Ngăn nạn phá rừng A-ma-dôn

Chính phủ Bra-xin đang triển khai chiến dịch quy mô lớn, nhằm đối phó nạn phá rừng ngày càng tăng. Giới chức quốc gia Nam Mỹ lo ngại, những thay đổi tiêu cực trong hệ sinh thái của "lá phổi xanh" lớn nhất hành tinh không chỉ tác động trực tiếp riêng khu vực này, mà ảnh hưởng toàn cầu.

Binh sĩ Bra-xin được triển khai bảo vệ rừng A-ma-dôn. Ảnh DW
Binh sĩ Bra-xin được triển khai bảo vệ rừng A-ma-dôn. Ảnh DW

Theo số liệu của Chính phủ Bra-xin, tháng 6-2020 ghi nhận hơn 2.200 vụ cháy trong rừng nhiệt đới A-ma-dôn nằm trên lãnh thổ nước này, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019 và trở thành tháng 6 có số vụ cháy rừng nhiều nhất trong 13 năm qua. Số liệu đáng báo động này khiến giới phân tích lo ngại cháy rừng trong năm 2020 có thể tiếp tục nghiêm trọng hơn năm ngoái. Trước đó, năm 2019, khoảng 10.123 km2 rừng A-ma-dôn của Bra-xin bị cháy rụi, lần đầu trong hơn một thập niên diện tích rừng bị cháy vượt mốc 10.000 km2 trong một năm.

Ðầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Bra-xin G.Bôn-xô-na-rô ký sắc lệnh cho phép triển khai các lực lượng vũ trang tới rừng A-ma-dôn. Với chi phí ước tính 10 triệu USD, gần 4.000 binh sĩ từ ba lực lượng vũ trang, 11 máy bay, cùng sự hỗ trợ của nhiều vệ tinh giám sát, Chính phủ Bra-xin đặt kỳ vọng lớn vào chiến dịch, nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nạn chặt phá và nguy cơ cháy rừng. Chiến dịch diễn ra tới giữa tháng 7 và có thể tiếp tục kéo dài tùy thuộc tình hình thực tế.

Nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng binh sĩ được triển khai là hỗ trợ hậu cần cho các nhân viên thuộc cơ quan bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh cho các cơ quan này, nhất là trong bối cảnh các nhóm khai thác mỏ bất hợp pháp và các tổ chức tội phạm hoạt động ngày càng mạnh tại khu vực A-ma-dôn thuộc Bra-xin. Sự hiện diện của quân đội tại khu vực rừng cũng là để tăng nhân lực ngăn ngừa nguy cơ những đám cháy bùng phát trên diện rộng, mà nguyên nhân có thể là do thời tiết hay những hành động phá hoại có chủ ý của con người.

A-ma-dôn là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, với diện tích khoảng 7 triệu km2. Từ lâu, rừng A-ma-dôn được ví như "lá phổi xanh" của trái đất khi cung cấp khoảng 20% lượng ô-xy cho hành tinh. Nhờ khả năng hấp thu lượng khổng lồ khí thải các-bon, A-ma-dôn được tôn vinh là "người hùng" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại.

Viện Hàn lâm Khoa học Bra-xin công bố nghiên cứu cho thấy, hệ sinh thái của rừng A-ma-dôn còn giữ vai trò quan trọng trong kiểm soát các loại bệnh tật lây từ động vật sang người. Rừng rậm này cũng là nơi cư trú của khoảng một triệu thổ dân thuộc 500 bộ lạc, đồng thời là "ngôi nhà chung" của hơn ba triệu loài động, thực vật. Các vụ cháy rừng diện rộng khiến con người tiếp xúc nhiều hơn các loại động vật hoang dã, tăng nguy cơ lây nhiễm nhiều mầm bệnh từ động vật sang người. Trong khi đó, tình trạng khai thác mỏ tràn lan, cùng dòng người di cư làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ rừng nhiệt đới tới các khu vực đô thị.

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế lo ngại, khói từ các đám cháy rừng gây nên những bệnh về đường hô hấp, có thể khiến tình trạng của các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nghiêm trọng hơn. Cựu Giám đốc Viện Y học Mỹ, ông H.Pi-nê-bớt cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, tình trạng phơi nhiễm với các hạt nhỏ từ các đám cháy làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp khác và các bệnh về tim mạch. Trong khi đó, theo giáo sư M.Ca-xtơ-rô của Ðại học Ha-vớt (Mỹ), việc số người nhập viện vì bệnh hô hấp liên quan các vụ cháy rừng gia tăng càng gây áp lực lên các bệnh viện, vốn đang phải vận động mọi nguồn lực chiến đấu với Covid-19.

Khoảng 60% diện tích rừng A-ma-dôn nằm trên lãnh thổ Bra-xin, phần còn lại của rừng trải dài trên tám quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Bằng những phản ứng mạnh mẽ, Chính phủ Bra-xin đang nỗ lực khẳng định quyết tâm "không quay lưng" với thiên nhiên. Giữ cho "lá phổi xanh" khỏe mạnh là hành động khẩn cấp, nhất là khi tình trạng ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và bệnh truyền nhiễm gây chết người lây lan ngày càng nghiêm trọng.