Nguyễn Vĩnh Tiến:

“Tôi là người bay ra khỏi mọi cái hộp”

Sinh năm 1974, quê Phú Thọ, sống tại Hà Nội. Nguyễn Vĩnh Tiến học kiến trúc, là kiến trúc sư, tuy nhiên anh lại ghi dấu và được biết đến nhiều ở lĩnh vực âm nhạc, thơ ca. Sau tập thơ đầu tiên cách đây hơn 20 năm, anh vừa mới tập hợp và cho ra mắt tập thơ gần 300 trang mang tên “Hỗn độn và khu vườn”. Nhân dịp này phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trò chuyện về nghề với Nguyễn Vĩnh Tiến - người tự họa chân dung mình là kẻ: Mơ màng chính sự/ Kẻ vẽ làm thơ/ Nhiều lúc lơ mơ/ Thì viết nhạc.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến (bìa trái) trao đổi cùng tác giả bài viết.
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến (bìa trái) trao đổi cùng tác giả bài viết.

Thơ với anh là gì và nó hiện hữu trong cuộc sống của anh như thế nào?

Nếu tính từ năm 8 tuổi với bài thơ đầu tiên: Nhà em có chú chim câu/ Mình đen cổ trắng, mắt nâu dịu hiền thì đến nay tôi có 42 năm song hành cùng thơ ca. 42 năm đó, lúc nào thơ cũng hiện hữu. Nói gì cũng là Thơ, hành động gì cũng là viết Thơ, yêu ai cũng là yêu Thơ... Như vậy, việc làm thơ cũng giống như một kỹ năng, không có gì cao siêu cả. Nếu mà bạn có kỹ năng về thể thao, thì thể thao sẽ ngấm vào bạn, bất kỳ ở tuổi nào. Tương tự như vậy, bạn có kỹ năng về âm nhạc thì âm nhạc sẽ thấm vào bạn và kích thích phần não bộ phát triển kỹ năng đó. Thơ ngấm vào tôi và trở thành một "bản năng mới". Một thứ bản năng vừa mê đắm vừa đầy ắp những cảm giác về nỗi buồn và những hoang mang...

Ngoài bản năng chắc còn có sự cố gắng rèn luyện, bồi đắp, tích lũy chứ?

Ở câu hỏi của bạn có hai từ tôi muốn lưu ý, đó là cố gắng, và tích lũy. Cố gắng ở đây, thứ nhất, luôn cố gắng làm bài thơ sau phải hay bài thơ trước. Cố gắng thứ hai, là không giống những nhà thơ nổi tiếng trước, người ta hay rồi mình không được phép giống nữa, mình cố để khác người ta. Cái cố thứ ba là cố sáng tạo ra cái mới, bắt kịp hoặc dự cảm về thời đại, về tương lai... Tôi giống như người leo bậc thang ấy, cố gắng leo lên dù đó có thể là đỉnh núi băng giá và lạnh lẽo...

Còn tích lũy liên quan đến sự học và đọc không ngừng nghỉ. Bởi vì từ cậu bé trở thành chàng trai, sau đó trở thành người đàn ông là cả một quá trình phát triển. Thế thì chàng trai ấy phải tích lũy kiến thức và vốn sống chứ không thể sống bằng bản năng được, không thể sống bằng cảm xúc được. Phải sống và phải tích lũy cái tri thức mới của nhân loại. Cho nên để làm thơ hay không phải bạn chỉ dùng bản năng, cảm xúc mà phải tạo ra cái mới từ những vỉa quặng quý trong kiến thức không ngừng phong phú và sâu sắc của con người.

“Tôi là người bay ra khỏi mọi cái hộp” ảnh 1

Thơ có phải là một con đường anh đang đi trên đó và muốn đi về phía đích?

Câu trả lời là không. Với tôi, Thơ không phải là một con đường, cũng không phải là một cái đích. Bởi vì suốt cả một chặng đường bốn thập niên tôi đã từng có biết bao nhiêu mơ mộng và hoài bão. Tôi là dân chuyên Toán thì ước mơ đầu tiên là trở thành nhà toán học chứ. Sau đó thì tôi lại thích lan man sang hình học không gian, rồi học kiến trúc, mơ mình thành kiến trúc sư giỏi. Đến tuổi sinh viên mới thấy chính trị hấp dẫn, hoạch định chính sách rất là hay, trở thành nhà chính trị lỗi lạc mới là đích đến đáng giá của cuộc đời chứ? Thế rồi sau lại đến âm nhạc, cũng muốn tạo ra những đỉnh cao này nọ nhưng rồi tất cả các “đích” đó, cũng chưa hẳn đã đúng với năng lực và phẩm chất của mình. Để rồi bây giờ, cứ thanh thản sống, không quan trọng đường hay đích nữa, mà chỉ biết nỗ lực mỗi ngày, sức đến đâu làm đến đó.

Như vậy tất cả các ước mơ đều có thể thay đổi theo quá trình bạn lớn lên. Tôi cũng chả có gì phải xấu hổ khi thú nhận rằng là tôi có quá nhiều tham vọng, quá nhiều ước mơ, đôi khi khá hỗn loạn. Nhưng mà trong cái hỗn loạn đấy thì Thơ vẫn cứ đến nhẹ nhàng, dịu dàng, đôi khi như là hơi thở, như thiên nhiên, nhẹ thơm như một bông hoa lạ, quyến rũ như ảo ảnh, hư ảo xa xôi như ánh trăng dịu dàng bên mình và giúp cho tâm hồn cân bằng lại. Bởi vì nếu con người cứ hừng hực tham vọng mãi lúc nào cũng như ngọn núi lửa phun trào thì sẽ không thể cân bằng nổi mà sẽ nhanh chóng trở thành đám tàn tro. Nhưng đối với tôi, Thơ lại giúp cho ngọn núi lửa trở thành con người, một con người với khu vườn giác quan mẫn cảm. Đấy là cảm giác rất thật.

Nhìn lại một chút, mấy chục năm qua, anh thấy thơ anh lúc ấy và bây giờ thế nào?

Đó chính là câu chuyện của "Hỗn độn và khu vườn". Tức là tập thơ này bắt đầu khởi hành cùng tôi từ năm 20 tuổi cho đến nay 50 tuổi, nghĩa là ba mươi năm đồng hành chữ. Một tập thơ gần ba trăm trang, mô tả, giãi bày, tưởng tượng, ước ao trong 30 năm. Khi giở bất kỳ trang nào ra tôi đều ngỡ ngàng không hiểu sao mình từng có suy nghĩ như thế và hoàn toàn thấy tươi mới, thấy con người mình như dòng sông có nhiều quãng, bạn vớt được quãng nào cũng có một chút lấp lánh của thời gian in dấu. Và tôi cũng ngạc nhiên là tại sao mình không thống kê, không đi sâu nữa và tôi luyện một phong cách đặc trưng rồi biến nó thành một sản phẩm khổng lồ. Nhưng mà tất cả những cái khái niệm ấy trên dòng sông của sự đổi thay, đều vô nghĩa hết. Không có sự khổng lồ nào cả, chỉ có sự lấp lánh của hiện thực thôi, có nghĩa tất cả hiện thực đã trôi qua đều li ti, lấp lánh và đều là những cảm xúc đáng trân trọng. Mình đừng nghĩ rằng mãi về những khái niệm to, nhỏ, hay vĩnh hằng. Chỉ có sự trôi đi, mất đi mới là vĩnh hằng.

“Tôi là người bay ra khỏi mọi cái hộp” ảnh 2

Bìa tập thơ mới xuất bản cùa nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến.

Chữ “tôi luyện” anh vừa nhắc khiến tôi nghĩ tới sự thực hành chuyên nghiệp, nghiêm túc của người viết trên con đường chữ nghĩa. Còn anh có vẻ như phủ nhận điều đó trong nghề?

Khi bạn chuyên vào một cái nghiệp là bạn chú trọng, chuyên cần, tập trung quãng thời gian dài vào một việc hay một cái nghiệp gì đấy, có nghĩa là bạn nhốt mình vào một cái lồng hay một cái hộp. Nếu bạn là nhạc sĩ chuyên nghiệp, chắc chắn bạn sẽ trong một cái hộp nhạc. Nếu bạn là bác sĩ chuyên nghiệp, bạn sẽ nhốt mình trong các phòng khám và bệnh viện. Hoặc nếu bạn chuyên nghiệp về tài chính, thì bảng biểu và các con số sẽ nhốt bạn. Thật vừa rủi ro và cũng là may mắn, tôi là người bay ra khỏi mọi cái hộp. Tôi phá bỏ mọi chiếc hộp và thích mở tâm hồn ra vô tận. Chỉ cần đập mạnh đôi cánh, là tự do tràn khắp bầu trời...

Đọc tập thơ, tôi thấy hình như anh muốn xóa nhòa ranh giới các thể loại, khái niệm, trong một nội dung và hình thức vừa truyền thống vừa hiện đại, phá cách?

Tôi thấy cả hai khái niệm “truyền thống” và “hiện đại” đều được trộn lẫn vào nhau trong tập thơ này. Giống như một viên gạch, bạn sẽ không thể tìm thấy đất, cũng không thể tìm thấy nước, nhưng bạn sẽ thấy nó là một tổng hòa, có ý nghĩa. Không nên tách bạch truyền thống và hiện đại cũng như không nên tách bạch các thể thơ nữa. Hình thức không quan trọng, thể loại cũng không quan trọng mà quan trọng là cái phong cách “tự do mới”. Sự “tự do mới” đây không phải là cái thể thơ tự do, không vần, hoặc thơ văn xuôi theo các định nghĩa của mấy chục năm trước, mà cái "tự do mới" này là bạn thích làm cái gì cũng được miễn là nó là một khối xúc cảm, một khối chuyển động, một khối sáng tạo. Thế thôi, nó là một thực thể mới, là thực thể Thơ, trong đó có thể đưa vào đó mọi thể loại từ thư 4 chữ, 5 chữ, lục bát, v.v. miễn là nó hay, lay động và thôi thúc người đọc tưởng tượng, nghiền ngẫm và cảm thấy sự đa tầng hơn của cuộc sống.

Lao động chữ nghĩa với anh cũng đầy gian nan, khổ ải, nó phải luyện tập và bồi đắp hằng ngày?

Luyện chữ như là luyện võ công. Nếu luyện một cách thông thường thì bạn chỉ là giữ gìn sức khỏe hoặc giao hữu cho vui. Còn nếu bạn luyện võ công đến mức thâm hậu ấy thì khi đó sẽ có tuyệt chiêu. Trong thơ cũng thế, bạn muốn là kẻ sáng tạo, muốn có tuyệt chiêu thì bạn phải chấp nhận tất cả những cái sự hy sinh, sự đau khổ của cuộc đời bạn. Một lần em gái tôi hỏi làm thế nào để có thơ hay, tôi khuyên tốt nhất là không nên làm thơ hay, bởi vì có thơ hay thì sẽ đau khổ lắm, có thể rơi vào cái hố đen trầm cảm. Nên làm việc khác đi, đừng lao động chữ nghĩa quá nhiều. Sa chân vào một câu thơ, mà bơi mãi chẳng thấy bờ là sao...

“Tôi là người bay ra khỏi mọi cái hộp” ảnh 3

Thơ của anh đang ở đâu? Trong người đọc hay trong thế giới của riêng anh?

Tôi hay đăng thơ lên trang facebook cá nhân, như một sự chia sẻ cuộc đời. Việc có nhà xuất bản đề nghị tuyển tập lại và in, tôi cũng vui vẻ nhận lời thôi, vì sau tập thơ đầu tiên, “những bình minh khác”- 2002 cũng đã là 23 năm rồi. Tôi là một hội viên, nên cũng muốn có một thành quả nghệ thuật cụ thể đóng góp với Hội Nhà văn Việt Nam.

Anh có thường đọc thơ của các đồng nghiệp khác không? Thí dụ 10 năm lại đây chẳng hạn anh thấy thơ Việt Nam như nào, có ai hay, có gì để đáng suy nghĩ không?

Tôi có đọc chứ! Nhưng nói chung tôi thấy ít có những bài thơ, tập thơ, phong cách thơ, tác giả thơ nổi trội hẳn lên. Có lẽ là tất cả đều đang có vẻ đuối nước trong một biển thông tin ngày càng tăng theo cấp số nhân. Tôi hy vọng và hào hứng chờ những loài cây mới, chồi xanh mới trong khu rừng văn học nước nhà.

Vậy những gì anh viết trong “Hỗn độn và khu vườn” có phải là những chồi xanh mới như anh hy vọng không?

Mới hay cũ còn tùy vào cách đánh giá của độc giả và những nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Tôi chỉ cảm thấy mình cũng khá hạnh phúc khi được có một tuyển tập Thơ in đẹp như vậy.

Hình như tranh minh họa trong tập thơ cũng là tác phẩm màu nước anh vẽ?

Đúng rồi. Có một quãng thời gian từ 2017-2021 tôi vẽ rất nhiều tranh màu nước. Kỹ thuật vẽ tranh này cũng đem cho tôi những trải nghiệm và cảm giác rất tuyệt vời về các khái niệm: Độ loang, Ướt trong ướt, màu trong màu, v.v. và điều này cũng tác động luôn đến ca bút pháp Thơ và Ca khúc.

Giờ anh có tự tin về cuộc sống không? Và dự án nghệ thuật sắp tới?

Có tự tin, có hỗn loạn, nhưng giờ chắc tôi đang sang một cái ngưỡng khác. Cái ngưỡng bình an mới. Lắng nghe cơ thể, lắng nghe cảm xúc, lắng nghe tiếng nói của chính tâm hồn.

Dự án nghệ thuật sắp tới của tôi đó là hoàn thành và ra mắt Album "Cuốn Phim" với 12 ca khúc mới với giọng hát của ca sĩ Thanh Lam. Đây cũng là một tổng kết lớn về âm nhạc trong 20 năm qua. Và thông điệp cũng đơn giản thôi: Đó là hãy đừng quá mê mải xem những cuốn phim của người khác, hãy xem cuốn phim của chính cuộc đời mình, mà mình là nhân vật chính.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nguyễn Vĩnh Tiến sinh ngày 28 tháng 12 năm 1974 tại Phú Thọ, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 1996 và học cao học Pháp ngữ chuyên ngành "Thiết kế Đô thị với Di sản và Phát triển bền vững".

Nguyễn Vĩnh Tiến từng đoạt nhiều giải thưởng văn học ở Việt Nam như giải "Tác Phẩm Tuổi Xanh" - Báo Tiền Phong; Giải Thơ Hay 93 - Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh... Về chuyên ngành kiến trúc, anh nguyên là Trưởng khoa Kiến trúc Đại học Chu Văn An. Hiện nay Nguyễn Vĩnh Tiến vẫn đang tham gia các hoạt động về Kiến trúc và Quy hoạch đô thị với đề tài liên quan đến đô thị đa cực và mô hình thành phố trong tương lai.

Trong lĩnh vực âm nhạc anh được công chúng biết đến với thể loại nhạc dân gian đương đại và từng giành nhiều giải thưởng như:

• Giải "Ca khúc của tháng" do Hội đồng thẩm định và khán giả Chương trình Bài hát Việt số 4, tháng 7/2005, bình chọn với ca khúc "Bà tôi" qua sự thể hiện của ca sĩ Ngọc Khuê.
• Giải nhất dòng nhạc "Dân gian đương đại" năm 2005 của chương trình "Bài Hát Việt - 2005" với ca khúc "Giọt sương bay lên”.
• Giải "Bài Hát Ấn Tượng", chương trình "Bài Hát Việt", tháng 10/2007 với ca khúc "Ông tôi".
• Top 15 (Vòng chung kết) Bài Hát Việt 2009 với ca khúc: "Phố Thị".
• Giải Sáng tạo dành cho bài hát "Mẹ tôi và những thị xã vắng", chương trình "Bài hát Việt 2011”.