Đồng Nai quyết tâm sàng lọc tất cả F0 ra khỏi cộng đồng

NDO -

Đồng Nai đang là một trong 4 địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch Covid-19. Vậy, địa phương đang có giải pháp gì để thực hiện kiểm soát dịch trước ngày 1/9, theo Nghị quyết 86 của Chính phủ và hỗ trợ người dân, công nhân lao động ở trọ gặp khó khăn?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh trả lời phỏng vấn.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh trả lời phỏng vấn.

Phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai về vấn đề trên.

Phóng viên: Thưa đồng chí, mục tiêu của Đồng Nai đặt ra là đến trước ngày 1/9 kiểm soát được dịch theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Vậy, đến thời điểm này liệu khả năng địa phương có đạt được như mục tiêu không?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Chính phủ giao tỉnh Đồng Nai đến ngày 1/9 kiểm soát dịch, kết thúc giãn cách. Hiện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đang nỗ lực thực hiện để đạt mục tiêu này, còn được hay không đến ngày 30/8 chúng tôi sẽ đánh giá lại. Vì mục tiêu của chúng ta là bóc tất cả F0 ra khỏi cộng đồng, phục hồi xã hội. Điều lo lắng của tỉnh trong thực hiện chiến dịch xét nghiệm bóc F0 ra khỏi cộng đồng trên diện rộng quy mô khoảng 2,1 triệu người, đến thời điểm này một số địa phương chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu chung của tỉnh đến ngày 31/8 hoàn thành. Hiện, tỉnh đang hỗ trợ các địa phương việc lấy mẫu xét nghiệm.

Phóng viên: Việc thực hiện chiến dịch xét nghiệm trên diện rộng song song với tiêm vaccine buộc tỉnh phải huy động nhân lực rất lớn. Vậy, địa phương đang có giải pháp gì?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Hiện nay, lực lượng y tế quá mỏng, vừa tiêm vaccine vừa lấy mẫu diện rộng, vừa phục vụ các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến. Dù tỉnh được tăng cường hơn 800 y, bác sĩ từ các tỉnh chi viện, cùng khoảng 8.000 nhân viên y tế của địa phương, nhưng so tỉnh Đồng Nai có dân số 3,7 triệu người, con số còn khiêm tốn. Để khắc phục thiếu nhân lực, tỉnh phải huy động thêm giáo viên, công chức tham gia thực hiện các công việc nhập liệu trong quá trình lấy mẫu.

Phóng viên: Đến sáng 26/8, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận gần 21 nghìn ca mắc Covid-19, việc điều trị các F0 đang được thực hiện như thế nào, liệu các bệnh viện có rơi vào tình trạng quá tải không?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Trong số gần 21 nghìn ca dương tính đã có hơn 8.000 ca hồi phục, xuất viện, còn 12 nghìn ca đang điều trị tại 3 tầng. Cũng như nhiều địa phương khác, tỉnh Đồng Nai đang thiếu nhân lực bác sĩ chuyên ngành, dụng cụ cần thiết để chăm sóc đầy đủ hơn cho các bệnh nhân. Với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến của tỉnh và Trung ương hỗ trợ đang cơ bản đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, điều trị các F0, chưa bị quá tải ở các bệnh viện. Do đó, tỉnh chưa xác lập các cơ sở điều trị F0 tại các xã, phường như TP Hồ Chí Minh mà vẫn tập trung tại các cơ sở cấp huyện, tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh đang xây dựng kịch bản nếu vượt quá 40 nghìn ca mắc phải có phương án điều trị F0 tại nhà và các cơ sở y tế xã, phường.

Phóng viên: Để thực hiện chuyển hóa từ “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” sang “vùng xanh”, tỉnh Đồng Nai đang triển khai những giải pháp nào?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Phải sàng lọc tất cả các F0 tại các “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” để bóc tách tất cả khỏi cộng đồng thì các vùng này sẽ chuyển thành “vùng xanh”. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải sàng lọc đến tận từng người dân để phát hiện, bóc tách tất cả F0 mới chuyển hóa từ các “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” sang “vùng xanh” được.

Phóng viên: Thời điểm này, tỉnh Đồng Nai đã tính toán như thế nào để khi dịch được khống chế thì có thể thực hiện ngay các biện pháp khôi phục sản xuất?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Hiện nay, Đồng Nai đang thực hiện giãn cách xã hội nên yếu tố an toàn là quan trọng nhất. Các nhà máy tạm dừng hoạt động phải tiếp tục chờ tỉnh khống chế được dịch bệnh mới tính đến phương án phục hồi sản xuất. Riêng các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” phải giữ vững an toàn, trường hợp mất an toàn phải dừng ngay hoạt động. Các doanh nghiệp phải chăm lo, động viên công nhân sản xuất “3 tại chỗ” an toàn và cách ly nghiêm ngặt với bên ngoài. Bởi, nếu chỉ cần 1 ca F0 xâm nhập vào là buộc phải dừng sản xuất.

Phóng viên: Tỉnh Đồng Nai đang có hơn 1 triệu công nhân lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn đang cần được giúp đỡ. Vậy, các chính sách an sinh xã hội đang được triển khai như thế nào để đến tận tay người dân?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Chúng tôi lấy xã, phường làm “pháo đài” để hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn. Mọi nguồn lực và sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân cho tỉnh Đồng Nai ngay lập tức được chuyển về cho xã, phường để phân phối đến tay người dân. Quan trọng nhất hiện nay là hỗ trợ kịp thời cho người lao động tự do, người nghèo, công nhân ở trọ để họ vượt qua được đại dịch. Ngoài chi hỗ trợ nhanh các đối tượng theo Nghị quyết 68, tỉnh tiếp tục hỗ trợ người trong đối tượng Nghị quyết 68 nhưng vẫn gặp khó khăn. Sử dụng hai nguồn lực này để làm sao đưa đến cho người dân một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, các đoàn thể xã hội, lực lượng vũ trang đều có các chương trình đưa rau xanh, gạo, thực phẩm đến tay người dân. Trong 3 tháng qua, tỉnh đã vận động được hơn 60 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật. Tuy nhiên, với khoảng 1 triệu người dân, công nhân khó khăn cần được hỗ trợ thì bình quân mỗi người chỉ nhận được khoảng 60.000 đồng, con số còn quá ít. Do đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quyết định tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho người dân vào lúc này. Riêng cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh sẽ phát động ủng hộ 3 ngày lương trong 3 tháng, với tổng số tiền khoảng 60 tỷ đồng để hỗ trợ người dân.

Phóng viên: Để không xảy ra các tiêu cực trong quá trình hỗ trợ người dân, tỉnh có biện pháp gì giám sát?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Chúng tôi cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra tiêu cực trong quá trình phân phối hỗ trợ người dân. Do đó, đã cử cán bộ tỉnh, huyện cùng về giám sát ở từng xã, phường để ngăn ngừa tiêu cực, làm sao sự ủng hộ của xã hội, nguồn lực của Nhà nước đến tay người nghèo một cách đúng nhất. Trường hợp cán bộ nào xảy ra tiêu cực, cấp ủy, chính quyền phải xử lý kịp thời, chấn chỉnh ngay.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!