Sống đẹp

Tiệm giặt của ba cô gái điếc

Mặc dù cộng đồng của chúng tôi không thể nghe, chúng tôi vẫn nỗ lực để khuếch đại tiếng nói của mình, và làm cho những tiếng nói tới được đông đảo mọi người... Đó là lời nhắn nhủ của những cô gái trẻ ở tiệm Giặt là Sáng, một sáng kiến của Lương Kiều Thúy, thời gian qua đã tạo được nhiều hiệu ứng lan tỏa cho cộng đồng người điếc và khiếm thính Việt Nam trong nỗ lực hòa nhập cộng đồng. 

Ở tiệm Giặt là Sáng.
Ở tiệm Giặt là Sáng.

Những ngày cuối năm, Hà Nội căng thẳng với làn sóng dịch bệnh thứ tư. Nép mình bên bờ sông Sét (Hoàng Mai, Hà Nội) tiệm giặt của ba cô gái trẻ vẫn hoạt động và tương tác đầy ấm áp chia sẻ với cộng đồng. Vỏn vẹn khoảng 10 m2, tiệm giặt là của họ được sắp xếp gọn gàng, xinh xắn, đẹp mắt khiến khách đến lần đầu có cảm giác thân quen, muốn quay lại lần sau. Chị Lương Kiều Thúy, chủ tiệm, vừa gập đồ, ghi chép, chị vừa cởi mở trò chuyện. Phong thái tự tin, hoạt bát lạc quan của cô gái trẻ khiến khách hàng cảm giác tin cậy. Tiệm Giặt là Sáng như một mô hình điểm. Đây không chỉ là cơ sở kinh doanh đơn thuần mà còn là địa chỉ giao lưu gặp gỡ, truyền trao kỹ năng giao tiếp cũng như tạo công ăn việc làm cho cộng đồng người điếc và khiếm thính, hỗ trợ họ hòa nhập cuộc sống dễ dàng hơn. Thúy tự tin, tới đây sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để mở rộng thêm mô hình kinh doanh thông minh này, và trên hết là dạy nghề cho cộng đồng người điếc. 

Khi thực hiện dự án nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội năm 2019, Lương Thúy nhận ra rằng, nghề nghiệp của người điếc hiện tại chỉ xoay quanh các công việc phổ thông, ít có tính sáng tạo. Việc làm nào phù hợp với năng lực và trình độ để người điếc có thể làm tốt cứ theo Thúy suốt những ngày tháng ấy. Là người năng động, nhanh nhạy và không chịu ngồi yên, Thúy luôn tìm cho mình cơ hội được học tập, được tham gia vào các hoạt động của và vì người khuyết tật. Thúy nhận thấy, giặt là là một nghề rất tốt để học hỏi từ vựng trong giao tiếp và các kỹ năng trong cuộc sống của người điếc.

Ý tưởng về mô hình tiệm giặt là cứ nung nấu trong đầu Thúy dai dẳng. Đầu năm 2020, chị tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với đối tượng là phụ nữ khuyết tật. Trải qua tám tháng vất vả, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Thúy đã đạt giải Cánh Én vàng. Tháng 10 năm ngoái, Lương Kiều Thúy tiếp tục tham gia chương trình Ươm tạo và khởi nghiệp, tạo tác động xã hội do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức. Với ý tưởng và mô hình kinh doanh giặt là Sáng, chị đã đạt giải Best Performance. 

Tiệm giặt của ba cô gái điếc -0
Thu Ngân, thành viên nhỏ tuổi nhất của tiệm giặt người điếc, nuôi ước mơ kiếm đủ tiền đi du lịch Hàn Quốc. 

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, Thúy đã chọn vế sau! Với vốn liếng là sự ghi nhận của xã hội thể hiện ở hai lần đoạt giải, Thúy mạnh dạn tìm thêm cộng sự tham gia cùng mình, kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của các nhà đầu tư. “Với người bình thường kêu gọi hỗ trợ trong thời điểm này đã khó, là người khuyết tật để thuyết phục được nhà đầu tư còn khó khăn hơn nhiều lần. May mắn thay, chúng tôi kết nối được với chủ thương hiệu nhượng quyền Giặt ký nên tôi đã quyết định hợp tác”, Thúy chia sẻ. 

Sau thời gian chuẩn bị, tháng 12 năm ngoái, Tiệm giặt người điếc từ ý tưởng mô hình Giặt là Sáng chính thức đi vào hoạt động. “Ban đầu cửa hàng mới mở cũng gặp nhiều khó khăn do việc giao tiếp với khách hàng hạn chế, thế nhưng sau một thời gian làm quen nhờ vào ngôn ngữ ký hiệu, dần khách đều hiểu cả. Khách đến cửa hàng giặt ngày một đông và có lượng khách quen giúp quán ổn định về việc làm. Doanh thu hằng ngày của tiệm khoảng 1 triệu đồng, thậm chí, ngày đông khách có thể gấp đôi - chị Phạm Thúy, 31 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất trong ba chị em, chia sẻ. 

- “Xin chào! Em/cháu là người điếc”; “Vui lòng cho em/cháu xin họ tên và số điện thoại của quý khách ạ” - đó là mẫu câu giao tiếp thông dụng luôn được viết nắn nót ở cửa tiệm. Để khắc phục khó khăn trong giao tiếp, các cô gái khéo léo nhắc nhau đẩy mạnh tương tác với khách hàng, tạo nguồn khách mới thông qua mạng xã hội. May mắn hơn hai cộng sự của mình ở tiệm giặt, Lương Kiều Thúy có thể nghe được một ít nếu có thêm máy trợ thính hỗ trợ. Mặc dù chỉ giao tiếp với nhau, trao đổi công việc hằng ngày với nhau và với khách hàng bằng ngôn ngữ ký hiệu, nhưng ở tiệm luôn cảm giác động, từ sắc thái trên gương mặt mỗi người. Thu Ngân là thành viên ít tuổi nhất trong ba chị em, năm nay mới 18 tuổi. Bị điếc bẩm sinh, Ngân vốn chỉ quanh quẩn trong nhà, thiệt thòi vì tự ti, ít giao tiếp xã hội. Từ ngày tham gia vào tiệm giặt, cô bé vui vẻ tự tin hẳn. Cô yêu công việc của mình, luôn hoàn thành tốt với sự cẩn thận, chỉn chu nhất có thể. Lượng khách hàng thân thiết gắn bó với tiệm giặt chính vì vậy ngày một đông thêm. Tiếp xúc tự tin hơn, Ngân học thêm được nhiều từ vựng, hiểu và diễn đạt được nhiều câu phức tạp bằng ngôn ngữ ký hiệu.
 
Anh Lý Thế Tuyên vốn là thợ sửa chữa đồ điện tử. Tình cờ biết đến tiệm qua mạng xã hội, cảm mến gương mặt sáng, nụ cười hồn nhiên của cô gái trẻ Thu Ngân, anh mang đồ đến giặt. Từ khách hàng, anh Tuyên nhận nhiệm vụ vệ sinh bảo dưỡng, sửa chữa toàn bộ hệ thống máy giặt sấy, đồ điện tử miễn phí cho tiệm. Cũng có người ủng hộ nước giặt, nước xả vải cho hoạt động của tiệm… 

Lương Kiều Thúy kể: “Chị Phạm Thúy và tôi gặp nhau trong dự án việc làm cho người khuyết tật. Hai chị em hợp nhau và có nhiều quan điểm tương đồng. Kết thúc dự án, tôi cùng chị thảo luận và lên ý tưởng về tiệm giặt là của người điếc”. Sau hơn một năm chuẩn bị kỹ lưỡng, họ quyết định mở tiệm. Thu Ngân được tuyển dụng ngay khi tiệm giặt đi vào hoạt động. Họ phân công nhau đảm nhiệm từng phần việc cụ thể, hoạt động trơn tru thuận lợi chỉ sau một thời gian ngắn, đến nay họ đã mở thêm cơ sở mới. Hiện nay, hai nàng Thúy đang xây dựng mô hình nhượng quyền kinh doanh ở quy mô rộng, trên cơ sở thành công bước đầu. “Cố gắng và cố gắng và thật cố gắng” là điều mà ba cô gái ở tiệm Giặt là Sáng luôn nhắc nhở nhau mỗi ngày... Lợi nhuận của tiệm giặt được trích ra sử dụng vào các lớp bồi dưỡng kỹ năng sống cho người điếc, các hoạt động hỗ trợ người điếc hòa nhập cuộc sống. Mô hình Giặt là Sáng cùng bộ tài liệu hỗ trợ người mới về quy trình giặt là, cách quản lý và hệ thống hóa thành mô hình chuẩn là việc làm cụ thể cho cộng đồng người điếc và khiếm thính hòa nhập dễ dàng hơn với cộng đồng.
 
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong số các quốc gia đang phát triển có tỷ lệ người khuyết tật trung bình chiếm khoảng 10% dân số, nghĩa là Việt Nam phải có gần 10 triệu người khuyết tật. Với mong muốn nâng cao vị thế cho người điếc nói riêng, cũng như cộng đồng người khuyết tật, bảo đảm quyền lợi và cả sự hỗ trợ cần thiết, kịp thời nhất, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch, đúng tinh thần không bỏ ai lại phía sau, chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi cộng đồng chung tay để Cùng người khuyến tật tiến về phía trước.