Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thấm thía lời dạy phê và tự phê

Cầm tấm ảnh Bác Hồ trên tay, ông Nguyễn Văn Minh rưng rưng nước mắt. Mới đó mà đã 60 năm trôi qua kể từ lần đầu ông được gặp Bác. Khắc ghi lời dạy của Người, cả cuộc đời ông luôn nỗ lực luyện rèn, tận tụy với cách mạng, với quê hương, gia đình.

Ông Minh luôn theo dõi sự phát triển của quê hương thông qua các phương tiện thông tin.
Ông Minh luôn theo dõi sự phát triển của quê hương thông qua các phương tiện thông tin.

Dẫu đã gần chín mươi tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Minh vẫn còn tinh mẫn lắm. Ông kể với chúng tôi về vinh dự hai lần được gặp Bác, về sự thăng trầm của thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh) một cách tỉ mẩn như mới ngày hôm qua.

“Năm 1957, khi đang là Thường vụ huyện ủy, Trưởng Công an huyện Thạch Hà, tôi may mắn được đón Bác và được nghe Người nói chuyện trong lần về thăm Hà Tĩnh. Đến tháng 4-1966, trong đợt tham dự kỳ họp Quốc hội khóa III, tôi cùng các đồng chí trong đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh vinh dự được gặp Bác tại Phủ Chủ tịch” - ông Minh hồi tưởng.

Cả hai lần gặp Bác, ông đều vừa mừng vừa lo. Lo vì sợ mình không đủ bình tĩnh như thường ngày để trả lời khi Bác hỏi. “Thế nhưng, trước phong thái giản dị, mộc mạc, ân cần, mọi cảm giác lo lắng, hồi hộp trong tôi đều biến mất. Tình cảm nồng ấm của Bác đã xóa tan mọi khoảng cách. Chúng tôi đứng bên, chăm chú lắng nghe từng lời căn dặn, chỉ bảo. Những lời dạy bảo trong hai lần gặp mặt không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm bấy giờ mà còn mang giá trị lâu dài. Tự bản thân tôi ngày nào cũng nhắc nhở mình sống sao cho xứng đáng với những lời căn dặn này” - ông Minh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Minh sinh năm 1928 tại xã Thạch Thượng, nay là thị trấn Thạch Hà (Hà Tĩnh) trong một gia đình nông dân yêu nước. Năm 19 tuổi, Nguyễn Văn Minh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Suốt cả cuộc đời cống hiến tận tụy với cách mạng, với nhân dân, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, ông luôn đóng vai trò là hạt nhân đoàn kết, tập hợp đồng chí, anh em nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Và đến khi về nghỉ hưu tại thị trấn Thạch Hà, ông vẫn giữ vững phẩm chất, cốt cách mẫu mực của một đảng viên lão thành. Dù trải qua nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt của địa phương lại thuộc lớp người “xưa nay hiếm” nhưng ông Minh vẫn giữ vẻ khiêm tốn, giản dị rất đời thường.

Theo chia sẻ của đồng chí Bí thư Đảng ủy thị trấn Thạch Hà - Trần Danh Vinh, khi về sinh hoạt với bà con lối xóm, ông Minh vẫn giữ lối sống liêm khiết. Mỗi lần phát biểu tại các cuộc họp Chi bộ, Đảng bộ, ông luôn chú ý đến tác phong, lời nói. Phát biểu có lý, có tình, luôn đề cao vai trò của tập thể. Ngoài đời thường, ông vẫn lắng nghe những ý kiến trái chiều từ quần chúng nhân dân, hiểu rõ lĩnh vực nào, ông trực tiếp lý giải, phân tích điều hay, lẽ phải với bà con. Đối với việc chưa biết, ông đến trao đổi lại với lãnh đạo địa phương và đề nghị chính quyền tìm hiểu, nắm thêm thông tin, sớm giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người dân.

Tiếp xúc với rất nhiều cán bộ lão thành, những người từng gắn bó với ông Nguyễn Văn Minh, điểm chung giữa họ khi kể về ông là sự ngưỡng mộ đức tính tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm.

Còn nhớ những năm 1980, lúc đứa con trai duy nhất của gia đình được điều vào miền nam công tác sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan an ninh, rất nhiều người khuyên ông xin nhờ những mối quan hệ mà xin cho con về Hà Tĩnh. Thế nhưng, ông vẫn động viên gia đình để đứa con trai duy nhất vào làm nhiệm vụ theo sự phân công của tổ chức.

“Lúc về sinh hoạt Đảng ở địa phương, chưa bao giờ chúng tôi thấy đồng chí Minh vắng họp Chi bộ. Ngay cả khi tuổi đã cao, được nghỉ sinh hoạt Đảng danh dự nhưng mỗi khi Đảng bộ, Chi bộ tổ chức quán triệt Nghị quyết, thảo luận, xây dựng phương hướng cho nhiệm kỳ mới, đồng chí vẫn hăng hái tham gia” - Bí thư Chi bộ tổ dân phố 8, thị trấn Thạch Hà Nguyễn Sỹ Căn nói.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng ngày nào ông Nguyễn Văn Minh cũng theo dõi sát sao tin tức về sự phát triển của quê hương, đất nước. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông rất đồng tình, phấn khởi khi Đảng ta đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, căn bản nhằm xây dựng Đảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới. Đặc biệt, ông thường xuyên, chú trọng công tác tự phê bình và phê bình.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng ngày quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên phải nắm chắc và khéo sử dụng vũ khí tự phê bình - phê bình và sửa chữa để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố chính quyền trong sạch, vững mạnh. Ông Minh cho rằng: Bên cạnh việc phát hiện kịp thời những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cần đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình đối với đảng viên không giữ trọng trách, nhất là các đảng viên ở nông thôn. “Đảng viên không giữ trọng trách, đảng viên sinh hoạt ở khu vực nông thôn mà không thực hiện đầy đủ nguyên tắc tổ chức Đảng, không tham gia sinh hoạt đầy đủ… thì đó cũng là suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Chúng ta cần phải đưa ra tiêu chuẩn phấn đấu cho các đảng viên được cấp huy hiệu Đảng. Ngoài vấn đề thời gian, nếu đến năm được nhận huy hiệu mà vẫn vi phạm nguyên tắc, kỷ luật Đảng thì chưa cấp huy hiệu. Chờ đến khi các đồng chí đó sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, chúng ta công nhận huy hiệu Đảng vẫn chưa muộn” - ông đề xuất.