Bài dự thi "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Như cây phong ba của biển

Lê Văn Chương vốn là lính trinh sát biên phòng, nhưng lại đam mê viết báo. Từ khi trở thành người lính cầm bút ở Báo Biên phòng, anh đã mang đến cho bạn đọc những bài viết đậm hơi thở cuộc sống của khu vực miền trung, nơi anh thường trú. Bài anh viết có vị đậm của biển, sự sắt son một lòng vì Tổ quốc của những con dân đất Việt.

Thiếu tá Lê Văn Chương đang tác nghiệp trên vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa) tháng 5-2014. Ảnh: VĂN LÊ
Thiếu tá Lê Văn Chương đang tác nghiệp trên vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa) tháng 5-2014. Ảnh: VĂN LÊ

Bám biển, tác chiến cùng ngư dân

Chương sinh ra từ vùng quê Ðức Phổ, Quảng Ngãi, nơi có nhiều ngư dân thường xuyên đánh bắt ở hai ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa. Anh đã có mặt trong hầu hết các điểm nóng thiên tai, nhân tai xảy ra dọc vùng biển Quảng Ngãi, Quảng Nam... để kịp chuyển đến người đọc cả nước những bài viết xúc động về đời sống và mưu sinh của ngư dân bám biển... Anh ra khơi cùng bà con trên con tàu lênh đênh, hò dô kéo lưới giữa đêm khuya, thấm được sự nhọc nhằn của người dân chài.

Gần gũi với bà con, anh như người con của làng chài, nên nghe bà con bị tàu Trung Quốc xua đuổi, vô cớ bị bắt tàu, phạt tiền, cảm thấy rất đau xót. Nhiều ngư dân nhắn nhủ với anh, dù khó khăn nhưng họ vẫn bám biển Hoàng Sa, bởi đó chính là quê hương, là mảnh đất máu thịt cha ông để lại. Trong những chuyến thực tế, anh đã được chia sẻ về những lần ngư dân va chạm với tàu nước ngoài, và từ đó, những kinh nghiệm của bà con được anh chia sẻ rộng hơn đến những làng chài khác. Chương đã viết nhiều bài báo ca ngợi những ngư dân vươn ra bãi ngầm Mác-léc-phiên (thường gọi là Trung Sa) với lá cờ Tổ quốc tung bay như một sự khẳng định về quyết tâm bảo vệ chủ quyền theo cách của ngư dân ở vùng biển này. Những bài viết của anh đã trở thành nguồn động viên cho bà con ngư dân yên tâm tiến ra ngoài tọa độ 110 độ kinh đông và áp sát vào các đảo ở quần đảo Hoàng Sa để đánh bắt. Họ đã trở thành những cột mốc quốc gia giữa biển khơi sóng vỗ...

Nhà xuất bản Trẻ đã tuyển chọn những bài báo sống động trong suốt năm năm tác nghiệp của Lê Văn Chương, in thành hai tập sách "Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa". Ðược đông đảo bạn đọc đánh giá cao, đó là niềm hạnh phúc với nhà báo mang mầu áo lính.

Một tình yêu tha thiết với biển đảo

Còn nhớ, tháng 3-2012, hai chiếc tàu Trần Hiền và Lê Vinh ở huyện đảo Lý Sơn bị Trung Quốc bắt giữ ở quần đảo Hoàng Sa. Qua các bài viết "Con tàu chở triệu tấm lòng"; "Con tàu Hoàng Sa của 2,5 vạn công chức"... của Lê Văn Chương, nhiều anh chị em cán bộ, công nhân, viên chức các công ty, xí nghiệp ra đảo đã chia sẻ lòng mình: "Chúng tôi trích mỗi người một ngày lương ủng hộ bà con ngư dân". Một chiếc tàu bị bắt, cả nước lại bùng lên tình cảm hướng về mảnh đất chủ quyền Hoàng Sa. Sức mạnh đó như một bó đũa. Tình cảm của người dân cả nước đã giúp các ngư dân yên tâm bám biển Hoàng Sa. Không có con tàu hải giám, kiểm ngư nước ngoài nào có thể đe dọa được bà con ngư dân mình. Tinh thần đoàn kết dân tộc chính là "vũ khí" để bảo vệ ngư dân Hoàng Sa. Bởi đó là mảnh đất của cha ông ta, không thể để người khác ngang nhiên xâm chiếm. Quần đảo Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt truyền thống của hơn 20.000 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi và hàng trăm nghìn ngư dân cả nước.

Bà con ngư dân có việc gì đều tìm cách liên lạc với anh em phóng viên báo chí. Có những việc ngoài biển, bà con điện Icom vào đất liền nhờ tìm nhà báo để "báo cáo". Báo chí đã trở thành kênh kết nối giữa ngư dân với đất liền, giữa thực tế với cơ chế chính sách... Bên cạnh đó, thông qua nhiều chương trình, báo chí trở thành đầu mối trung chuyển những hỗ trợ từ cộng đồng đến bà con ngư dân. Chương đã có nhiều bài viết phản ánh về những chiến sĩ biên phòng, cảnh sát biển, hải quân đã dũng cảm, đối mặt với thiên tai gió bão cứu người bị nạn, bất chấp sự hy sinh, gian khổ. Những nghĩa cử cao đẹp của người lính Cụ Hồ làm cho bà con ngư dân thêm yên tâm giữa trùng khơi.

Trong thời điểm Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Chương không chỉ có mặt tại vùng biển Tri Tôn - quần đảo Hoàng Sa mà còn có hàng chục bài báo, tấm ảnh sống động phản ánh về việc hàng trăm ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh... đã kiên cường tiến thẳng vào khu vực giàn khoan bằng những chiếc tàu nhỏ bé để đánh bắt hải sản, kết hợp với việc đấu tranh với Trung Quốc. Trong đợt công tác đó, Chương đã được Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Tư lệnh BÐBP tặng Bằng khen.

Trong thời gian đó, tàu Trung Quốc đã thay đổi phương thức dàn hai tàu hình chữ T để bắt tàu ngư dân. Tối ngày 16-5-2014, Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá QNg 90205 TS của ngư dân Nguyễn Tấn Hải ở xã Bình Châu huyện Bình Sơn sau khi đuổi tàu chạy năm giờ trên biển. Sau vụ việc trên, anh đã tuyên truyền kinh nghiệm của các ngư dân về phòng tránh bị tàu tuần tra Trung Quốc chặn ngang mũi hình chữ T để bắt giữ.

Chương tâm sự, anh luôn sẵn sàng ra khơi cùng bà con ngư dân để tuyên truyền về sản xuất và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của họ. Bởi lẽ, tình yêu biển đảo quê hương đã thấm sâu trong anh.