Về huyện Bố Trạch, nghe chuyện dân giúp dân

Như là sự đắp bù độ lượng của tạo hóa, để đặt chân đến các thôn bản xa xôi, nghèo khó nhất của huyện Bố Trạch (Quảng Bình), người ta sẽ được đi qua những cung đường tuyệt đẹp như trong cổ tích. Những ngày này, bản làng như được khoác tấm áo mới bởi sự đổi thay mỗi ngày. Người miền xuôi về với bà con miền ngược để cùng nhau viết tiếp câu chuyện gắn kết thiêng liêng nghĩa đồng bào, chuyện về sự san sẻ thương yêu khởi nguồn từ sáng kiến Mỗi xã giúp mỗi bản...
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ chính quyền "ba cùng" với bà con dân tộc Arem ở Bản 39. Ảnh: Mạnh Trường
Cán bộ chính quyền "ba cùng" với bà con dân tộc Arem ở Bản 39. Ảnh: Mạnh Trường

Sống sót giữa rừng già

Từ km0 của đường 20 Quyết Thắng, cửa ngõ vào vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, dọc con đường độc đạo xuyên tâm qua rừng già, miết mải đến km61 là vành đai biên giới Việt-Lào, thuộc địa bàn hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch, là nơi sinh sống của bà con dân tộc Chứt và Bru-Vân Kiều gồm các tộc người Arem, Rục, Mày, Sách, Khùa, Ma coong, Trì... Quãng đường 100km từ quốc lộ trung tâm huyện đến vành đai biên giới Việt-Lào chỉ đi mất hơn hai giờ đồng hồ, điều gần như không tưởng so với chục năm về trước.

Đường 20 Quyết Thắng vốn là một trong những tuyến đường khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên dải đất miền trung. Để tránh bom đạn, đồng bào Arem ở Tân Trạch, Thượng Trạch vốn sống rải rác trong rừng đã rủ nhau vào hang đá nương náu. Năm 1966, bộ đội biên phòng tìm thấy họ trong tình trạng rách rưới đói khát. Sau nhiều ngày tháng kì công tìm cách tiếp cận, hỗ trợ gạo, thuốc men, quần áo, bộ đội ta đã tạo được lòng tin cho đồng bào, thuyết phục họ rời hang về dựng nhà lập bản, ổn định cuộc sống. Bộ đội hướng dẫn bà con làm nương trồng lúa xây dựng cuộc sống...

Bà con Arem vẫn hay nhắc đến một người với sự yêu quý và biết ơn sâu sắc - cố Bí thư Huyện ủy Bố Trạch Nguyễn Hồng Thanh. Ông là người giành nhiều tình cảm và tâm huyết để góp phần thay đổi diện mạo ở rẻo đất này. Bà con Arem vẫn ghi lòng tạc dạ hình ảnh ông Bí thư thương dân, không ngại khó khăn, miệng nói tay làm, sẵn sàng xắn quần lội ruộng dạy bà con cách trỉa giống, trồng cây. Ông từng đưa mẫu đất về xuôi đặt hàng kỹ sư trồng trọt nghiên cứu để tìm sinh kế phù hợp cho bà con. Cố Bí thư Nguyễn Hồng Thanh là người chọn nơi ở mới để thuyết phục bà con di dời, là bản 39 nơi bà con đang ở hiện nay...

Về huyện Bố Trạch, nghe chuyện dân giúp dân ảnh 1

Có cổng chào, hàng rào kiên cố, Bản Cà Roòng 2 có một diện mạo mới. Ảnh: Trần Trung


"Ba cùng" với bà con

Huyện Bố Trạch được đánh giá là một trong những địa phương luôn tổ chức triển khai tốt công tác dân vận khéo, bởi một phần các cán bộ chính quyền được kế thừa lớp người đi trước dày dạn kinh nghiệm. Bố Trạch từng trở thành hiện tượng trong những năm 2008 khi là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành việc xóa nhà tạm - thành tích mang đậm dấu ấn những người cán bộ tận tình, trách nhiệm, thương dân, bởi họ hơn ai hết thấm thía câu Chủ tịch Hồ Chí Minhtừng dạy, dân vận khéo thì việc khó mấy cũng xong...

Ông Hoàng Thanh Cảnh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, luôn nhớ về những ngày tháng còn hoạt động ở huyện với tình cảm ấm áp, sâu sắc. Năm 1999 khi là Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên, ông được lãnh đạo huyện giao nhiệm vụ đưa 11 đứa trẻ Arem từ bản 39 về xuôi nuôi nấng, dạy chữ với mong muốn đào tạo thế hệ con em Arem có tri thức xây dựng bản làng giàu mạnh. Đinh Linh, Đinh Khin, Ynót... những em bé Arem theo xe bác Cảnh về xuôi học chữ năm đó, giờ đều là cán bộ kỳ cựu chuyên trách của xã. Tuy còn phải học hỏi kèm cặp nhiều nhưng là những người con của bản làng, hơn ai hết họ thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con để đề đạt lên cấp ủy kịp thời...

"Đó là những ngày hoạt động vất vả nhọc nhằn nhưng cũng đầy sôi động với chúng tôi. Tháng nào lãnh đạo huyện và anh em cũng cơm đùm gạo bới lên với bà con. Thời đó, chúng tôi thường đi công tác miền núi bằng xe zil ba cầu đầu tời, hoặc chiếc u-oát cánh cửa rung nảy long sòng sọc mỗi lần bò lên dốc. Mặc dù chưa đến trăm cây số nhưng nếu đường sá hanh thông thuận lợi thì gần cả ngày đường chúng tôi mới lên đến nơi, không may xe chết máy bất thình lình thì cũng là... chuyện thường ngày. Cho nên, mỗi chuyến đi về từ huyện lên xã ngắn cũng phải vài ngày. Đời sống bà con lúc đó còn thiếu thốn đủ thứ, anh em lần nào lên cũng tiện xe gom từ cuốc xẻng, lưới bắt cá, đến áo quần, chăn màn... để mang lên chia cho bà con", ông Hoàng Thanh Cảnh bồi hồi xúc động kể lại những ngày gian khó, cứ như mới đây thôi...

Bám trụ, lăn lộn với địa phương là cách những người cán bộ huyện Bố Trạch đã thành nếp từ trước đến nay cứ thế mà làm. Anh Nguyễn Hương Lâm, Phó Bí thư xã Tân Trạch được điều động lên đây chưa đầy một năm nhưng bà con yêu quý, có việc gì cũng gọi hỏi ý kiến bác Lâm, dù anh mới chỉ ngoài 30.

Lan tỏa tình nhân ái từ sáng kiến mỗi xã giúp mỗi bản

Với diện tích đất tự nhiên 2.124km2, trong đó có 22 bản dân tộc thiểu số trên tổng số 25 xã và 3 thị trấn, huyện Bố Trạch dù có quỹ đất rộng nhưng đồi núi có độ dốc lớn, là vùng thường xuyên hứng chịu thiên tai bão lũ, cho nên đời sống sinh hoạt và sản xuất bà con luôn đối mặt với khó khăn. Sáng kiến Mỗi xã giúp mỗi bản tuy mới hình thành, đi vào cuộc sống từ tháng 6/2022, thời gian chưa dài nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả, trở thành điểm sáng trong phong trào dân vận khéo toàn tỉnh năm qua. Ông Trần Văn Thăng, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Bố Trạch cho rằng, sáng kiến này được nhân dân hồ hởi đón nhận, tham gia nhiệt tình bởi nó khơi gợi được tinh thần yêu thương gắn bó chia sẻ vốn luôn tiềm ẩn trong mỗi người dân. Đến nay, toàn huyện đã huy động được gần 2,7 tỷ đồng từ nhân dân các xã hỗ trợ cho 22 bản. Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, cách phân công hỗ trợ của lãnh đạo huyện cũng linh hoạt: xã mạnh giúp bản yếu, xã yếu giúp bản ít khó khăn, từ đó có sự nhịp nhàng, sáng tạo trong quá trình triển khai. Các hạng mục được quan tâm đề xuất hỗ trợ nhiều nhất ở hầu hết các bản là đường bê-tông dân sinh, điện chiếu sáng, công trình nước sạch, bình chứa nước, nhà sinh hoạt cộng đồng, chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ cây, con giống... Cách làm chung của các xã vẫn là phân công người đến bản khảo sát, trò chuyện, lắng nghe tìm hiểu thực tế bà con bản đang thiếu gì, cần hỗ trợ gì. Trên cơ sở kết quả khảo sát, các xã xây dựng phương án hỗ trợ, số tiền dự kiến... từ đó mới kêu gọi bà con hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm trên địa bàn và con em đang sinh sống ở mọi miền chung tay hỗ trợ.

Cờ Đỏ, một trong những bản xa xôi khó khăn nhất của xã Thượng Trạch được phân công cho thị trấn Hoàn Lão - đơn vị mạnh nhất toàn huyện, hỗ trợ. Quá trình khảo sát cho thấy, bản đang gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt, đặc biệt vào mùa khô, ban chấp hành thị trấn thống nhất hỗ trợ đặt 6 điểm cấp nước sạch ở những nơi thuận lợi cho bà con. Bên cạnh đó, những khoảnh vườn dựng cọc bê-tông, xây rào lưới bảo vệ. Đi quanh bản, đã thấy các loại cây ăn quả mới trồng đang bén rễ... Hiện các hạng mục đề xuất hỗ trợ của năm 2022 đã hoàn tất với tổng số tiền hỗ trợ lớn nhất toàn huyện (hơn 150 triệu đồng). Dự toán cho kế hoạch hỗ trợ năm tới trên 100 triệu đồng cũng đã được ban lãnh đạo thị trấn lên phương án đề xuất.

Đến bản 39 của bà con Arem, dễ nhận thấy sự thay đổi bởi toàn bộ đường đi lối lại trong bản đã được đổ bê-tông sạch đẹp, khang trang. Những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thời gian qua cũng được quan tâm động viên... Đó là kết quả của chính quyền và bà con xã Đại Trạch sau nhiều lần đi lại hỗ trợ cả công sức và tiền bạc kêu gọi đóng góp. Bản Nôồng Mới (xã Thượng Trạch) bà con Bru-Vân Kiều phấn khởi vì được xã Lý Trạch hỗ trợ tu sửa nhà sinh hoạt cộng đồng đẹp đẽ, khang trang, mua sắm trang bị thêm bàn ghế, dựng cột đèn chiếu sáng... Tương tự, xã Trung Trạch giúp bản Nịu (Thượng Trạch) nhiều hạng mục thiết yếu trị giá khoảng 90 triệu đồng, gồm các công trình tu sửa nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng; hệ thống nước sạch phục vụ sinh hoạt; xây chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ con giống, hạt giống rau củ, trồng thêm các giống cây ăn quả, tổng vệ sinh môi trường... Được tiếp sức, bước đầu, bản Nịu đã thay da đổi thịt, bản làng khang trang sạch đẹp thấy rõ. Các tổ chức đoàn thể cấp thôn bản hoạt động hiệu quả hơn trong việc tuyên truyền, vận động và cùng với đồng bào phát huy được tinh thần tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình để thoát nghèo.

Nói về sáng kiến Mỗi xã giúp mỗi bản, ông Trần Văn Thăng cho hay, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo mô hình theo hướng cho dân cần câu, không cho con cá để người dân thay đổi tư duy trong cách thức làm ăn. Về đến từng thôn làng, ngõ xóm, thấy cách làm của huyện Bố Trạch, càng thấy thấm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Đảng bộ và nhân dân huyện Bố Trạch đã vận dụng linh hoạt khéo léo lời dạy của Người vào thực tế, tự nhiên như cuộc sống vốn có vậy.