Chung tay thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa

LTS - Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng Cộng sảnTrung Quốc (1/7/1921 - 1/7/2021),Ðại sứ Trung Quốc tại Việt Nam HÙNG BA có bài viết đánh giá về vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước Trung Quốc, cũng như mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung bài viết.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh TÂN HOA XÃ
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh TÂN HOA XÃ

Trong 100 năm từ khi thành lập, Ðảng Cộng sản Trung Quốc dẫn dắt nhân dân Trung Quốc tiếp sức phấn đấu, chấm dứt lịch sử xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến của nước Trung Quốc cũ, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, mở ra con đường và thúc đẩy chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới, chào đón bước nhảy vọt vĩ đại từ đứng lên, giàu lên, đến mạnh lên.

100 năm qua của Ðảng Cộng sản Trung Quốc là chặng đường lịch sử vẻ vang, kiên định giương cao ngọn cờ, không ngừng thúc đẩy Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, để chủ nghĩa xã hội khoa học không ngừng bừng lên sức sống mạnh mẽ. Ðảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì kết hợp nguyên lý chủ nghĩa Mác với thực tế cụ thể của cách mạng Trung Quốc, hình thành tư tưởng Mao Trạch Ðông, lý luận Ðặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng "Ba Ðại diện" và quan điểm phát triển khoa học. Từ Ðại hội XVIII đến nay, Ðảng Cộng sản Trung Quốc với hạt nhân là đồng chí Tập Cận Bình đã sáng lập tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, đạt được thành quả lý luận mới nhất về Trung Quốc hóa và thời đại hóa chủ nghĩa Mác.

100 năm qua của Ðảng Cộng sản Trung Quốc là chặng đường lịch sử vẻ vang, vững vàng mục tiêu và giành thành tựu vĩ đại trong công cuộc tìm tòi xây dựng hiện đại hóa tại quốc gia tụt hậu về lực lượng sản xuất xã hội. Ðảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục tìm tòi con đường hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa phù hợp tình hình Trung Quốc, lần lượt đưa ra các mục tiêu phấn đấu "Bốn hiện đại hóa", "Lộ trình ba bước" và "Hai 100 năm", xác định mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, đến giữa thế kỷ này hoàn thành xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.

Ðảng Cộng sản Trung Quốc không ngừng làm phong phú và hoàn thiện con đường, lý luận và chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, liên tiếp đẩy mạnh việc hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị đất nước. Trung Quốc mở ra thành công con đường hiện đại hóa kiểu Trung Quốc với sự kết hợp hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần, sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đi theo con đường phát triển hòa bình.

100 năm qua của Ðảng Cộng sản Trung Quốc là chặng đường lịch sử vẻ vang, kiên định làm theo tôn chỉ, đặt nhân dân lên trên hết, được lòng dân, thuận theo ý dân, mang lại lợi ích cho nhân dân. Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện nền dân chủ nhân dân rộng rãi nhất tại quốc gia có lịch sử xã hội phong kiến hàng nghìn năm, cuộc sống nhân dân từ không ấm no đến khá giả toàn diện, Trung Quốc trở thành nước với dân số có thu nhập trung bình đông nhất thế giới, đã giải quyết vấn đề nghèo tuyệt đối đã đeo đẳng dân tộc Trung Hoa hàng nghìn năm qua.

Từ khi cải cách mở cửa đến nay, số người thoát nghèo tại Trung Quốc chiếm hơn 70% số người thoát nghèo trên thế giới trong cùng kỳ, hoàn thành sớm hơn 10 năm mục tiêu giảm nghèo của Liên hợp quốc. Ðối mặt trước đại dịch Covid-19, Ðảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì nhân dân trên hết, tính mạng trên hết, giành được thành quả chiến lược quan trọng trong cuộc chiến chống dịch. Ðây là sự minh họa sinh động nhất về quan điểm cầm quyền vì dân của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, được nhân dân Trung Quốc hết sức đồng tình và kiên quyết ủng hộ.

100 năm qua của Ðảng Cộng sản Trung Quốc là chặng đường lịch sử vẻ vang sát cánh cùng Ðảng Cộng sản Việt Nam chống xâm lược của các đế quốc thực dân, tích cực tìm kiếm con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Năm nay là kỷ niệm 110 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và 80 năm Người trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1922, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quen biết với đồng chí Chu Ân Lai và các nhà lãnh đạo tiền bối Ðảng Cộng sản Trung Quốc tại Pháp, sau đó sáng lập "Việt Nam Thanh niên Cách mạng Ðồng chí hội" tại Quảng Châu, Trung Quốc, chuẩn bị cho việc thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Công, Trung Quốc năm 1930. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Trung Quốc là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, dốc sức ủng hộ và viện trợ vô tư cho Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.

Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ trước, Ðảng Cộng sản Trung Quốc và Ðảng Cộng sản Việt Nam bình tĩnh phân tích nguyên nhân sâu xa bên trong dẫn đến sự sụp đổ ở Liên Xô và các nước Ðông Âu, kiên định tích cực tìm tòi con đường phát triển chủ nghĩa xã hội phù hợp tình hình của mỗi nước, thúc đẩy công cuộc cải cách mở cửa và sự nghiệp đổi mới của hai nước có nhiều đột phá và phát triển to lớn. Ðứng trước thời điểm chuyển giao thế kỷ, hai bên đã xác định phương châm 16 chữ "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "Bốn tốt" là "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt", thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy quan hệ hai Ðảng, hai nước Trung Quốc - Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Bước vào thời kỳ mới, dưới sự trù tính chiến lược và đích thân dẫn dắt của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ hai Ðảng, hai nước luôn giữ được phương hướng đúng đắn. Hai bên đi sâu giao lưu kinh nghiệm xây dựng Ðảng và quản lý đất nước, tạo động lực quan trọng để phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của mỗi nước. Hai bên ủng hộ lẫn nhau, giúp đỡ nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội giành được thành quả chiến lược quan trọng, thể hiện ưu thế nổi bật của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trên con đường kiên trì, tìm tòi và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc của mỗi nước trong các giai đoạn lịch sử, vận mệnh của hai Ðảng luôn gắn bó chặt chẽ và thúc đẩy lẫn nhau, là cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược. Con đường xã hội chủ nghĩa của hai nước ngày càng rộng mở, thành quả phát triển của hai nước ngày một mang lại lợi ích nhiều hơn, công bằng hơn cho nhân dân hai nước, khiến tính khoa học của chủ nghĩa Mác và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa không ngừng được kiểm chứng, khiến tiến trình phát triển của xã hội nhân loại ngày càng đi theo hướng có lợi cho chủ nghĩa Mác bừng lên sức sống, có lợi cho chủ nghĩa xã hội phát huy ưu thế.

Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam đã mở ra hành trình mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong bối cảnh biến cục trăm năm và đại dịch thế kỷ, hai Ðảng cần tiếp thu hơn nữa trí tuệ và sức mạnh từ lịch sử giao lưu hữu nghị gần 100 năm, chung tay thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa hai nước Trung Quốc - Việt Nam vững bước phát triển. Hai bên cần kiên trì dẫn dắt chiến lược của lãnh đạo cấp cao nhất hai Ðảng, định hướng đúng đắn phát triển quan hệ Trung - Việt, chung tay bảo vệ an ninh chính trị và an ninh chế độ của hai nước. Hai bên cần kiên định ủng hộ lẫn nhau đi trên con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp tình hình của mỗi nước, tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý và điều hành đất nước, cùng làm sâu sắc hơn nhận thức về quy luật xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội. Hai bên cần kiên trì định hướng lấy nhân dân làm trung tâm, coi việc có phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước hay không làm điểm xuất phát và mục tiêu của phát triển quan hệ hai nước và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, tiếp thêm động lực mới nhằm thúc đẩy hợp tác trong thời kỳ hậu đại dịch. Hai bên cần bồi dưỡng nhiều hơn nữa những người kế thừa sự nghiệp hữu nghị Trung - Việt, phát triển quan hệ hai nước. Hai bên cần tập trung vào đại cục phát triển của hai nước cũng như hòa bình và ổn định của khu vực, kiểm soát ổn thỏa bất đồng, bảo đảm quan hệ Trung Quốc - Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững. Hai bên cần chung tay bảo vệ chủ nghĩa đa phương, bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, kiên định giữ gìn trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hướng tới tương lai, chúng ta tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo kiên cường của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của hai nước chắc chắn sẽ không ngừng giành được những thành tựu vẻ vang hơn nữa, góp phần lớn hơn cho sự nghiệp tiến bộ của nhân loại, để chủ nghĩa xã hội khoa học tỏa sáng rực rỡ hơn trên thế giới trong thế kỷ 21.