Bác dặn: "Phải lắng nghe ý kiến của nhân dân"

Ấn tượng đặc biệt đối với nhiều nghệ sĩ, đó là sau mỗi lần xem phim, bao giờ Bác cũng hỏi các chiến sĩ bảo vệ, những người cùng xem... về những suy nghĩ, nhận xét của họ.

Rồi Bác nói với các nghệ sĩ: "Bộ phim làm ra là để chiếu cho nhân dân xem. Vì thế, phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, để làm cho hay, cho tốt". (Hồi ký của cố nghệ sĩ điện ảnh lão thành Vũ Năng An, - "Nhớ Bác xem phim", về buổi chiếu bộ phim Lửa trung tuyến của cố đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa).

Còn với cố NSND Nguyễn Ðăng Bảy, nhà quay phim tài hoa của điện ảnh Việt Nam, người đã được vinh dự nhiều lần ghi lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Bác đi công tác trong nước và đi thăm hữu nghị một số nước bạn, thì lời dặn dò ấy của Bác suốt cuộc đời ông luôn khắc ghi.

Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, ông cũng đã từng được Bác dặn một cách giản dị là "muốn biết phim có hay không, phải hỏi ý kiến quần chúng xem phim".

Ngày ấy, theo lời kể của NSND Nguyễn Ðăng Bảy lúc sinh thời, sau khi cùng đồng nghiệp chiếu bộ phim Nổi gió (đạo diễn Huy Thành, năm 1966) để Bác xem, cả đoàn phim đều hồi hộp đợi ý kiến của Bác. Chưa thấy Bác nhận xét gì, tất cả đều lặng im, lo ngại. Ðánh bạo, nhà quay phim Nguyễn Ðăng Bảy xin Bác ý kiến.

Bác cười vui và hỏi lại: "Bác xin ý kiến các cô chú nào không phải là người làm phim?". Tất cả những người có mặt lúc đó vẫn e dè nhìn nhau. Thấy vậy Bác vui vẻ nói: "Chú Bảy, chưa ai trả lời Bác, vậy Bác trả lời chú, muốn biết phim có hay không, phải hỏi ý kiến của quần chúng xem phim, đừng hỏi riêng Bác".

Cho đến những năm sau này, mỗi khi thực hiện bất cứ bộ phim nào trong vị trí người cầm máy quay, NSND Nguyễn Ðăng Bảy đều tôn trọng lắng nghe ý kiến đồng nghiệp và cả nhiều khán giả sau buổi chiếu. Ông là tác giả hình ảnh của những bộ phim như Con chim vành khuyên, Ðến hẹn lại lên, Ngày lễ thánh, Ngày ấy bên sông Lam... Người xem bắt gặp ở các phim này những cảnh, những con người vốn rất quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Một cảnh hội làng, những cảnh hát quan họ trên đồi thông, buổi giã bạn trên sông, trên bến, cảnh Ðồng Tháp Mười với chiếc xe trâu v.v. tất cả đều gần gũi, đều rất thật nhưng lại có sức gợi cảm sâu sắc.

Thành công của NSND Nguyễn Ðăng Bảy phải chăng không chỉ như ông có lần tự nhận: "Bởi tôi yêu mến, ham thích nghệ thuật và sáng tác bằng tất cả tấm lòng của mình", mà còn chính ở điều ông tâm nguyện lời Bác Hồ từng căn dặn.