Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021:

Phục hồi, phát triển bền vững, gắn kết chính sách với cuộc sống

NDO -

Sáng nay, 5/12, phát biểu khai mạc tại ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'', đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những đề xuất về giải pháp tài khóa, tiền tệ tại Diễn đàn lần này nằm ngoài khung khổ chính sách mà Quốc hội đã quyết định, cho phép chúng ta tìm kiếm một không gian, một dư địa mới, đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển bền vững.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tại Diễn đàn.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tại Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải; Trần Quang Phương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành và đoàn thể ở Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các địa phương; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số ủy ban của Quốc hội.

Về phía khách mời quốc tế có: ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam; ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam; ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Bà Mashimot Makiko, chuyên gia về Việc làm, Văn phòng ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương; cùng các vị đại diện Đại sứ quán một số nước, các chuyên gia kinh tế, đại diện các doanh nghiệp, cán bộ của các tổ chức quốc tế các bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh tế tại các điểm cầu trong nước và quốc tế.

Thực tiễn đòi hỏi chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế

Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cả về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì được tăng trưởng kinh tế với tốc độ 2,91%, là một trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế nên 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,96%.

Phục hồi, phát triển bền vững, gắn kết chính sách với cuộc sống -0
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội, quý III tăng trưởng kinh tế âm 6,7%, do đó 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,42%. Dự kiến cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng việc thực hiện các mục tiêu của năm 2021 mà còn cho cả nhiệm kỳ 5 năm tới.

Nhằm đối phó dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế, xã hội, các nước trên thế giới đã tung ra nhiều gói chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ rất khác nhau về quy mô, tùy vào mức độ diễn biến của dịch bệnh, cũng như khả năng về nguồn lực nhất là chính sách tài khóa tiền tệ của từng nước.

2 năm qua, Việt Nam sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa tiền tệ của Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021 ước khoảng 4%, thấp hơn một chút so mức bình quân trên thế giới. Đối với các nước đang có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp, cỡ khoảng 4,3%, Việt Nam là khoảng 4% GDP của năm 2020; trong đó, gói về tài khóa là khoảng 2,9 %, gói về tiền tệ là khoảng 1,1 %.

Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là nhiệm kỳ tất cả các khung khổ quyết định cho phát triển kinh tế, xã hội 5 năm; thậm chí, với tầm nhìn dài hạn hơn được Trung ương đưa ra chủ trương, Quốc hội ban hành toàn bộ các nghị quyết về khung khổ này.

Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng triển khai theo thẩm quyền chương trình tổng thể về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.  

Phục hồi, phát triển bền vững, gắn kết chính sách với cuộc sống -0
 Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế tại điểm cầu Hà Nội.

Chính sách vĩ mô xuất phát từ hơi thở cuộc sống

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 lần này là 1 cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững.

Chủ tịch Quốc hội đề cập những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô, liều lượng hợp lý nhất cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số...

Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngoài 2 chữ P, tức là “phục hồi và phát triển bền vững”, Diễn đàn còn thể hiện mối quan hệ rất mật thiết giữa hai chữ C - “Chính sách và Cuộc sống”.

Theo đó, nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào chính sách, bản thân chính sách khi ban hành sẽ không đi vào được cuộc sống một cách trôi chảy và hiệu quả.

Ngoài các nội dung trọng tâm do các diễn giả đánh giá về bối cảnh, tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới, cập nhật những vấn đề mới nhất; những phân tích, đánh giá và dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh và trực trạng của nền kinh tế thế giới; xu hướng trong thời gian tới trong thế giới toàn cầu hóa, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các diễn giả cần nhấn mạnh thêm “những giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ và đề xuất trong diễn đàn này là ngoài khung khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa mà Quốc hội đã quyết định, cho phép tìm kiếm một không gian, một dư địa ngoài khung khổ Quốc hội đã quyết định. Có nghĩa đây là những khung khổ tài chính và tiền tệ bổ sung...”.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Diễn đàn tiến hành phiên họp toàn thể đầu tiên.

Sáng nay, các đại biểu tham dự Diễn đàn tại hơn 60 điểm cầu trong nước và nước ngoài đã nghe TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thay mặt cho nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia trình bày bài đề dẫn “Một số gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”; Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường trình bày tham luận với chủ đề “Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách với Việt Nam”;

PGS,TS Bùi Quang Tuấn, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày bài tham luận với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam”; Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud trình bày tham luận “Khuyến nghị của IMF về chính sách đẩy mạnh phục hồi kinh tế”…

Phóng viên Báo Nhân Dân tiếp tục cập nhật nội dung Diễn đàn quan trọng này.