“Dựng” xe tiết kiệm hơn nhiều so với sắm nguyên cái xe. Xe của tôi giống dáng Peugeot, ghi-đông hẹp khum khum, yên giả da mầu nâu hạt dẻ, khung mầu xanh da trời cũng in chữ “Peugeout” như thật. Để có tiền mua xe cho tôi, mẹ phải làm việc vất vả, lặng lẽ chắt bóp, giật gấu vá vai. Tôi vô tư đâu biết, may-ơ xích líp reo ro ro hí hửng lượn đến trường, rối rít khoe chúng bạn. Món quà của mẹ đã cùng tôi đi suốt tuổi mới lớn ẩm ương, đểnh đoảng, mưa nắng thất thường, hân hoan, mơ mộng.
Vào đại học chưa bao lâu, gần Tết, tôi mất xe. Xe dựng trước cửa nhà, quên khóa, trộm nhảy lên phóng vù đi. Hồi xưa mất xe đạp là cái nạn to. Tôi khóc mấy hôm, vừa tiếc, vừa buồn, nghĩ thương bố mẹ. Cuối những năm một nghìn chín trăm tám mươi, bố tôi viết văn, mẹ tôi là nghệ sĩ kịch nói, vẫn nghèo lắm. Tôi dậy sớm, đón buýt vào trường. Xe buýt cũ kỹ, long xòng xọc, chờ mãi mới có một chuyến, chẳng may chậm vài phút là muộn học nửa buổi. Trên xe, bốn mùa ngột ngạt đủ thứ mùi, người lèn người như cá hộp.
Thân gái mỏng manh, phải đứng kheo khéo, nếu không, dễ bị chen bẹp ruột, bị bọn xấu hoặc vờ vịt hoặc trắng trợn va quệt. Xót con, bố tôi dành dụm mấy khoản nhuận bút còm, lên Chợ Giời mua cho tôi cái xe đạp cũ mầu nâu đỏ đã tróc sơn. Tôi kiếm được quả chuông đồng nhỏ xíu buộc lên ghi-đông. Xe vấp ổ gà hay qua đoạn gập ghềnh, chuông kêu lanh canh nghe cũng hay hay. Xe tôi tuy chẳng bóng sáng, lốp hơi mòn, nhưng khung chắc chắn, đi khá nhẹ.
Một ngày đầu hạ, được nghỉ học, tôi đạp lên tận Sơn Tây, thăm nhà người bạn. Chiều về, tới Cầu Diễn thì xe va phải đinh, xịt lốp, chao đảo. Vành cứa xuống đường nhựa càch cạch. Tôi loạng quạng, phanh gấp, xe đổ kềnh khiến tôi ngã đau điếng. Thuở ấy, Cầu Diễn heo hút vắng vẻ. Chỗ tôi bị ngã, hai bên đường toàn vườn rau, ruộng lúa xen lẫn những nóc nhà cấp bốn liu hiu. Tôi gượng dậy, thập thõm dắt xe, hơi nâng bánh trước lên, sợ vành nghiến nát săm. Thấm mệt, tôi mới nhìn thấy cái thùng gỗ tạp đặt dưới một tán cây, mặt trước viết dòng chữ bằng phấn trắng: “Vá chín săm lốp”. Vài cái lốp cũ treo vắt vẻo trên chạc cây; một chậu nước đục ngầu; một dụng cụ bằng sắt dùng ép và đốt nóng miếng cao su để vá chỗ thủng.
Bác thợ chữa xe mặc quần áo kiểu bộ đội đã sờn, gương mặt sạm nắng, ánh mắt hiền hậu. Đón cái xe từ tay tôi, bác nắn nắn lốp trước, nói: “Phải đinh rồi! Rõ khổ!”. Bác thoăn thoắt tháo săm, bơm căng, dìm vào chậu nước, bong bóng túa lên lục bục. Cái săm tội nghiệp bị đinh xuyên thủng hai chỗ. Nó được vá chín, cứu sống ngay tức thì. Khi tôi lấy tiền trả bác, thì ôi thôi, chẳng thấy đâu! Có mấy đồng nhét túi quần chắc đã rơi ra lúc tôi bị ngã. Thấy vẻ hốt hoảng, bối rối của tôi, bác ân cần: “Mất tiền hả? Rõ khổ! Thôi, cháu cứ về đi!”. Tôi ngượng ngùng lí nhí: “Cháu cảm ơn bác! Mai cháu sẽ mang tiền trả bác ạ”. Bác cười, xua xua bàn tay lấm lem: “Được rồi, không phải trả bác đâu! Bác làm giúp cháu”. Tôi ngân ngấn nước mắt, cảm động không nói nên lời, tay vê nhàu cả vạt áo. Bác quầy quậy “đuổi”: “Ơ hay, cái con bé này, về, về ngay!”. Phóng xe nhẹ như bay, mà lòng tôi dùng dằng níu lại.
Thời gian ở Paris, tôi mượn được chiếc xe đạp Peugeot mầu xanh. Nó nhắc tôi nhớ cái xe “khung dựng” của tôi. Nhớ tuổi hoa niên, buồn vui nào cũng trong văn vắt. Đạp xe một mình/ hun hút ban mai/ Nóc phố tinh khôi/ vỉa hè xiên nắng/ Sao nhói đau/ sao thân thuộc/ như gặp tuổi thơ cây bừng lá thắp… Thơ nảy theo mỗi vòng bánh xe lăn trên những phiến đá lát đường mòn dấu xưa. Tôi thường đạp từ Boulevard de l’Hôpital, qua ga Austerlitz rẽ trái, đi dọc sông Seine. Có hôm, tôi tuốt lên phía Nhà thờ Đức Bà, sang Île Saint-Louis, dựng xe xếp hàng mua kem Amorino. Kem được phết vào ly ốc quế theo hình bông hoa hồng xinh đẹp, tuyệt ngon, có thể chọn mỗi cánh hoa một vị. Tôi ngồi hóng gió trên kè sông, thưởng thức từng lớp “cánh hoa hồng” mềm mịn mát lạnh, thơm mùi rum nho, pistache và xoài chín. Mây trời ngả bóng đáy sông, lơ lửng trôi theo những con tàu chở khách du lịch ngược xuôi. Lúc thong thả về, tôi bỗng nghe tiếng gọi hối hả sau lưng: “Chị ơi! Xin đợi chút!”.
Tôi chậm lại, ngoái nhìn. Một cô gái tóc nâu bồng bềnh, gương mặt trẻ trung tươi tắn, cũng đi xe đạp Peugeot xanh. Chúng tôi dừng xe. Cô nói trong hơi thở gấp gáp: “Xin lỗi, hình như chúng ta nhầm xe của nhau?!”. Tôi giật mình, ngắm, đúng thật, hai xe giống hệt. Có khá nhiều xe dựng gần quầy kem và xe chúng tôi cùng không khóa. Chẳng biết ai là người lơ đãng dắt nhầm xe nhỉ! Chúng tôi bật cười, cùng xin lỗi, cảm ơn, rồi vui vẻ đổi xe cho nhau. Cô gái thân thiện nói: “Em là Léa, nhà bên Quận 4. Chị ở đâu?” - “Chị là Bảo Chân, từ Hà Nội sang, ở Quận 13” - “Chúc chị một ngày vui. Tạm biệt!”. Cô cười khúc khích, quay xe. Nếp váy mầu mây bung biêng dần khuất cuối con phố dài, như thể nhân vật Léa rong ruổi bao nẻo đường nước Pháp trong tiểu thuyết “Chiếc xe đạp màu xanh” của Régine Deforges từ quá khứ vừa ào tới đã vụt xa.
“Tuột xích” là cụm từ quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Thời bao cấp hầu như ai cũng đi xe đạp cà tàng, xích xe nhão nhề, hơi tí tuột vèo khỏi líp. Xuống xe, hì hục lắp, tay lem nhem dầu mỡ quệt tạm vào lá cây khô, lại đi tiếp. Tuột xích, tôi tự lắp được, chứ trượt cá thì chịu. Pê-đan đùi đĩa quay tít mà xe đứng yên một chỗ. Không biết từ bao giờ, “tuột xích” có thêm nghĩa bóng, diễn tả một việc dở dang “đứt gánh giữa đường”, như: “Đôi ấy tuột xích rồi”, hay: “Làm ăn kiểu này, tuột xích là cái chắc!”.
Mấy năm trước, tôi tậu chiếc xe đạp Đức mầu trắng, dòng city-bike điệu đàng. Thỉnh thoảng, tôi đạp quanh Hồ Tây để rèn luyện sức khỏe. Từ nhà tôi ra, cua một vòng hồ về là gần hai mươi cây số. Một lần tôi đạp xe khá muộn, những câu thơ lại nảy theo mỗi vòng bánh xe lăn, tiếp nối mạch thơ ở Paris: Đạp xe một mình/ trốn vào lồng lộng gió Tây Hồ/ thuở ngây ngô/ bồng bềnh tóc dài/ rối rít guồng chân/ mỏng mai dáng lá… Thơ đang bon bon, bỗng có tiếng “xoạch” đanh thép bất ngờ vang lên. Xe vấp phải viên gạch, khựng lại. Tôi buột miệng kêu: “Ối, tuột xích!”. Hai từ đã lâu không dùng, bỗng bật ra cuốn theo cả một vùng ký ức. Sau mấy chục năm mới tự tay lắp xích, tôi loay hoay mãi không xong. Trời nhập nhoạng, ánh đèn pha xe máy, ô-tô loang loáng. Bắt đầu nản thì tôi nghe giọng một thanh niên trẻ nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: “Chị để em làm cho!” - “Ôi, may quá! Giúp chị với!” - “Chị yên tâm, em quá quen vụ này”. Thấy chiếc xe đạp cũ của cậu dựng ngay phía trước và cái ba-lô bạc màu vứt lăn lóc vệ đường, tôi nhắc: “Sao để ba-lô thế kia, em? Nhỡ mải lúi húi, ai xách mất”. Cậu lắc đầu: “Ba-lô chả có gì đâu chị”. Cậu mặc áo khoác mầu đỏ cam, kiểu đồng phục thể thao. “Em là vận động viên à?” - “Vâng chị!” - “Em tập bộ môn nào?” - “Em tập võ ạ”. Con nhà võ khảng khái, thấy người “gặp nạn” là giúp ngay, tôi thầm nghĩ. Sau vài câu trò chuyện, cậu đã lắp xích xong. Xoa hai bàn tay lấm dầu vào đám đất dưới gốc cây, phủi qua loa rồi đứng dậy, cậu nói: “Ngon lành, chị ơi!” - “Cảm ơn em nhiều nhé!” - “Ơ hơ, có gì đâu chị! Em đi đây!”. Cậu khẽ cười, vội vã phóng đi. Tôi ngẩn người, không kịp hỏi tên, cũng chẳng kịp nhìn rõ mặt cậu. Tôi bỗng nghĩ đến bác thợ sửa xe ở Cầu Diễn năm xưa. Do bận thi nên hơn một tuần sau tôi mới trở lại chỗ cây bàng, nhưng không thấy bác. Tôi hỏi thăm, nghe nói đã mấy hôm bác không ra đó. Tôi còn tới tìm bác đôi lần nữa mà không gặp. Lòng tốt theo nước chảy xuôi dòng. Tôi đã nhận nhiều ân nghĩa ở đời như thế, để học cách trao, không chờ đáp lại.
Những năm này, sao thời gian trôi nhanh quá! Tôi biết, không gì hoàn hảo, không ai hoàn hảo và chính mình còn đầy thiếu khuyết. Mỗi ngày, tôi trân quý những việc bình dị, nho nhỏ, lành sạch, đẹp đẽ, chợt hiện chợt tan một cách kỳ diệu, bất ngờ. Đạp xe một mình/ dằng dặc nhân gian/ vòng quay luân hồi/ gương mặt nào từng quen/ gương mặt nào chợt lạ… Tôi đã qua dằng dặc nhân gian, đã hân hoan, đã nhầm lẫn, đã “tuột xích”, đã vấp ngã đau đớn… Nhưng dẫu thế nào, tôi vẫn tin luôn có bao điều tử tế nâng tôi dậy, dẫn tôi đi.