Sống tiếp phần đời sáng đẹp

Họ là những thương binh làm nhiệm vụ ngoài Biển Đông và bảo vệ biên giới phía bắc. Tuy mức độ thương tật khác nhau, nhưng họ cùng chung một điểm: Không ỷ lại, trông chờ chính sách. Hơn thế, họ luôn nỗ lực trong lao động, sản xuất và trở thành những tấm gương sáng giữa đời thường, đúng như lời dạy của Bác: "Thương binh tàn nhưng không phế"...

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị.
Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị.

Không chịu khuất phục

Sau nhiều năm làm nhiệm vụ ngoài Biển Đông, Nguyễn Văn Dũng cựu chiến binh (CCB), phường Vĩnh Hòa (Nha Trang, Khánh Hòa) phục viên với mức độ thương tật 61%. Chỉ với việc đi lại đã làm cho anh gặp bao khó khăn, nói gì đến lao động. Nhưng anh đã gượng dậy, luyện tập để đi lại được và sinh sống bằng nghề buôn bán hải sản nhỏ lẻ. Do nắm bắt nhanh nhạy thị trường, việc kinh doanh trở nên phát triển, anh Dũng trở thành một ông chủ kinh doanh dịch vụ nhà hàng, du lịch biển. "Lúc trở về, tôi chỉ còn có 36 cân, thương tật đầy mình. Chính bản thân tôi cũng không nghĩ mình làm được như ngày hôm nay. Tôi đã ngày đêm tập đi, ra bãi Tiên - khi đó còn hoang sơ lắm để tập khuân đá. Sau đó tôi được giúp dựng cái chòi để ở và nơi này đã trở thành cuộc sống của tôi", anh Dũng tự tin chia sẻ.

Trong tiếng sóng ập òa của biển, anh Dũng đưa tôi trở lại quãng thời gian lênh đênh làm nhiệm vụ trên biển. Từ năm 1986, anh ra giữ đảo Châu Viên rồi tiếp đó cùng đồng đội giữ các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Đông, Chữ Thập... Tháng 12-1988, anh cùng đồng đội nhận nhiệm vụ giữ một đảo chìm. Vào một buổi sáng cuối tháng 12, họ bị tiến công bất ngờ, có đồng đội hy sinh, người bị thương nặng. Dũng bị mảnh đạn găm vào người. Sau nửa tháng hôn mê và phải về Viện Quân y 175 điều trị, anh bình phục rồi tiếp tục được phân công ra đảo Nam Yết 18 tháng. Là lính thông tin, trong một lần sửa chữa cột ăng-ten, anh bị ngã từ trên cao, gãy chân, vỡ xương chậu. Do bị nhiễm trùng nặng, Dũng phải ra điều trị tại Bệnh viện 103 (Hà Nội) nên mới giữ được bên chân bị thương.

Trở lại quê hương với cơ thể không lành lặn, Dũng vô cùng chán nản, thường tìm đến rượu để giải khuây. Được sự động viên của gia đình, anh tự nhủ mình không thể cả ngày bê bết. Dù đã chủ động đi tìm việc nhưng chẳng nơi nào nhận, người lính không khuất phục trước kẻ thù ấy cũng đã không nản chí trước những khó khăn vây bủa. "Lúc đó, tôi nghĩ không ai nhận đi làm thì phải tự tạo ra việc cho mình. Nghĩ là làm, tôi đã rèn luyện sức khỏe, tự tìm lối thoát và đã... thành công", Dũng vui mừng nói.

Cũng giống như anh Dũng, từng có cuộc sống lận đận, CCB Lê Văn Thoa, phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn, Bình Định) giờ đây tự tin sống đạm bạc, là ông chủ của quán phở nho nhỏ có tên Trường Sa. Trong tâm tưởng, anh Thoa không bao giờ quên những tháng ngày hào hùng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Nhập ngũ năm 1985, được phân công làm nhiệm vụ trên tàu HQ602, chuyên tiếp lương thực, vật liệu xây dựng cho các đảo ở quần đảo Trường Sa. Ngày 13-3-1988, tàu bị pháo Trung Quốc bắn chìm. Thoa bị bỏng nặng ở lưng và nhiều mảnh đạn găm vào người. Sau một ngày lênh đênh trên biển, anh cùng tám đồng đội khác bị tàu Trung Quốc bắt, hơn ba năm sau mới được trả về. Anh Thoa tiếp tục công tác tại Lữ đoàn 125 Hải quân, năm 1996 anh xuất ngũ. Nhận chế độ một lần và thường xuyên đau yếu, anh Thoa phải gắng hết sức để có được cuộc sống "dễ thở" như hôm nay. Bản thân anh đã trải qua nhiều nghề từ thợ phu hồ đến xe ôm, rồi khi có vốn, anh và vợ quyết định mở quán phở Trường Sa.

"Thương hiệu" người lính

Tấm gương của anh Thoa, anh Dũng cũng như nhiều thương binh khác khiến cộng đồng xúc động. Họ xứng đáng với lời dạy của Bác: "Thương binh tàn nhưng không phế". Bằng những nỗ lực của bản thân, các anh đã chứng tỏ không có gì là không thể làm được, nếu có ý chí và khát vọng. Hơn nữa, chính các anh đang tích cực giúp đỡ những đồng đội còn nghèo khó hơn mình bằng vẹn nguyên tình đồng đội. "Tôi vẫn còn mảnh đạn ở trong đầu, thi thoảng vẫn đau lắm. Thật sự, dù bị thương tật, nhưng được trở về đoàn tụ với gia đình đã là điều kỳ diệu. Chúng tôi phải sống tiếp cho cả phần đồng đội đã hy sinh nữa", anh Thoa chia sẻ thêm.

Lời anh Thoa cũng là lời tâm sự của CCB Nguyễn Hữu Cầu ở Sơn Vi (Lâm Thao, Phú Thọ). Anh Cầu nhập ngũ năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, anh cùng đơn vị được điều động chiến đấu tại Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang). Tại mặt trận MB84, Bình Độ 300, anh Cầu bị thương nặng sau một trận đánh. "Những ngày làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước, anh em chúng tôi còn rất trẻ. Chẳng ai nghĩ đi rồi sẽ được hưởng chính sách đâu. Rất nhiều đồng đội đã nằm xuống. Đó là tổn thất lớn của gia đình. Chính họ là những người khiến chúng ta có cuộc sống hôm nay. Vậy thì có loe gì những người lính chúng tôi lại đầu hàng trước cuộc sống khó khăn", anh Cầu sôi nổi nói.

Với suy nghĩ như thế, anh Cầu đã tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi, không chờ đợi ai giúp đỡ mình mà tự đi tìm hiểu, phát triển kinh tế gia đình với mục tiêu: Làm giàu cho gia đình cũng là làm giàu cho xã hội. Anh thương binh Cầu cứ hết lăn lộn vườn trên lại xuống ao dưới. Đàn lợn trong chuồng nhà anh ngày thêm đông. Kinh tế khá giả, anh đầu tư cho con cái học hành, được chính quyền và nhân dân Sơn Vi tín nhiệm, năm 2004 anh được kết nạp Đảng, được bầu làm trưởng khu dân cư. Suốt 10 năm qua, anh luôn gương mẫu, "chứng minh nghị lực bản thân mình là thương hiệu của người lính". Năm nay, anh Cầu được cử đi dự Hội nghị biểu dương Người có công với Cách mạng tiêu biểu toàn quốc, nhân Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2014.

Và hơn thế...

Ở đâu đó, vẫn có những người ỷ lại, thậm chí nhiều người chưa từng tham gia quân ngũ, không phải thương, bệnh binh, nhưng tìm mọi cách chạy chọt nhằm hưởng lợi từ chính sách. Nhưng, với những người lính thực thụ, dù trong hoàn cảnh nào, các anh cũng luôn chứng tỏ giá trị cũng như tinh thần đạo đức đáng trân trọng của mình. Hàng trăm tấm gương giàu nghị lực, hăng hái hoạt động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, không chờ ngày được trả công. Họ đã kiên cường dũng cảm, sáng tạo không chỉ trong chiến đấu, mà trong sản xuất, kinh doanh cũng luôn giữ vai trò "người tiếp lửa" cho đồng đội cũng như cộng đồng. Thậm chí nhiều người còn trở thành những giám đốc của doanh nghiệp lớn và thành đạt không thua kém gì những ông giám đốc lành lặn khác.

Mỗi người một cách, nhiều người chưa nguôi nỗi đau mất mát, nhưng biết thông cảm với hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, đã tự chọn cho mình công việc phù hợp, sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, tiếp tục tôn bồi những đức tính tốt đẹp của người cựu quân nhân. Ví như anh Đinh Gia Tải ở Yên Thủy (Hòa Bình), anh Đặng Xuân Lộc ở Duy Tiên (Hà Nam), anh Vũ Như Mẫn ở Tủa Chùa (Điện Biên), anh Vi Văn Phúc ở Chi Lăng (Lạng Sơn)...

Sự hy sinh của những chiến sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của đất nước đã thật sự có ý nghĩa, khi mà đồng đội của họ, những người còn sống, không chỉ tiếp nối một phần đời đẹp nhất của những người chiến sĩ, mà đang từng ngày từng giờ phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. "Chúng tôi vẫn tích cực lao động, phát triển kinh tế, làm từ thiện. Chỉ khi không còn sức nữa mới dừng...", thương binh Nguyễn Văn Dũng khẳng định.

Tại Hội nghị biểu dương Người có công với Cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2014, được tổ chức vào ngày 18-7 tại Hội An vừa qua, chúng tôi được gặp lại thương binh Nguyễn Hữu Cầu (Phú Thọ) và Vi Văn Phúc (Lạng Sơn).

Sống tiếp phần đời sáng đẹp ảnh 1Trong niềm phấn khởi được ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai, thương binh Nguyễn Hữu Cầu tâm sự: "Đây là dịịp để chúng tôi có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, ôn lại những khó khăn, vất vả nhưng đầy hào hùng trong thời kỳ tham gia bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Đồng thời, đây là dịịp chúng tôi học hỏi những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong phát triển kinh tế gia đình cũng như làm công tác xóa đói, giảm nghèo".

Sống tiếp phần đời sáng đẹp ảnh 2Chung niềm vui ấy, thương binh Vi Văn Phúc chia sẻẻ: "Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Tôi nghĩ rằng, trước tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, việc tổ chức hội nghịị tôn vinh người có công lần này tại bờ biển Cửa Đại (Hội An) có nhiều ý nghĩa. Anh em chúng tôi sẽoe nỗ lực hết mình, học tập tấm gương Bác Hồ, học tập những đồng đội khác để tiếp tục cống hiến cho xã hội".