Bài dự thi "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Người giữ lửa

Ði qua chiến tranh, thương binh Lâm Văn Bảng tri ân quá khứ theo cách, cùng đồng đội truyền cảm hứng yêu nước đến lớp trẻ - những người sẽ đi tiếp con đường bảo vệ và dựng xây đất nước.

Qua các kỷ vật, ông Bảng giúp các em học sinh hiểu về cuộc sống trong lao tù của các chiến sĩ.
Qua các kỷ vật, ông Bảng giúp các em học sinh hiểu về cuộc sống trong lao tù của các chiến sĩ.

Không chỉ là bảo tàng tư nhân

Nằm trong con ngõ của thôn Nam Quất, xã Nam Triều (Phú Xuyên, Hà Nội), Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị bắt tù đày có một sức sống riêng bởi dung chứa trong mình những câu chuyện bi tráng của một giai đoạn lịch sử qua những hiện vật và hơn cả là những nhân chứng sống.

Giám đốc bảo tàng, ông Bảng nhập ngũ năm 1965, là cựu chiến sĩ trung đoàn Bình Giã. Trong một trận chiến ác liệt, ông bị thương nặng, phải lên bàn mổ bảy lần và sống với một quả thận. Không may bị địch bắt, giam cầm ở nhà tù Phú Quốc ba năm, năm 1973, theo Hiệp định Pa-ri, ông được trở về quê hương và công tác trong ngành giao thông vận tải. Với tâm nguyện ban đầu lập một phòng truyền thống tại tư gia, cũng là nơi đồng đội cũ có chốn sinh hoạt, ông thấy cần thiết phải lập bảo tàng. "Những lời dạy của Bác Hồ, là ở mọi hoàn cảnh đều phải sống có ý nghĩa, chúng tôi vẫn khắc ghi, ngay cả ngoài chiến trường và trong lao tù khổ hạnh", ông Bảng thổ lộ.

Năm 2006, Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị bắt tù đày ra đời, là kết quả sau quá trình lao động, sáng tạo không mệt mỏi của ông Bảng và sự giúp sức của nhiều cựu tù bị giam giữ ở nhà tù Phú Quốc cũng như sự ủng hộ của các cơ quan chức năng. Tính đến nay, bảo tàng lưu giữ 4.000 hiện vật quý hiếm, trưng bày trong 10 phòng chuyên đề, ghi lại những tấm gương chiến đấu oanh liệt, những người đồng chí thủy chung của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Tự hào là người lập nên bảo tàng cách mạng đặc biệt, "giám đốc không lương" Lâm Văn Bảng tâm sự: "Trong lao tù, đặc biệt ở nhà tù Phú Quốc, chúng tôi căng óc chịu đòn roi, biến nhà tù thành mặt trận, chiến trường. Chúng tôi luôn tuyệt đối tin tưởng vào Ðảng, vào cách mạng, hướng về ngày toàn thắng. Trở về cuộc sống thường nhật, anh em chúng tôi vẫn hăng hái đấu tranh với cái đói, cái nghèo, vượt qua những ngày đau yếu vì các vết thương. Bảo tàng ra đời là sự đóng góp chung của cả tập thể anh ạ. Giờ đây mọi người, trong đó nhiều bạn trẻ quan tâm, nhận ra giá trị của bảo tàng, chúng tôi mừng lắm. Bảo tàng không còn là bảo tàng tư nhân nữa mà của cả cộng đồng".

Trong câu chuyện của ông niềm vui hiển hiện, nhưng dường như những gian khó, nỗi truân chuyên của ông và những người gây dựng nên bảo tàng thì lặn vào trong. Tôi không hiểu ông đã lấy đâu ra tâm sức để làm được nhiều việc đến thế. Năm nay đã ở tuổi 72, sức khỏe yếu, phải bước đi tập tễnh, nhưng ông vẫn nay đây mai đó, tìm kỷ vật như không hề biết mệt mỏi.

Tài sản vô giá và thông điệp cho tương lai

Nhằm tạo thêm sự sinh động và hiệu quả hơn trong tuyên truyền, giáo dục, ông Bảng và các đồng đội còn thường xuyên tổ chức triển lãm, giao lưu với các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài thành phố. Cách đây hai năm, ông Bảng tiếp tục phát động phong trào "Tôi yêu Tổ quốc Việt Nam", thông qua các buổi triển lãm ảnh lưu động. Tất cả không ngoài mục đích nhằm giàu có thêm tư liệu bảo tàng, đồng thời dùng những hiện vật "biết nói" làm lan tỏa tinh thần uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái cho nhiều người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Nhưng đâu chỉ có thế, ông Bảng còn thành lập đội Văn nghệ, Văn hóa - Tuyên truyền, thường xuyên có những buổi biểu diễn văn nghệ kết hợp giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt giáo dục tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân tiền nhân. Gần đây nhất, ông thành lập thêm đội trống, trong đó kèm theo đọc lời bình, với những câu chữ xúc động, là một hình thức giáo dục khác là tác động thẳng vào xúc cảm của mỗi khán giả. "Chúng tôi hội tụ được lứa tuổi thanh niên trong huyện tham gia. Ðây là cách làm rất hiệu quả, vừa tạo môi trường lành mạnh cho các em, vừa là cách tuyên truyền trực diện", ông Bảng thổ lộ.

Ông Kiều Văn Uỵch, đồng đội và cũng là chiến sĩ bị đày ở Phú Quốc với ông Bảng, nay trở về làm "sếp phó", chung tay làm việc truyền lửa cách mạng tại bảo tàng, tâm sự: "Nhờ các chương trình được giám đốc sát sao tổ chức nên những năm qua, mỗi năm có hàng vạn khách đến tham quan anh ạ. Nhiều người xem hiện vật đã xúc động chảy nước mắt".

Hiện nay, ngoài "ban giám đốc", bảo tàng còn có sự giúp sức của nhiều cựu binh già, là các ông Nguyễn Trọng Dư, Nguyễn Tiến Mộ, Trương Lưu Sa, Vũ Hữu Mão, Lê Xuân Phùng, bà Vũ Thị Huân... Các thành viên gìn giữ và điều hành bảo tàng đưa ra một nguyên tắc là "4 tự": Tự nguyện, tự túc, tự quản và tự chịu trách nhiệm. Họ đều mang trên mình những vết thương trong chiến tranh và đều ở xa đến làm việc hằng ngày. Việc làm thiện nguyện của các cựu binh đã mang đến thông điệp: Người chiến sĩ cách mạng dù thương tích đầy mình, vẫn là những tấm gương vượt khó để mọi người noi theo và tích cực làm những công việc có lợi cho cộng đồng.

Ghi nhận những hoạt động của bảo tàng, ông Phùng Văn Thao, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Xuyên cho biết: "Với sự tận tâm tận lực của ông Bảng và những người đồng đội, những nhân chứng sống của một thời gian lao và hào hùng, bảo tàng làm rất tốt vai trò giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương".

Dẫn tôi cùng các em học sinh trong xã tham quan bảo tàng, ông Bảng kể câu chuyện về lá cờ Ðảng và tấm chân dung Hồ Chủ tịch được nhuộm bằng máu của các chiến sĩ trong nhà tù Phú Quốc; chuyện về hòn đá quân giặc dùng đập vào đầu chiến sĩ ta; rồi chiếc thùng phuy chúng nhốt chiến sĩ rồi dùng búa gõ cho tới khi trào máu mắt, máu miệng. Những chuồng cọp, quấn đầy dây thép gai, chúng nhốt chiến sĩ ta và phơi nắng... Giọng nghẹn lại, ông Bảng chia tay chúng tôi với lời nhắn nhủ: "Thế hệ trẻ cần biết tường tận thời cha ông đánh giặc, bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc, để nhân lên lòng yêu nước, chung sức bảo vệ đất nước, sống chan hòa, đoàn kết, tương thân tương ái".

Là một trong 10 cá nhân được đề cử nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2014, ông Lâm Văn Bảng cho biết: Ðược thành phố vinh danh, đó là vinh dự rất lớn cho bảo tàng và cá nhân ông. Những thành quả mà bảo tàng có được là công của tập thể những đồng đội đã và đang chung tay cùng ông xây dựng, gìn giữ.