Ðường dài của Nguyên

Giữa “vườn khế” bảng lảng sắc màu ẩn sâu trong con ngõ yên bình ở Gia Lâm (Hà Nội), Nguyên đang nhẩn nha vẽ tiếp những giấc mơ bất tận. Cô gái trẻ, sinh ra ở núi rừng, lớn lên trong bản làng, mang khát vọng nghệ thuật được nâng niu bồi đắp từ ấu thơ về phố thị và từ tốn dệt nên cõi mộng tưởng của riêng mình, ngay ở vườn khế lồng lộng gió sông Hồng. Cô đúng chất một Gen Z, vừa mạnh bạo quyết liệt vừa hoang mang ngơ ngác, vừa tự biết việc mình làm, hành trình mình đi lại vừa muốn xuôi theo sự dẫn dắt của mộng mơ ngẫu hứng, tự tin nhấm nháp dư vị ngọt ngào trong chuỗi thực hành nghệ thuật mỗi ngày. Nguyên bình thản trên con đường chưa nhắm tới điểm đến, bởi cô còn nguyên vẹn một tương lai trước mặt…
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sỹ Nguyễn Trần Thảo Nguyên
Nghệ sỹ Nguyễn Trần Thảo Nguyên

Cuối năm 2023, Nguyễn Trần Thảo Nguyên tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. Chưa hề xuất hiện nhiều trước đó, cũng vừa dời ghế nhà trường không lâu, Nguyên chững chạc làm một solo trưng bày thành quả của chặng đường 3 năm lặng thinh làm việc.

Trái ngược với cái dáng vẻ mảnh khảnh bề ngoài và gương mặt đầy tố chất model, Nguyên chất chứa trong mình một nội tâm không hề yên tĩnh. Giống như vô vàn đứa trẻ trong thế giới này, cả tuổi thơ say sưa cầm bút chì sáp màu nguệch ngoạc tô vẽ thể hiện bất cứ giấc mơ nào ẩn hiện trong đầu, Nguyên làm quen với hội họa từ thuở mẫu giáo.

Nhưng có thể, vì có mẹ là họa sĩ, Nguyên ngay từ ấu thơ cũng đã khác biệt với lũ bạn cùng trang lứa. Những năm tháng sống ở Sơn La, rồi theo mẹ về Hòa Bình, cô bé con được đắm mình trong không khí tinh khôi hoang dại của núi rừng, bị mê hoặc bởi vẻ đẹp ma mị của núi rừng tây bắc đậm đặc như trong các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và không ngừng thêu dệt mộng tưởng đủ giấc mơ siêu thực.

Hội họa thời điểm ấy với Nguyên, cũng cốt sao bớt buồn giữa cái cảnh thui thủi một mình khi mẹ đi làm đi học hay thực tế hơn là vẽ lia lịa những bức tranh muôn hình vạn trạng ra giấy học sinh bán cho đám bạn làm bài tập mỹ thuật ở trường. Vào đại học, Hà Nội, dù đã nhiều năm, Nguyên vẫn ngác ngơ, vẫn nhớ núi nhớ rừng vẫn bị ám ảnh về nơi cội nguồn đậm đặc thanh âm, bản sắc. Lâu lâu hai mẹ con lại kéo nhau về ngôi nhà cũ ở Sơn La, ngủ một đêm cho vợi bớt nỗi niềm.

Chất hoang dã tự nhiên theo Nguyên về tận trường đại học, sinh viên mỹ thuật Yết Kiêu vốn dĩ đã “nghệ nguyên con”, cô gái nhỏ ba năm đầu chả mấy khi ló mặt lên lớp, thường xuyên bỏ tiết, bỏ giờ đi chơi, đi làm mẫu, chụp thời trang. Cũng may các thầy niệm tình cho nữ sinh cá tính biết “hối cải” đúng lúc, “quay đầu là bờ” kịp thời, hai năm cuối cắm mặt vào bài vở nên mới đàng hoàng tốt nghiệp đại học và còn đủ trình theo luôn chương trình thạc sĩ.

Thỉnh thoảng trong cái bộn bề đan xen ở phố, Nguyên biến mình thành phức tạp, lập ngôn và suy tư: “Ấm nóng hay lạnh căm thì bóng đêm ấy vẫn vỗ về và đu lấy tôi! Ngân nga đâu đó trong lớp âm vực lạnh ngắt, trong miên man hoang dại! Ngắt... sương đêm mờ và hơi lạnh! Ngộ... bất tận và lặng thinh”, rồi lại ngớ ra, trở về với những chân thành hồn nhiên vốn có.

Được thừa hưởng từ mẹ, họa sĩ Thu Trần một nguồn năng lượng ngút ngàn, nhưng cũng khác với mẹ - luôn hừng hực khí chất tinh thần ngay từ vẻ bề ngoài - họa sĩ Nguyễn Trần Thảo Nguyên giấu kín sức mạnh nội tâm ở thẳm sâu cõi lòng. Nguyên tưởng như rụt rè kiệm lời, hoặc giả những gì cần nói cô trút hết vào tác phẩm, sự quyết liệt đặt đúng nơi đúng chỗ, Nguyên ngay trong triển lãm cá nhân đầu tiên đã hiển hiện một dấu ấn, một gương mặt không bị lẫn với số đông.

Y như cách cô tự bộc bạch: “Mình là Nguyên! Trước giờ mình vẫn thường để tên là Dolly, cái tên này cũng theo mình rất nhiều năm, khoảng thời gian khá dài mình lang thang thử nhiều vai trò, du hí làm việc này việc kia, với cái tên Dolly, mình nghĩ rằng khoảng đó là một trải nghiệm đáng nhớ và để lại nhiều dấu ấn trong hành trình tìm kiếm bản thân, để xem mình sẽ là ai, làm gì trong cuộc đời đầy giông bão này! Cuối cùng mình cũng tìm ra được một lối đi, một điều gì đó để được theo đuổi. (Giống như những năm tháng tuổi trẻ muốn dốc lòng để sống, để làm một điều gì đó và để thời gian trôi đi mà không hối tiếc). Năm cuối của đại học là một bước ngoặt nhỏ trong hành trình đi tìm mình của mình! Mình tìm thấy một ngọn lửa ở bên trong chính mình dành cho nghệ thuật và nhen nhóm trong mình muốn thực hiện một triển lãm tranh của riêng mình!”.

Ðường dài của Nguyên ảnh 1

Mơ - tác phẩm của Nguyễn Trần Thảo Nguyên

Không hề là dễ dàng khi hai mẹ con từ rừng về phố, mẹ vẫn hằng ngày hằng tuần ngược Gia Lâm lên Hòa Bình dạy học cho đúng chức phận viên chức. Con một mình chật vật biến cái bản năng hoang dã thành trữ lượng cho sáng tạo, chứ không để nó cuốn đi theo chiều hướng vô vọng mất phương hướng. Không có con đường thành công nào mà không ghi nhận sự miệt mài lao động, Nguyễn Trần Thảo Nguyên lại quần quật ngày ngày.

Kết quả của nhiều năm ròng thực hành nghệ thuật, hay diễn giải theo cách chân phương nhất là chăm chỉ làm việc, dốc sức làm việc, Nguyên đã được quyền đưa ra tuyên ngôn nghệ thuật của mình bằng các tác phẩm nhiều rối nhiễu, giàu sức hút và đầy đặn với một nữ nghệ sĩ đang trong độ tuổi hai mươi.

Nguyễn Trần Thảo Nguyên đã đi qua một chặng đường dài, bỏ lại đằng sau những năm tháng u buồn chứng kiến nhiều tổn thương mất mát, cô gái trẻ trong khu vườn xanh mát ở ngoài đê sông Hồng, đang tự mình hiện thực hóa giấc mơ hội họa.

Trang trải cuộc sống bằng những phần việc ngoài chuyên môn: dạy vẽ, làm mẫu, thiết kế thời trang… để dành tâm huyết cho con đường dài: hội họa, cô gái sinh năm 1996 cứ nhẩn nha túc tắc, không vội vã cũng chẳng hấp tấp, từng phút từng giây bình thản với đam mê đã ngấm vào xương tủy.

Nghiêm ngắn lên kế hoạch cho những dự án mới mẻ, tiếp tục nuôi dưỡng, thắp sáng ngọn lửa được nhen lên từ đồng nghiệp - mẹ, Nguyễn Trần Thảo Nguyên thuộc về thế hệ những nghệ sĩ trẻ không lụy vào cái bản năng và tài năng trời phú, mà biết cách trau dồi tích lũy kiến thức, tri thức làm hành trang cho hành trình được hứa hẹn tít tắp xa.

Cô cũng thuộc về lứa họa sĩ, sẽ thoát khỏi định nghĩa truyền thống về những họa sĩ giá vẽ, đầu tư cho chính mình trở thành một nghệ sĩ đa phương tiện, một người làm chủ được cảm hứng sáng tạo và tận dụng được cả các công cụ kỹ thuật mới mẻ nhất của thời chuyển đổi số.

Tự chọn con đường đi của mình, tự chấp nhận đương đầu với những thách thức bủa vây, Nguyên cũng như nhiều nghệ sĩ Gen Z, hạnh phúc khi được tận hưởng khoái cảm tự do trong cả sáng tạo và đời sống, dù tự do ấy có lúc đánh đổi bằng tiếp tục lầm lụi một mình.

Ðường dài của Nguyên ảnh 2

Nguyễn Trần Thảo Nguyên và mẹ - họa sỹ Thu Trần

Những người trẻ ham muốn bày tỏ chính mình hơn là nhăm nhe một đích đến hanh thông gọn ghẽ, luôn biết cách ngăn nắp gọn gàng lại thành quả đã gặt hái được, để nhắm tới thách thức mới, một sự đổi mới, cách tân thậm chí phủ nhận lại chính thành quả đã có của mình. Cứ đi rồi sẽ thành đường, hơn là đặt bàn chân trên con đường mở lối sẵn, nghệ sĩ thị giác Gen Z Nguyễn Trần Thảo Nguyên đang tận hưởng tự do sáng tạo của chính mình…