Suy giảm giao dịch thương mại trong nước
Đây không phải là thông tin duy nhất gây chú ý. Từ đầu năm nay, nhiều địa chỉ không gian nghệ thuật mới mở một thời gian ngắn, với những tuyên ngôn rộn ràng ban đầu về tầm nhìn, lộ trình và sự hào sảng của nhà đầu tư chiến lược cũng đã sớm rơi vào im ắng. Không hoạt động trưng bày mới, cũng không thực hiện lời hứa ưu tiên mua tác phẩm được chọn trưng bày của nghệ sĩ.
Một vài gallery được vận hành theo hướng chuyên nghiệp, có thời gian hoạt động dài, bền bỉ vẫn cố gắng duy trì tổ chức triển lãm cá nhân cho họa sĩ/nghệ sĩ thị giác song số lượng tác phẩm được giao dịch công khai trong thời gian diễn ra triển lãm không nhiều, chỉ tồn tại một vài “chấm đỏ” đính kèm tác phẩm có kích thước nhỏ, đồng nghĩa chi phí giao dịch ở mức thấp.
Bên cạnh đó, số lượng giao dịch tác phẩm ký gửi tại các gallery được gọi là chuyên nghiệp hoặc tại các cửa hàng nghệ thuật (art shop) nhìn chung cũng có dấu hiệu suy giảm. Nhiều nghệ sĩ chia sẻ với chúng tôi thông tin chung về việc “lâu lắm, không nhận được khoản thanh toán nào” từ nơi mà họ ký gửi tác phẩm, khác hẳn hai năm 2022 và 2023.
Điều cần nhắc lại là số lượng trung tâm/không gian/gallery mỹ thuật hoạt động theo chiếu hướng bài bản, chuyên nghiệp ở Việt Nam không nhiều, chỉ chưa tới 10 điểm và chủ yếu hiện diện tại 2 trung tâm lớn về hoạt động văn hóa nghệ thuật là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Số lượng địa phương có hoạt động của các cửa hàng nghệ thuật cũng tương tự vậy.
Số lượng tác giả/nhóm tác giả tự chịu mọi chi phí tổ chức triển lãm, thuê không gian trưng bày tại một số địa chỉ quen thuộc như Khu triển lãm chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật (Hà Nội), Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh... cũng có phần suy giảm và tại đó, lượng giao dịch công khai được thể hiện qua “chấm đỏ” đính bên cạnh tác phẩm cũng thưa vắng hơn so hai năm trước.
Trên các nền tảng truyền thông trực tuyến vốn được giới mỹ thuật trong nước đặc biệt tận dụng để tiếp thị, quảng bá hình ảnh tác phẩm, giao dịch mua-bán cũng trầm lắng hẳn.
Trong các năm 2022-2023, từ khóa ngắn gọn nhưng có sức nặng truyền thông, như “SOLD” (đã bán) gắn với hình ảnh tác phẩm thường xuyên hiện ra trên trang cá nhân của các họa sĩ/nhà điêu khắc hoặc trong các nhóm công khai giao dịch tranh. Nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, sự xuất hiện này thưa vắng hẳn. Có họa sĩ tự “bán hàng online” thành thật chia sẻ với chúng tôi, rằng phía sau vẻ hào nhoáng của các bài đăng trên facebook là sự chấp nhận giảm đến nửa giá bán, miễn phí khung tranh và cả phí gửi, khiến cho số tiền thật sự thu lại từ một giao dịch “không đáng là bao”, may thì đủ cầm cự trả tiền thuê xưởng vẽ qua ngày.
Nguyên nhân dường như ai cũng biết
Không gian trưng bày triển lãm “Strata” tại Work Room Four (Hà Nội). |
Lý do dẫn đến tình trạng suy giảm nói trên khá nhiều và mang tính đặc thù cao ở từng dạng giao dịch thương mại, bởi sự tinh tế vốn có của mỹ thuật. Qua trao đổi với nhiều bên tham gia lĩnh vực này, chúng tôi có thể liệt kê môt số nguyên nhân cơ bản chung như sau:
Thứ nhất, sau một thời gian ngắn bung tỏa chi tiêu cho nhu cầu thụ hưởng văn hóa như một cách lấy lại cân bằng tinh thần sau đại dịch Covid-19, nhiều khách hàng cá nhân thấy đã đến lúc cần điều tiết lại tỷ trọng chi tiêu cá nhân, ưu tiên cho các chi phí căn bản và tích lũy, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn, khó khăn.
Ở góc độ khác, nhân lúc này, một số nhà sưu tập/đầu tư nghệ thuật chọn thanh lọc bộ sưu tập/nguồn hàng của mình, chấp nhận bán ra với giá thấp hơn nhiều so kỳ vọng ban đầu. Việc này góp phần hút dòng tiền đầu tư cho nghệ thuật, khiến các giao dịch tác phẩm mới thêm trầm lắng.
Thứ hai, việc tài trợ, đầu tư cho hoạt động văn hóa nghệ thuật ở trong nước, trong đó có mỹ thuật lâu nay vẫn là dạng đầu tư theo sở nguyện cá nhân mà phần nhiều là biệt lệ chứ chưa nằm trong chiến lược đầu tư kinh doanh bài bản của bất kỳ một tập đoàn tài chính, kinh doanh đa ngành hay doanh nghiệp tư nhân nào. Vì là mong muốn cá nhân nên phần nhiều phụ thuộc vào cảm hứng của chủ doanh nghiệp cùng điều kiện tài chính cũng như cơ hội kinh doanh đi kèm của họ.
Trong thời gian qua, việc “đóng gói” lại hay tạm dừng bổ sung tác phẩm mới cho bộ sưu tập nghệ thuật của tập đoàn kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng A, tập đoàn bất động sản B hay việc đình trệ kế hoạch đầu tư thành phố nghệ thuật/trung tâm/bảo tàng nghệ thuật của Tập đoàn kinh doanh đa ngành C... là điều mà giới mỹ thuật đều âm thầm nhận thấy.
Thứ ba, đây là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù, rất cần địa điểm vật lý và nhân sự phục vụ để khách thỏa mãn nhu cầu trực tiếp thưởng lãm tác phẩm mỹ thuật trước khi quyết định sở hữu. Chi phí cho việc thuê địa điểm và nhân sự, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và dàn dựng qua mỗi kỳ tổ chức triển lãm thường rất lớn, chiếm tới 60-70% tổng dự toán ban đầu và loại chi phí này chỉ thay đổi theo chiều hướng tăng lên. Trong khi đó, doanh thu từ việc bán tác phẩm, bán vé tham quan, kinh doanh các sản phẩm phụ trợ lại gần như phụ thuộc vào công chúng/đối tác nên phần nhiều là bất định. Chính vì vậy, việc duy trì sự ổn định về địa điểm đồng thời với việc trường vốn đầu tư, sẵn sàng chấp nhận bù đắp rủi ro trong tối thiểu 5 năm đầu tiên được coi là thách thức lớn nhất đối với chủ nhân của bất kỳ không gian nghệ thuật nào, mà câu chuyện mở đầu bài viết chỉ là một thí dụ mới nhất.
Trước đó, sau nhiều lần phải đổi dời địa điểm, chủ nhân các không gian/gallery đình đám The Factory, Art Vietnam Gallery, Hanoi Studio Gallery đều đã quyết định dọn về tư gia để bảo đảm sự ổn định. Có gallery ở Hà Nội đã ba lần thay đổi địa điểm sau chưa đầy 5 năm hoạt động và kể từ đầu năm 2024, địa chỉ này giảm hẳn tần suất trưng bày triển lãm trực tiếp. Thay vào đó, họ duy trì hoạt động qua lịch hẹn trước và cung cấp đa dạng thông tin nghệ thuật trên fanpage.
Gợi ý giải pháp để thị trường ổn định, bền vững hơn
Khách tham quan triển lãm tại The Outpost. Ảnh | The Outpost |
Có thể nói, nốt trầm trong bản nhạc “giao dịch thương mại” về mỹ thuật trong nước hiện nay cũng là cần thiết, để tất cả các bên có dịp lắng nghe lại nhu cầu, sở nguyện của chính mình khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh đặc thù này.
Điều đáng nói là ở góc độ vĩ mô, nốt trầm ấy lại làm khởi lên những đề xuất về chính sách nền tảng trong quản lý và hỗ trợ các bên tham gia thị trường mỹ thuật trong nước, để thị trường này được phát triển một cách bền vững hơn.
Chẳng hạn, đã đến lúc, chính quyền 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần xem xét việc lập một khu vực tập trung các gallery, không gian nghệ thuật, tương tự như khu vực quận nghệ thuật (art district) ở nhiều đô thị lớn trên thế giới và dành cho họ những ưu đãi về thuế các loại và sự ổn định địa điểm lâu dài trong hoàn cảnh tái định hình hệ sinh thái các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, giai đoạn từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Song hành với đó là việc mở lối cho sự thành lập các quỹ đầu tư nghệ thuật với phần ưu đãi về thuế doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư lâu dài cho nghệ thuật.
Công cụ thuế và ràng buộc từ các chính sách ưu đãi sẽ giúp giới chức quản lý xác lập và thống kê hoạt động đầu tư/thương mại trong lĩnh vực này theo hướng minh bạch, thúc đẩy sự phát triển thực chất của thị trường đầy tiềm năng này. Đặc biệt, khi các giao dịch minh bạch được xem như nguồn dữ liệu xác tín cho việc cầm cố tài sản là tác phẩm nghệ thuật tại ngân hàng, sự vận hành của thị trường mỹ thuật trong nước chắc chắn sẽ đi đúng hướng, thoát khỏi cảnh trồi sụt tự phát như lâu nay.