Hãy đồng lòng, sẻ chia vì sự an toàn của tuyến đầu chống dịch

NDO -

Đổi lấy sự bình yên cho người dân trước kẻ thù nguy hiểm Covid-19, chính là những người đang xông pha ở tuyến đầu chống dịch. Những cái đầu lạnh đang phải làm việc gấp 200-300 lần sức lực, những trái tim nóng vẫn ngày đêm vững vàng trên mặt trận cam go nhất. Nhưng đau đớn thay, có những người đã mãi mãi không thể trở lại…

Các bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh ngày đêm giành giật sự sống cho người bệnh.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh ngày đêm giành giật sự sống cho người bệnh.

Ngày 11/8, một chiến sĩ công an tỉnh Tây Ninh ngã xuống trên chính tuyến đầu chống dịch Covid-19. Anh không may nhiễm bệnh Covid-19 khi đang làm nhiệm vụ và anh đã không thể qua khỏi dù đã được các bác sĩ dốc hết sức cứu chữa. Sự khốc liệt của Covid-19 một lần nữa khiến cho những người chung quanh nhận ra sự thật đau thương, kể cả người khỏe mạnh nhất, được cứu chữa kịp thời nhất, cũng không đủ để chống chọi lại được với kẻ thù nguy hiểm SARS-CoV-2. 

Trước đó, các đồng nghiệp của anh cũng đã có người hy sinh khi đang trực chốt kiểm dịch trên đường quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An. Một đồng chí khác tại TP Hồ Chí Minh hy sinh khi đang cố gắng ngăn chặn 1 người dân vi phạm quy định ra đường không cần thiết.

Tại mặt trận điều trị, hơn 3 tháng qua, sự khốc liệt và đau thương diễn ra ở nhiều địa phương. Trung bình những ngày qua, mỗi ngày ghi nhận gần 1 vạn người mắc. TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang đối mặt với số ca nhiễm tăng nhanh chóng mặt. Chúng ta đã mất đi gần 5.000 người chỉ trong thời gian ngắn. Bệnh nhân trở nặng quá nhanh, các cơ sở y tế không đủ sức tiếp nhận F0, nhân viên y tế phải làm việc với 200-300% sức lực.

Hàng vạn lực lượng áo trắng đang ngày đêm xả thân vì tính mạng được tính bằng tích tắc của người dân. Cuộc sống trong những ngôi nhà dã chiến vội vã hơn bao giờ hết bởi vì họ biết, sự chậm trễ nào cũng sẽ phải trả giá bằng một cuộc chia ly đau đớn khác của bất kỳ gia đình nào. Đã có những chiến sĩ áo trắng mắc Covid-19 khi thực hiện nhiệm vụ cấp cứu người bệnh.

Khó khăn, gian khổ, thách thức, thậm chí kiệt quệ sức lực, nhưng không một ai trong số họ chùn bước. Có những người đã trụ lại ở các bệnh viện dã chiến hơn 2 tháng qua. Có những người đã 2 năm đi chống dịch, từng cân não ở những chiến trường khốc liệt không kém từ Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang… mà chưa có được thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa bên gia đình.

Bạn hãy ở nhà, vì sự an toàn của tuyến đầu chống dịch -0
 Trong cuộc chiến này, có nhiều nhân viên y tế đã quá mệt mỏi, kiệt sức.

Tinh thần quả cảm, sự hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu không có lời nào để tả hết. Họ không chỉ mang trên vai trách nhiệm của người làm nhiệm vụ được cấp trên giao phó, mà còn chở tải cả sự yêu thương, chia sẻ, một trái tim nóng sẵn sàng xả thân vì sự bình yên của người dân.

Phát biểu tham luận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) đã có ý kiến đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trong đó, quan tâm đến chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, nhằm hỗ trợ, động viên kịp thời lực lượng này đã hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến với Covid-19.

Hơn lúc nào hết, các lực lượng y, bác sĩ, nhân viên trong ngành y tế, quân đội, công an và những người tham gia vào tuyến đầu của công tác phòng, chống dịch bệnh phức tạp cần được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin.

Họ đã được trang bị “vũ khí” hữu hiệu là vaccine, được trang bị những bộ đồ bảo hộ có độ an toàn cao nhất… nhưng họ cần tái tạo sức lực bằng sự đảo quân, cần được bảo vệ hơn nữa để vững vàng hơn trên tuyến đầu.

Trong cuộc chiến này, Bộ Y tế đã yêu cầu ngành y tế các địa phương phải triển khai quyết liệt các biện pháp, cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm an toàn tối đa cho đội ngũ trên tuyến đầu điều trị.

Bộ Y tế cũng nỗ lực kêu gọi sự chi viện của các địa phương để đảo quân tại mặt trận khốc liệt tại TP Hồ Chí Minh. Đã có gần 8.000 tình nguyện viên xin vào TP Hồ Chí Minh sau lời kêu gọi của Bộ Y tế, đã có hàng chục nghìn y, bác sĩ từ mọi miền Tổ quốc nam tiến trên mọi tuyến, nhưng có lẽ cũng chưa thấm vào đâu so với tốc độ gia tăng F0 khủng khiếp tại đây. 

Chúng ta hãy nhìn vào những gương mặt hằn sâu sự mệt mỏi, những giấc ngủ vội gục trên sàn bệnh viện, ghế đá, những bữa cơm nguội ngắt của lực lượng tuyến đầu, những đôi mắt xót xa, bất lực không thể cứu sống người bệnh… Hãy nhìn vào cuộc chiến thách thức chưa từng có với Việt Nam, nhìn những mất mát đau thương của nhiều gia đình, những đứa trẻ bơ vơ chỉ sau vài ngày bố mẹ đã ra đi mãi mãi vì Covid-19… để nhận ra, cuộc chiến tổn thất nặng nề, đau thương thật sự không phải là câu chuyện của một nơi nào khác trên thế giới, mà nó đang hiện hữu ngay sát bên cạnh ta.

Sự bình yên chúng ta đang có, được đánh đổi bằng sự hy sinh thầm lặng của hàng vạn con người nơi tuyến đầu. Chỉ khi nằm trên giường bệnh, đứng ở lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, nhìn thấy nhiều người bên cạnh mình đã ra đi trong sự bất lực của bác sĩ, không ít người mới nhận ra, giá như mình biết tuân thủ hơn quy tắc 5K, giãn cách xã hội, giá như mình chọn cách ở nhà không ra đường khi không cần thiết… thì người phải nằm ở đây không phải là mình.

Giờ đây, kể cả người khỏe mạnh, trẻ tuổi cũng không thể "nói cứng" khi kẻ thù Covid-19 ngày càng nguy hiểm và gian xảo hơn. Nhiều người dân ở phía nam chỉ ao ước "hẹn gặp lại nhau trong bình an", nhưng với nhiều người, đó cũng là điều không thể. 

Bạn hãy ở nhà, vì sự an toàn của tuyến đầu chống dịch -0
 Họ nỗ lực từng phút, từng giây để người bệnh chiến thắng được sự tấn công của virus SARS-CoV-2.

Giãn cách xã hội là một giải pháp tối ưu nhất lúc này. Mỗi người dân hãy bớt ca thán vì sự gò bó khi phải ở trong nhà lâu, bớt phàn nàn vì những chính sách khắt khe của chính quyền để kiểm soát sự đi lại của người dân. Tuân thủ giãn cách, tuân thủ quy tắc chống dịch là bạn đã góp phần vào công cuộc chống dịch, để chính quyền địa phương nhanh chóng khoanh vùng lây nhiễm, hạn chế tới mức thấp nhất có ca F0, giảm tải cho tuyến đầu điều trị, tạo ra những vùng xanh an toàn. 

"Mọi người hãy ở nhà để chúng tôi sớm được trở về nhà", đó là 1 trong 3 điều ước của điều dưỡng trưởng Bệnh viện Chợ Rẫy - Nguyễn Thị Oanh khi được chia sẻ tâm sự với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Và có lẽ, đây cũng là ước ao của tất cả đội ngũ tuyến đầu trên mọi mặt trận truy vết, cách ly, khoanh vùng, điều trị... 

Chính quyền các cấp, ngành y tế đã oằn mình chống chọi với tốc độ tấn công khủng khiếp của dịch. Cả nước đang hướng về tuyến đầu. Mọi người dân hãy thể hiện sự biết ơn với đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng tuyến đầu chống dịch bằng cách thực hiện thật nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch, tuân thủ giãn cách. Sự đồng lòng, quyết tâm đó mới giúp cuộc chiến này sớm đánh thắng từng trận đánh nhỏ, để tạo nên một chiến thắng lớn như 3 chiến dịch chống giặc Covid-19 trước đây.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam