Nhịp sống

Xây dựng cơ chế giá thận trọng khi xã hội hóa lưới điện truyền tải

Tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải” được Báo Nhân Dân phối hợp cùng Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) thực hiện mới đây, nhằm góp phần làm rõ hơn những vấn đề đang đặt ra đối với hệ thống truyền tải điện hiện nay và việc xây dựng cơ chế, chính sách dựa trên các bằng chứng khoa học.
0:00 / 0:00
0:00

Theo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay đã cho phép thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư lưới truyền tải. Thực tế, việc triển khai xã hội hóa đầu tư truyền tải còn gặp vướng mắc do một số văn bản quy định dưới luật chưa cụ thể về phạm vi đầu tư giữa chủ đầu tư nhà nước với chủ đầu tư bên ngoài; chưa có cơ chế giá đủ hấp dẫn với các chủ đầu tư. Cùng với đó, lưới truyền tải điện liên quan trực tiếp đến an ninh-quốc phòng, an ninh năng lượng, đồng thời là lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, cho nên việc đưa ra các hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cần phải nghiên cứu kỹ, thận trọng.

Tập trung xử lý hành vi sử dụng biển số xe không đúng quy định

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tập trung xử lý hành vi sử dụng biển số xe không đúng quy định, chủ động phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, cấp biển số của các công ty sản xuất biển số xe cho công an các đơn vị, địa phương.

Thông qua các hoạt động nghiệp vụ, lực lượng CSGT sẽ đối chiếu với cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phối hợp với các đơn vị thu phí trên tuyến, địa bàn quản lý..., để phát hiện các trường hợp phương tiện ô-tô gắn biển số không đúng quy định; các trường hợp sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số; gắn thiết bị “thay đổi” biển số xe; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng... Khi phát hiện các trường hợp vi phạm trên, CSGT chủ động điều tra, xác minh để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tài khoản định danh điện tử có thể sử dụng thay Căn cước công dân

Ngày 5/9, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 59/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử. Theo đó, từ ngày 20/10/2022 Nghị định có hiệu lực, tài khoản định danh điện tử có thể sử dụng thay thế căn cước công dân (CCCD). Cụ thể, theo Điều 13 Nghị định này, cá nhân, tổ chức sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập và sử dụng các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VNelD và trang thông tin định danh điện tử.

Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng CCCD trong các giao dịch, thủ tục yêu cầu xuất trình CCCD. Đồng thời, có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Liên hoan làng nghề, phố nghề Hà Nội năm 2022

Với sự tham gia của khoảng 200 gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch làng nghề, Liên hoan làng nghề, phố nghề Hà Nội năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16/10 tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Chương trình do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội thực hiện.

Liên hoan nhằm quảng bá không gian văn hóa du lịch làng nghề, phố nghề, quảng bá sản phẩm của các nghệ nhân làng nghề tới du khách trong và ngoài nước. Đồng thời tạo cơ hội để các đơn vị, nghệ nhân, làng nghề truyền thống của Hà Nội và cả nước được quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu sản phẩm của làng nghề, phố nghề...

Hải Phòng quy định danh mục từng khoản nhà trường được phép thu

Thành phố Hải Phòng đã quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho khối trường công lập trên địa bàn tại Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐND có hiệu lực từ ngày 1/8. Theo đó, cơ sở giáo dục công lập chỉ được thực hiện thu đối với danh mục các khoản thu và mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục và đào tạo được quy định, đồng thời tối đa không được thu vượt mức trần học phí được quy định tại Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Các khoản thu, mức thu phải phù hợp với tình hình thực tế của các cơ sở giáo dục, điều kiện kinh tế-xã hội, thu nhập của cha mẹ học sinh; bảo đảm nguyên tắc thu, chi, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.