hóa đơn điện tử với tổng số 2.700 giải thưởng trị giá 6 tỷ đồng đã được trao đến người tiêu dùng.
Với thành tích vượt bậc trong triển khai hóa đơn điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã có những ghi nhận, biểu dương và ban hành Quyết định số 54/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 tặng Bằng khen cho Tổng cục Thuế. Đặc biệt, hiệu quả sâu rộng của giải pháp hóa đơn điện tử đã giúp Tổng cục Thuế được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đối số xuất sắc” tại lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022.
5. Triển khai Cổng thông tin điện tử dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoàivà Cổng tiếp nhận thông tin từ sàn thương mại điện tử- bước tiến trong quản lý thuế theo xu hướng quốc tế
Với việc trở thành 1 trong 4 nước đi đầu khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua Cổng thông tin điện tử trực tuyến, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Sau hơn 8 tháng triển khai (từ 21/3/2022), đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng, với tổng số thuế đã nộp hơn 3.444 tỷ đồng. Trong đó gần 1.900 tỷ đồng các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp; phần còn lại do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay (Facebook là 1.748 tỷ đồng; Google là 979 tỷ đồng). Đáng chú ý, có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.
Cũng trong năm 2022, ngành Thuế chính thức vận hành Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử nhằm tiếp nhận thông tin tổng hợp của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn thương mại điện tử trong trường hợp sàn thương mại điện tử chưa thực hiện khai thuế thay cho cá nhân. Với các tính năng vượt trội về tổng hợp dữ liệu theo thông tin của các sàn thương mại điện tử và thông tin của đơn vị cung cấp (tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử) cũng như các chức năng quản trị, phân quyền, truyền nhận dữ liệu đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử là khởi đầu mới trong quản lý thuế thương mại điện tử, tiến tới ngăn chặn thất thu trong lĩnh vực này.
6.Số hóa toàn diện công tác quản lý, giảm thiểu thủ tục hành chính thuế
Kiên định phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”, trong năm qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, từng bước chuyển đổi số một cách toàn diện.
Theo đó, ngành Thuế đã triển khai hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax) tới 99% doanh nghiệp đang sử dụng khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử; triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; kết nối trao đổi thông tin với các bộ/ngành, các đơn vị, tổ chức bên ngoài nhằm mục tiêu xã hội hóa các dịch vụ về thuế bằng phương thức điện tử... Việc số hóa toàn diện công tác quản lý thuế đã góp phần giảm đáng kể thủ tục hành chính (thủ tục hành chính) thuế.
Theo thống kê, từ cuối năm 2021 đến nay, số thủ tục hành chính đã giảm từ 304 xuống còn 234 thủ tục, trong đó 103/234 thủ tục đạt mức độ 3-4 và 97/103 thủ tục được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tương ứng đã tiết kiệm trên 524 tỷ đồng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả này đã vượt mục tiêu theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
7. Triển khai bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong toàn ngành
Năm 2022, Tổng cục Thuế đã ban hành kế hoạch triển khai bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, theo Quyết định 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ chỉ số được xác định dựa trên 5 nhóm chỉ số thành phần, gồm công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết công việc; số hóa hồ sơ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; mức độ hài lòng.
Để thực hiện bộ chỉ số, các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm cập nhật tình trạng hồ sơ, tiến độ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng thời gian quy định, đồng bộ dữ liệu trên Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua phương thức điện tử… Đặc biệt, Tổng cục Thuế còn triển khai việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp thông qua hệ thống giám sát, đánh giá tự động theo thời gian thực. Kết quả đánh giá sẽ được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Tài chính và của Tổng cục Thuế.
Với việc triển khai Bộ chỉ số này, ngành Thuế cho thấy quyết tâm nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, chuyển đổi từ cơ quan quản lý hành chính trở thành người bạn đồng hành của người nộp thuế.
8. Kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Trong năm 2022, Tổng cục Thuế tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức của 4 đơn vị là Cục Thuế doanh nghiệp lớn; Cục Thanh tra-Kiểm tra thuế; Cục Kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo & phòng chống tham nhũng; và tăng cường một số phòng chức năng thuộc Văn phòng Tổng cục Thuế theo Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, cùng với việc thành lập các phòng, ban chức năng, Tổng cục Thuế đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo của 4 đơn vị nhằm đảm bảo hoạt động độc lập trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ được giao.
Mặt khác, với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, thông thạo nhiều lĩnh vực ở nhiều vị trí khác nhau, cùng với việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm cho cán bộ công chức, toàn ngành Thuế đã thực hiện luân chuyển, luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cho hơn 3.479 lượt công chức, viên chức; tăng cường kỷ cương kỷ luật, tính minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động công vụ; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cấp cơ quan thuế và mỗi cá nhân trong xử lý công việc; đồng thời tiếp tục rà soát, xây dựng phương án điều động cán bộ trẻ xuống địa phương để rèn luyện, tích lũy thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của ngành Thuế.
9. Ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC)
Để thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến Hiệp định thuế theo Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 10/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Rà soát đánh giá hiệu quả của các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tác động đối với không gian chính sách thuế của Việt Nam và định hướng điều chỉnh”, trong năm 2022, sau khi hoàn tất thủ tục rà soát về bảo mật dữ liệu người nộp thuế và nhận được thư mời của Tổng thư ký OECD, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận tham gia ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế(MAAC) nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý thuế.
Đây là khuôn khổ quốc pháp lý quốc tế đa phương toàn diện nhất, bao quát các hình thức hợp tác quốc tế về hành chính thuế để giải quyết trốn thuế, tránh thuế. Theo thống kê, đến nay đã có 144 nước ký MAAC, trong đó có 63 nước đã ký Hiệp định thuế với Việt Nam. Việc tham gia MAAC sẽ tạo tiền đề để Việt Nam ký thỏa thuận đa phương giữa các Nhà chức trách có thẩm quyền (MCAA) về trao đổi tự động thông tin tài khoản tài chính (CRS); báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CbC) và các quy tắc thuế để tạo điều kiện cho quá trình triển khai BEPS hành động 13 và 5 hiệu quả. Đồng thời, giúp gia tăng nhanh chóng mạng lưới trao đổi thông tin thuế với các bên tham gia MAAC.
Đây cũng là công cụ toàn cầu hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động hợp tác đa phương trong trao đổi thông tin và các hình thức hỗ trợ hành chính khác về thuế.
10. Tổ chức thành công cuộc thi Viết về thuế với thương mại điện tử
Sau 1 năm phát động, ngày 12/9/2022, dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Tạp chí Thuế đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Viết về thuế với thương mại điện tử”. Dù đây là lĩnh vực mới và khó, lại là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, song do tính cấp thiết, thời sự của chủ đề cuộc thi nên chỉ trong thời gian ngắn, giữa bối cảnh dịch bệnh, cuộc thi đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các phóng viên, nhà báo, các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp và người dân... trên cả nước, với tổng số 1.313 tác phẩm gửi về dự thi.
Qua 3 vòng tuyển chọn và chấm sơ khảo, chung khảo, Hội đồng chung khảo đã thống nhất lựa chọn ra 38 tác phẩm dự thi để trao giải, gồm 3 giải A, 5 giải B, 10 giải C, 20 giải Khuyến khích; đồng thời trao giải Tập thể cho 5 đơn vị tham gia tích cực và có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt.
Tuy nhiên, vượt lên trên các giải thưởng, các bài viết tham gia cuộc thi đã góp phần giúp cơ quan chức năng phân tích đa chiều về thực trạng hoạt động thương mại điện tử và chính sách pháp luật quản lý thuế trong lĩnh vực này; làm rõ các phương thức giao dịch, phương tiện thanh toán; quy mô hoạt động của các ngành, lĩnh vực có hoạt động thương mại điện tử, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực, giúp cơ quan thuế có định hướng nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các giải pháp, đưa chính sách thuế với thương mại điện tử phát huy hiệu quả trong cuộc sống.